Đà Nẵng cuối tuần
Một gương mặt văn chương độc đáo miền Nam
Ngày 17-2-2016 vừa qua, là tròn 95 năm ngày sinh của nhà văn Lý Văn Sâm, một gương mặt tiêu biểu và độc đáo của văn học Nam Bộ thế kỷ XX. Lý Văn Sâm cùng với Vũ Anh Khanh từng được đánh giá là hai cây bút xuất sắc nhất ở miền Nam giai đoạn 1945-1954. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2006.
Từ phải sang: Nhà văn Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Bổng và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ảnh: Internet |
Người con của rừng miền Đông
Nói đến Lý Văn Sâm, nhiều người nghĩ ngay đến một con người khí phách, nghĩa hiệp, một cây bút tài năng tiên phong về chuyện đường rừng. Lý Văn Sâm hợp cùng với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Xuân Miễn… làm nên diện mạo văn chương miền Đông đất đỏ Nam Bộ từ thời kháng chiến chống Pháp tái xâm lược.
Vào đầu thập niên 1990, sau khi rời các chức vụ quản lý văn nghệ, ông về “ở ẩn” trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh khi nơi đây chưa sầm uất như bây giờ. Những dịp cuối tuần tôi hay đến hầu chuyện ông. Ẩn sau con người nhỏ nhắn, gầy yếu, xởi lởi là một tính cách mạnh mẽ, một từ điển sống với nhiều câu chuyện ly kỳ của bản thân ông, đồng đội và cả một giai đoạn trường kỳ kháng chiến gian khổ mà ông từng trải.
Quê hương của nhà văn Lý Văn Sâm là vùng rừng Tân Uyên của tỉnh Biên Hòa, nay thuộc xã Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ông sinh ngày 17-2-1921, còn có tên Đào Lê Nhân, từ nhỏ sống giữa vùng rừng hoang vắng đã ảnh hưởng đến tính khí lẫn con đường văn chương của ông về sau.
Ông cho biết: “Đến năm 7 tuổi, tôi mới có dịp ra thị trấn Tân Uyên, nên từ nhỏ tôi đã có tâm hồn ẩn dật. Tôi cứ ngồi bó gối ở trong nhà bà ngoại, thấy xe hơi chạy, ao ước có lúc mình được ngồi trên chiếc xe đó. Ông già tôi làm kiểm lâm và lãnh tiền xâu trả cho công nhân đốn cây.
Từ nhỏ, tôi ở với bà ngoại, không có điều kiện trò chuyện với ai. Tôi trở thành cậu bé hết sức cô đơn. Một lần nhà bị cháy, gia đình ngoại tôi chạy từ rừng về, tưởng tôi bị chết cháy trong đó rồi. May có cô câm giúp việc tên là Quơn la ú ớ rồi nhảy vô cứu tôi. Nếu không có cô ấy thì tôi chẳng còn. Lúc 7 tuổi, tôi đã biết tiếng Tây do cha tôi dạy. Hoàn cảnh sống ở chốn rừng núi âm u làm tôi hay bất mãn, chống sự bất công của xã hội và thích ẩn dật”.
Khi lớn lên, Lý Văn Sâm được gia đình tạo điều kiện xuống Sài Gòn học ở trường từ Pétrus Ký, rồi ra cả cố đô học ở Quốc học Huế. Lãng mạn, thích phiêu bạt và say mê văn chương, thời kỳ này ông bắt đầu tập viết văn. Lý Văn Sâm rất thích văn thơ của Thanh Tịnh, người thầy dạy văn cho mình ở Trường Quốc học Huế.
Ông kể: “Nhà văn Thanh Tịnh rất giản dị và ông từng ăn cơm tháng chung với tôi. Trong quyển tập của tôi, ông có viết chơi hai câu thơ bất chợt: Đã bao năm dưới liễu ta gò cương/ Ta chỉ thấy sông xa tràn bọt trắng. Hai câu thơ ấy ông chỉ viết chơi, nhưng tôi thấy mình cần phải học tập ở ông này”.
Tuy nhiên, giấc mộng văn chương chưa thành, Lý Văn Sâm phải bỏ học trở về quê hương làm chủ một lò than do gia đình tạo dựng để kinh doanh. Đồng thời, bằng năng khiếu bẩm sinh ông tiếp tục theo đuổi con đường văn chương. Hai truyện đầu tiên của ông là Cây nhị sông Phố, Cái ống tiền đã được nhà văn Vũ Bằng đăng liên tiếp trên Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội năm 1941.
Nghĩa tình và khí phách văn chương Nam Bộ
Từ vốn sống đã ăn vào máu thịt của mình, Lý Văn Sâm say mê viết chuyện đường rừng. Lúc đó, những cây bút nổi tiếng ngoài Bắc như Lan Khai, Thế Lữ đang viết thể loại này, còn trong Nam thì chưa ai viết, nhưng ông viết thì chẳng báo nào chịu đăng. Không nản chí, ông thử gửi truyện ra Hà Nội cho nhà văn Vũ Bằng, chủ bút Tiểu thuyết thứ bảy.
“Vũ Bằng đọc rồi gửi thư vô cho tôi, gợi ý cho tôi viết về con người sống, làm việc ở chốn núi rừng. Nhờ sự khuyến khích quý báu của Vũ Bằng, từ đó tôi viết luôn chuyện đường rừng” - ông nói.
Có một điều thú vị là nhắc đến Lý Văn Sâm người đọc thường nghĩ ngay đến truyện Kòn Trô, mà bản thân ông cũng thích thú nhất vì đó là truyện ngắn ông viết đầu tay, gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn của ông, cho dù không phải là truyện được đăng báo trước tiên.
Ông cho biết bối cảnh ra đời của Kòn Trô: “Lúc tôi đang làm ở lò than, thì có một chiếc xe hơi vừa chạy tới đó bị chết máy. Một cô gái vô nghỉ nhờ và ăn cơm tại nhà tôi. Sau đó, tôi mới tưởng tượng viết truyện, mà nhân vật chính Kòn Trô (con Trời) là tôi, còn Thể Phụng, nhân vật thứ hai chính là cô gái đó”.
Thời kỳ trước năm 1945, ông viết truyện thường ký tên Ánh Minh. Nói về bút danh này, ông cho hay: “Hồi nhỏ, tôi đi học trường tiểu học ở Biên Hòa, có cô giáo tên Huỳnh Minh Ánh. Lúc thi lấy bằng tiểu học, môn tiếng Pháp, tôi đi thi trễ.
Cô nói: “Trò cứ vô đi”. Giờ đó thi tiếng Việt dịch sang tiếng Pháp, cô bảo tôi dịch câu này: “Rượu giết người nhiều hơn giặc”. Tôi đang lúng túng thì cô giáo viết trên miếng giấy nhỏ đưa cho tôi. Và kết quả, tôi được 9 điểm. Nhưng điều quan trọng là thi cử thời đó khó lắm, giáo viên trường khác đến coi thi, nhưng lại có thái độ tốt giúp đỡ học sinh như thế thật hiếm. Để nhớ ơn cô, sau này tôi lấy bút danh Ánh Minh”.
Không chỉ tình nghĩa mà Lý Văn Sâm còn là con người khí phách. Như bao chàng trai yêu nước khác, ông đã tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong khởi nghĩa cướp chính quyền ở Biên Hòa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ông vừa làm cán bộ tuyên truyền vừa tiếp tục kinh doanh lò than. Khi quân Pháp tái xâm lược, ông hiến lò than cho cách mạng, đốt nhà mình để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Năm 1946, Lý Văn Sâm bị địch bắt trong một trận càn. Một thời gian sau ông được thả, nhưng chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân, ông rời Biên Hòa bỏ trốn xuống Sài Gòn.
Dù nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp nhưng Sài Gòn là mảnh đất rộng mở cho báo chí và văn chương. Ông công tác trong ngành an ninh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng được tổ chức phân công hoạt động công khai trên lĩnh vực văn nghệ, báo chí.
Bút danh Lý Văn Sâm bắt đầu chính thức xuất hiện trên các tờ báo Việt Bút, Tiếng Chuông, Lẽ Sống, Bình Minh. Ông cũng tự sống hoàn toàn bằng nhuận bút.
Một trong những tác phẩm gây ấn tượng của Lý Văn Sâm vào thời kỳ này là truyện Nắng bên kia làng đăng năm 1948. Đây cũng là truyện ông rất tâm đắc trong đời văn vì nó gắn liền với một kỷ niệm sinh tử đời mình: “Bối cảnh ra đời truyện này là khi tôi bị bắt, bị quản thúc ở Biên Hòa, được thầy giáo cũ là Phú Văn Nên bảo lãnh ra.
Suýt chút nữa là tôi bị cắt cổ. Lúc bị bắt, bọn Tây muốn xách cổ ai ra cắt thì nó xách. Lúc nó cắt cổ đến người anh của Hoàng Văn Bổn, thì tôi nghĩ đã sắp tới mình. May mà có ông thầy thương tôi khi còn đi học cứu cho”.
“Thời đó cực tận mạng mà vui cũng tận mạng”!
Vào năm 1949, nhà văn Lý Văn Sâm bị địch bắt tại Sài Gòn, gần một năm sau ông ra khỏi tù và bí mật vào chiến khu miền Đông. Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông được phân công ở lại miền Nam, trở về Sài Gòn hoạt động hợp pháp trên mặt trận văn nghệ, báo chí cùng với những đồng nghiệp như Dương Tử Giang, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Kiên Giang...
Đến cuối năm 1955, nhà văn Lý Văn Sâm cùng với các nhà văn Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Tư Mã Việt, Tô Nguyệt Đình… bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, đưa về Trung tâm Cải huấn Biên Hòa, tức nhà lao Tân Hiệp. Vào ngày 2-12-1956, nhà văn Lý Văn Sâm đã tham gia cuộc phá lao vượt ngục và trốn thoát vào chiến khu, trong khi nhà văn Dương Tử Giang bị trúng đạn của địch đã hy sinh.
Kể từ đây, nhà văn Lý Văn Sâm lần lượt được giao nhiều chức trách như: Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Sau năm 1975, ông được bầu làm Phó Tổng thư ký Hội liên hiệp VHNT Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai…
Nhớ về buổi đầu gian khổ trong chiến khu chống Mỹ, cứu nước, nhà văn Lý Văn Sâm cho hay: “Tôi được anh Nguyễn Hữu Xuyến, chỉ huy trưởng quân sự phân công “bao sân”, nghĩa là bộ đội cần gì làm nấy. Báo chí có tờ Chiến Thắng viết và vẽ khá đẹp.
Ban biên tập gồm có tôi, anh Trường Thắng, Huỳnh Anh Tuyên (hai anh hy sinh trước 1975). Vài ba tháng, báo mới ra được một số, anh em chuyền tay nhau cuồng nhiệt. Một buổi sáng, anh Xuyến gọi tôi lên, pha trà đãi một chầu (anh mới đi họp “trên” về).
Anh cho tôi biết là tôi sẽ về nhận một công tác hợp sở trường và sức khỏe vì... “anh ốm yếu mà ở đây ăn củ chụp mãi không chịu nổi đâu”. Cũng như ở bộ đội, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi tôi về buổi đầu mới thành lập cái gì cũng từ hai bàn tay trắng làm nên.
Tình hình văn nghệ sau Đồng Khởi rộn rịp chưa từng có. Tôi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng kiêm Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ Giải Phóng. Thời đó cực tận mạng mà vui cũng tận mạng”!
Thời gian ở trong rừng, nhà văn Lý Văn Sâm được “phong” là “kiện tướng đào củ chụp”. Nhớ lại chuyện này ông rất hứng khởi: “Nói “kiện tướng” là hơi quá đáng. Tôi chỉ đào củ chụp vào loại “thường thường bậc trung” thôi.
Đó là một loại củ rừng dùng làm thức ăn thay cơm của bộ đội, lúc không có gạo, có muối để ăn. Từ kinh nghiệm mấy năm ở bộ đội, tôi đem sáng kiến này phổ biến với Ban Tuyên huấn R. Các đồng chí lãnh đạo rất tán thành và phong cho tôi làm “tướng” dẫn các anh chị em “xuất phát”... Ai cũng hăng hái sẵn sàng lên đường... đào củ chụp”.
Nhà văn Lý Văn Sâm đã từ giã cõi đời vào năm 2000. Ông ra đi, nhưng những tác phẩm vừa trữ tình lãng mạn vừa âm vang hào khí miền Đông anh hùng, đã trở thành niềm ngưỡng mộ của độc giả nhiều thế hệ vẫn còn lại: Kòn Trô (1941), Nắng bên kia làng (1948), Sương gió biên thùy (1948), Mười lăm năm hận sử (1949), Sau dãy Trường Sơn (1949)… sau này có thêm Bức chân dung (1983), Bến xuân (1985), Ngàn sau sông Dịch (1988).
Trong đó, hai tác phẩm Kòn Trô và Sương gió biên thùy đã được hãng phim TFS của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh chuyển thể kịch bản, dựng phim và công chiếu, thu hút đông đảo người xem.
PHAN HOÀNG