.

Có một kho tư liệu quý về cụ Phan

.

Trong số hơn 10 người cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với bà Lê Thị Kinh (cháu gái thứ 2, con gái thứ của bà Phan Thị Châu Liên - con gái đầu của cụ Phan) hiện đang sống tại số nhà 72 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng - nơi thờ tự cụ Phan.

Có thể nói bà là kho tư liệu sống, là người nắm rõ cuộc đời hoạt động của ông ngoại mình thông qua 2 chuyến đi tìm kiếm tư liệu tại Pháp và cũng là người lưu giữ những tài liệu, thủ bút của nhà yêu nước. Những tài liệu mà bà cung cấp cho chúng tôi mới đây chứng tỏ cụ Phan Châu Trinh có một vị trí đặc biệt trong trái tim người cháu gái nay đã bước qua tuổi 92.

Bà Lê Thị Kinh và bức ảnh sao lưu chụp ông ngoại Phan Châu Trinh và cậu là ông Phan Châu Dật.Ảnh: H.N
Bà Lê Thị Kinh và bức ảnh sao lưu chụp ông ngoại Phan Châu Trinh và cậu là ông Phan Châu Dật.Ảnh: H.N

Sống lại một cuộc đời

“Những gì chúng tôi được biết về ông cụ, tình cảm của chúng tôi dành cho ông cụ thông qua mẹ tôi là chính”, bà Lê Thị Kinh (còn có tên là Phan Thị Minh-PV) mở đầu câu chuyện về người ông ngoại, nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh bằng một giọng trầm, ấm, nhẹ nhàng.

Chị em bà lớn lên đã không còn được nhìn thấy ông ngoại, nhưng tình yêu dành cho ông cụ không vì thế mà giảm đi, thậm chí được nuôi dưỡng từng ngày, qua từng năm tháng do bà mẹ Phan Thị Châu Liên và cha Lê Ấm truyền cho các con. “Trong gia đình nuôi một tình cảm sâu sắc với cụ”, bà Lê Thị Kinh nhấn mạnh.

Hoàn cảnh gia đình cụ Phan hồi đó rất đặc biệt. Tháng 4-1911, cụ Phan và con trai Phan Châu Dật sang Pháp sau khi được ân xá, trở về từ Côn Đảo, không ngờ cuộc ra đi này kéo dài đến 14 năm. Ở quê nhà, vợ ông là bà Lê Thị Tỵ mất năm 1914, hai con gái Châu Liên mới được 13 tuổi, Châu Lan chừng 10 tuổi được bà cô trong họ là bà cử Phú Lâm Lê Thị Vịnh (em ruột chí sĩ Lê Cơ) nuôi dưỡng, chăm sóc “trong tình cảm tốt” (lời của bà Lê Thị Kinh-PV).

Năm 1945, bà Châu Liên là ủy viên Ủy ban cứu tế xã hội tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. “Sau năm 1954, mẹ tôi là nhân sĩ yêu nước, là trụ cột của phong trào cách mạng ở Đà Nẵng. Ngôi nhà này cũng là chỗ dựa, là nơi cất giấu tài liệu của các chiến sĩ cách mạng thời chống Mỹ”, bà Kinh nói.

Năm 1926, cụ Phan mất ở Sài Gòn, vợ chồng bà Châu Liên quyết định mua ngôi nhà xây theo kiểu Pháp này vào năm 1927, để làm nơi sống và thờ tự cụ. Bà Kinh bảo: “Cha tôi là người yêu nước, làm nghề dạy học, ông rất quý cụ Phan. Ông trân trọng những tài liệu mà cụ Phan để lại, nên cố gắng khai thác tư liệu, xuất bản được một ít nhưng in được bao nhiêu đưa ra công chúng đều bị bọn Pháp cấm, tiêu hủy hết. Thời Mỹ-Diệm, cha tôi có xuất bản được một ít”.

“Tôi lớn lên đã biết có một kho tư liệu về cụ Phan do cụ đem từ Pháp về. Bọn mật thám rình mò gia đình dữ lắm nhưng cha mẹ tôi cất giấu, giữ gìn cẩn thận vì đây là tài sản quý báu của gia đình về cụ. Hồi còn nhỏ tôi không biết hết, khi ra miền Bắc làm việc, dần dần mới biết gia đình có một kho tư liệu quý”, bà Kinh hồi tưởng.

Nhưng rồi những năm tháng công tác ở trong nước, rồi nước ngoài không cho phép bà soạn những tài liệu của ông ngoại mình ra nghiên cứu. Đến năm 1987, khi sắp về hưu, bà Kinh có ý định về sống tại Đà Nẵng. Mẹ bà lúc đó động viên con gái “có ngôi nhà này đây, con về đây ở rồi thờ cụ luôn như ba mẹ đã làm. Tôi nghĩ mình đã kế tục truyền thống gia đình”.

Về sống ở ngôi nhà thờ ông bà ngoại và cậu, bà Kinh mới có thời gian lần giở những trang tài liệu chép tay, những bài thơ trên các trang giấy đã nhuốm màu thời gian của ông ngoại; từ đó, biết được ông nghĩ gì, làm gì suốt 14 năm sống ở Pháp, và hoạt động sôi nổi trước khi ra đi.

Trên con đường của người hậu duệ

“Tôi biết những người yêu nước, hoạt động cách mạng sống rất cực khổ, một phần bị đày đọa, một phần lao tâm khổ tứ. Nên khi về nước, thấy gia đình tha thiết, trong nước cũng có nhiều người chưa hiểu hết cuộc đời hoạt động của cụ Phan nên tôi bàn với em Bình (bà Nguyễn Thị Bình-nguyên Phó Chủ tịch nước, em bạn dì của bà Kinh-PV): mình là 2 hậu duệ của gia đình biết ông ngoại có nhiều hoạt động ở Pháp, nên sẽ tìm tư liệu về cụ. Thế là tôi quyết định sang Pháp năm 1995 và 1998 trong tổng cộng 6 tháng để ghi chép về những gì ông ngoại đã làm”, bà Kinh kể lại.

Những người cụ Phan từng tiếp xúc không còn, chỉ còn lại những người bạn. Họ dẫn bà Kinh đi tìm kiếm những nơi cụ Phan từng đến, giúp chụp ảnh những nơi cụ từng ở và giúp liên hệ với Thư khố quốc gia hải ngoại Pháp-nơi lưu trữ nhiều tài liệu về cụ.

Ngoài tài liệu về cụ Phan, bà Kinh còn tìm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người yêu nước khác. Bà bảo: “Hồi giờ mình làm ngoại giao, đi đâu có người giúp đỡ. Nay phải đi một mình, cảm giác ban đầu thấy khó khăn trăm bề, phải nhờ sự giúp sức của bạn bè mới hoàn thành công việc.

Ôm tài liệu (sao lưu từ 5 tập chính) về tôi chưa biết làm sao, vì hồi nào đến giờ đã bao giờ viết sách đâu. Thế là tôi nhờ nhà văn Nguyên Ngọc “chỉ giáo”. Ông ấy góp ý với tôi về cách sử dụng tài liệu, bố cục tác phẩm và cách trình bày các chương mục. Vậy là trong vòng 8 năm, tôi đọc, dịch từ tiếng Pháp những tài liệu đã sưu tầm. Năm 2001 bắt đầu xuất bản tập 1 cuốn Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”.

Trong tâm thức người cháu ngoại, hậu duệ cụ Phan, kỷ niệm về ông ngoại của mình cũng qua lời kể của mẹ. Tháng 6-1925, Phan Châu Trinh về nước, vẫn tiếp tục làm việc, diễn thuyết và chữa bệnh. Cha bà Kinh, ông Lê Ấm đang làm việc ở Trường Quốc tử giám-Huế được cụ Phan gọi vào Sài Gòn để giúp cụ.

Khi ông cụ đau yếu, bà Châu Liên quyết định vào Sài Gòn thăm cha, có thể là lần cuối. “Tôi hồi đó mới được vài tháng tuổi, ốm yếu nên khóc suốt, được mẹ tôi cho đi theo. Thấy tôi khóc, ông ngoại bảo mẹ tôi là sao không đưa cái đứa biết cười biết nói (ý nói chị gái của bà Lê Thị Kinh-PV) vào, mà đưa cái đứa suốt ngày khóc lóc. Tôi là đứa cháu duy nhất trong gia đình mà cụ biết mặt, và cũng ấn tượng duy nhất là con bé suốt ngày khóc lóc. Được một thời gian ngắn sau thì ông mất”, bà Kinh kể kỷ niệm duy nhất mà mình có, mắt bà rưng rưng.

Giọng bà nghẹn ngào một lần nữa khi kể cho tôi nghe lần đầu bà nhìn thấy bức ảnh chụp ông ngoại và người cậu-ông Phan Châu Dật mà chưa một lần bà biết mặt, khi tìm tài liệu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp. Bà bảo “lúc đó tôi lặng người đi vì xúc động. Bức ảnh chụp năm 1911. Hai người máu mủ ruột rà giờ chỉ còn trong ảnh, vì cậu Dật về nước năm 1921 và mất tại Huế. Tôi sao chụp lại vì cả gia đình, các em con dì cũng chưa có ai được nhìn thấy hai người thân này”.

Khi tìm tài liệu về ông ngoại và quyết định công bố qua hai tập sách xuất bản hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Kinh đã làm sáng tỏ cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh. Bà nói: “Trong khi bọn thực dân lợi dụng cụ Phan Châu Trinh, thì cụ nghĩ sẽ lợi dụng lại chính sách của bọn chúng. Cụ dự định tìm những người Pháp tốt để tìm đường cứu nước.

Đường đi của cụ không như chính phủ Pháp mong đợi nên chúng bắt cụ giam ở nhà lao Santé, Paris. Năm 1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc và đã gây được tiếng vang”.   

Sau hai cuốn sách với trên 1.600 trang in, bà Lê Thị Kinh vẫn còn nhiều tư liệu về cụ Phan mà bà chưa công bố. Bà bảo: “Không khí lúc đó mà ra được 2 cuốn sách là vừa mức, tôi cũng thỏa lòng. Bây giờ tôi yếu rồi, tư liệu còn gom đó, cái quan tâm bây giờ không phải như hồi đó, bây giờ là vấn đề chủ quyền, là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nên tôi viết di chúc để lại, có thể là tư liệu quý cho con, cháu sau này”.

90 năm sau ngày từ giã cõi đời, cụ Phan còn có những hậu duệ nhớ đến cụ với tấm lòng biết ơn, cảm phục tinh thần yêu nước mà cụ lan truyền cho bao thế hệ người Việt. Ở ngôi nhà số 72 đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, những người cháu, người chắt hằng ngày vẫn nghiêng mình trước một tâm hồn bất khuất, soi sáng cho bao cuộc đời giữa lúc đất nước lầm than. Ở ngôi nhà tĩnh lặng ấy, người cháu gái cụ Phan vẫn đọc sách, nghiên cứu về người ông của mình, truyền cho hậu thế biết một tấm lòng trong vì nước, vì dân.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.