Đà Nẵng cuối tuần

Chúng con lại về... thưa cụ Phan

07:43, 20/03/2016 (GMT+7)

Ngày 15-9-1952 đi vào lịch sử giáo dục của Đà Nẵng với sự kiện khai giảng lớp Đệ thất công lập (“lớp Đệ thất tân thiết”), tiền thân của ngôi trường trung học công lập đầu tiên ở Đà Nẵng - ngôi trường được chính thức đặt tên nhà chí sĩ kiệt xuất của đất Quảng Phan Châu Trinh vào năm 1954.

Tuyên dương học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đỗ đại học tại lễ khai giảng năm học 2015-2016. Ảnh: V.T.L
Tuyên dương học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đỗ đại học tại lễ khai giảng năm học 2015-2016. Ảnh: V.T.L

64 năm trôi qua với biết bao biến thiên lịch sử nhưng trong tâm thức lớp lớp các thầy, cô giáo và học sinh từng sống dưới mái trường thân yêu này vẫn mãi xanh một miền ký ức chẳng hề thay đổi.

Uy lực của một nhân cách

Nhà báo Trần Ngọc Châu, nguyên Tổng biên tập Kênh truyền hình FBNC, nguyên Phó Tổng biên tập Saigon Times Group (phụ trách The Saigon Times Weekly), trong rất nhiều kỷ niệm một thời làm học trò Trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) trước năm 1975, có kỷ niệm khó quên về người thầy dạy tiếng Anh, thầy John C.Schafer.

Thầy khi đó mới 25 tuổi, dạy tiếng Anh các lớp ban C (kiểu như các lớp chuyên ngoại ngữ hay ngữ văn bây giờ), là thành viên nhóm Chí nguyện Quốc tế (International Voluntary Service - IVS).

Khi học sinh tự tổ chức một buổi tưởng niệm nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh ngay trên sân trường mang tên Cụ thì thầy John cũng tới dự lễ và rất bất ngờ khi thấy đám học trò thường lười nói tiếng Anh với thầy, lại có bài phát biểu đầy hùng biện trước đám đông.

Ông Châu nhớ lại: “Thầy John cũng thích thú thấy bọn nhóc chúng tôi mặc quốc phục - áo dài khăn đóng - và đánh trống chiêng ì xèo. Thầy cứ đi theo tôi hỏi mãi ý nghĩa về sự thay đổi đột ngột trong hình thức tổ chức lễ tưởng niệm  chí sĩ Phan Châu Trinh.

Thầy John nói: “Tại sao mấy năm trước tôi không thấy nhà trường làm như thế?”. Tôi bình tĩnh trả lời thầy: “Thưa thầy, vì bây giờ chúng em đã học 12 chứ không phải lớp 10 nữa”. “Ý em nói các em đã đủ lớn để làm như thế?”. “Thưa thầy, có lẽ vậy”.

Thời đó học sinh lớp 9 đã chững chạc, ra dáng trưởng thành rồi, huống gì... “Đã học 12” có nghĩa là đã lớn khôn trong nhận thức, đã biết chọn cho mình hành trang và hướng đi cho chặng đường phía trước. Với học sinh trường trung học công lập đầu tiên ở Đà Nẵng, nhân cách và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Châu Trinh đã đi vào tâm hồn họ bằng những tình cảm thiêng liêng, thúc giục họ nghĩ và sống sao cho xứng danh ngôi trường mang tên nhà yêu nước, nhà duy tân tiên phong, người con ưu tú của đất Quảng kiên trinh, hiếu học.

Trong sân trường Phan Châu Trinh có tượng bán thân cụ Phan bằng đồng do thầy Đỗ Toàn phác thảo và khởi dựng năm 1965, hoàn thành năm 1966. Dường như có một sự “hiển linh”, một uy lực vô hình lảng vảng quanh đó khiến học trò phải tự nhìn lại mình, như chia sẻ của nhà văn Lê Minh Quốc: “Thuở nhỏ còn đi học, mỗi lần ngang qua tượng cụ Phan Châu Trinh, cái lũ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi đi đứng đàng hoàng hơn chứ không giỡn hớt, không dám nói lớn. Bởi lẽ ngước lên nhìn bức tượng bán thân ấy, trông cụ nghiêm nghị lạ thường…”.

Nối tiếp truyền thống hiếu học của Trường Phan Châu Trinh, học sinh nhà trường trong 5 năm qua, đã đoạt 14 HCV, 39 HCB, 46 HCĐ trong các kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP. Hồ Chí Minh; trên một nghìn giải học sinh giỏi cấp thành phố.

Riêng 3 năm qua năm nào nhà trường cũng có học sinh giỏi cấp quốc gia… Đó là một trong những niềm tự hào mà thầy Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh Trần Văn Quang tự tin thông báo với quý thầy, cô giáo và các cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh mỗi khi gặp mặt nhân tưởng niệm ngày mất của cụ tại TP. Hồ Chí Minh.

Duyên nợ cùng năm tháng

Thầy John C.Schafer chỉ dạy tiếng Anh ở Trường Phan Châu Trinh một năm học 1968 - 1969, sau đó dạy ở Đại học Văn khoa - Viện Đại học Huế. Sau năm 1975, thầy về Mỹ dạy đại học, hiện đã nghỉ hưu. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Phan Châu Trinh, thầy kể rằng khi về trường dạy tiếng Anh, thầy học tiếng Việt với hai thầy Nguyễn Ngọc Kỳ và Tạ Quốc Bảo (cùng là giáo sư Anh văn của trường). “Vì thế, các bạn cũng có thể nói tôi đã là một học sinh của trường trước khi trở thành giáo sư (trước năm 1975 giáo viên dạy trung học gọi là giáo sư – NV) của trường” - thầy John nhớ lại.

Thầy John sau đó cưới vợ người Việt, em gái một cựu giáo viên Trường Phan Châu Trinh. Có lẽ do nhiều “duyên nợ” như thế nên thầy rất sâu nặng nghĩa tình: “Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm về năm tôi học và dạy tại Đà Nẵng, về các giáo sư và học sinh Trường Phan Châu Trinh, những người đã rất tốt với tôi trong một thời gian lịch sử rất khó khăn của đất nước”.

Bước qua hai thế kỷ với nhiều dâu bể tang thương, ngôi trường trung học có tuổi đời cao nhất Đà Nẵng này đã để lại trong lòng không chỉ thầy (có cả người nước ngoài là thầy John) và trò nhà trường mà cả với người dân thành phố những tình cảm cao đẹp. Hình ảnh cổng trường bên đường Lê Lợi đã được phác thảo thành biểu tượng của trường.

Cô giáo Lê Thị Như Hạnh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường, thời còn học ở Trung học Hòa Vang từng đến thi học sinh giỏi do Ty Giáo dục tỉnh QN-ĐN (cũ) tổ chức tại Trường Phan Châu Trinh, cứ ước ao ngày nào cũng được bước qua cái cổng trường thiết kế rất đẹp đó. Thế rồi, duyên nợ đẩy đưa, cô trở thành cô giáo dạy Văn ở hai vùng đất Hòa Vang, Đại Lộc, rồi Trường THPT Thái Phiên và cuối cùng là Trường THPT Phan Châu Trinh.

Hai trường mang tên đất đã đi vào sách Đại Nam nhất thống chí, hai trường mang tên người là hai nhà cách mạng lừng danh đất Quảng. Giờ sáng chiều đến lớp, cô nghiệm ra rằng, cái cổng trường trong mắt cô học trò ngày nào chỉ đẹp một vẻ đẹp vật thể hữu hình, nhưng chính tên người gắn trên cổng, trong mắt cô giáo bây giờ, mới mang vẻ đẹp vô hình trường cửu với không gian và thời gian.

Tuần rồi, thầy Quang cho biết, trong buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đổi mới sách giáo khoa tại Trường THPT Phan Châu Trinh, một vị là hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh chia sẻ rằng: “Tôi từng đọc một tài liệu nói Bác Hồ có lần thấy một đơn vị nọ trưng bày ảnh cụ Phan Châu Trinh thấp hơn ảnh cụ Phan Bội Châu, Bác bảo nên để di ảnh hai cụ ngang nhau vì cống hiến của hai cụ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.

Tháng 4-2015, công trình xây mới lại Trường Phan Châu Trinh đã chính thức được khởi công trên nền ngôi trường cũ gồm 4 tầng với 57 phòng có tổng diện tích xây dựng 1.800m2, tổng diện tích sàn xây dựng 7.725m2.

Trong năm nay trường mới sẽ khánh thành đưa vào sử dụng và các thế hệ thầy trò sẽ có dịp hàn huyên tâm sự. Thầy Ông Văn Khôi, cựu giáo viên Văn của trường, từng có bài thơ viết về trường: “Chúng con lại về… thưa cụ Phan/ Con thuyền ký ức ngược thời gian/ Năm tháng chất đầy bao kỷ niệm/ Lòng bỗng xôn xao sóng cửa Hàn”…

Thầy và trò các thế hệ trường Phan Châu Trinh thắp nén hương lòng tưởng nhớ nhà yêu nước lỗi lạc của đất Quảng đã 90 năm đi xa. Những người xa xôi không về được, vẫn nhẩm trong lòng “thưa cụ Phan” và cảm thấy anh linh người xưa còn phảng phất đâu đó trong sóng nước cửa Hàn…

“Có thể khẳng định rằng, những đóng góp của Trường THPT Phan Châu Trinh cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây, cho thành phố Đà Nẵng bây giờ là vô cùng to lớn. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quan tâm sâu sắc của thành phố, của ngành, sự nỗ lực phấn đấu, huy động các lực lượng của các thế hệ cán bộ quản lý, thầy cô giáo nhà trường.

Bài học thành công rút ra ở đây cũng thật giản dị; đó là, tất cả đều yêu quý việc học, tất cả đều vì việc học, vì tương lai con em và đất nước, đúng như tinh thần lấy “Khai dân trí” làm mục tiêu hàng đầu của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”.

NGƯT Lê Phú Kỳ, cựu học sinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh

VĂN THÀNH LÊ

.