.

Làm nên ký ức

.

Bến Tre xứ dừa, Hải Phòng thành phố hoa phượng đỏ…, chính cây và hoa định danh, làm nên nét riêng và sự lãng mạn cho một vùng đất, rất dễ đi vào thơ ca, nhạc, họa và tồn tại lâu dài trong ký ức con người.

Mô hình “Quỹ Đà Nẵng xanh” sẽ góp phần phát triển hệ thống cây xanh, xây dựng Đà Nẵng là thành phố có môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Ảnh: V.T.L
Mô hình “Quỹ Đà Nẵng xanh” sẽ góp phần phát triển hệ thống cây xanh, xây dựng Đà Nẵng là thành phố có môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Ảnh: V.T.L

1. Hôm rồi trò chuyện với kỹ sư (KS) Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, nghe anh nói Đà Nẵng vẫn có cây kơ-nia của vùng đất Tây Nguyên. Nghe đến lạ. Bởi cứ nghĩ cái cây trong bài hát Bóng cây kơ-nia (thơ Ngọc Anh phỏng dịch dân ca Hrê, nhạc Phan Huỳnh Điểu) này rất đậm chất cao nguyên, cớ sao lại “la cà” xuống phố thị như Đà Nẵng?

KS Kim lật sách ra, đọc tên khoa học của loài thực vật này, rồi thêm: “Người Kinh gọi nó là cây cầy, Quảng Nam gọi là cây cốc hay cây cốc dù. Đồng bào dân tộc thiểu số coi cây này là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất nên ít khi chặt phá nó. Người Kinh cũng chừa lại cây kơ-nia làm bóng mát không phải vì lý do tâm linh mà vì gỗ cây này cứng như đá, đốn hạ nó chỉ phí công”.

Phía sau Trường tiểu học Nguyễn Như Hạnh, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, có một cây cốc cổ thụ vừa mới “qua đời”. Cây cốc sát bên tường rào Bệnh viện đa khoa Hòa Vang thì vẫn còn tươi tốt.

Riêng ở thôn Cẩm Toại Tây, sau lưng Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, từng có nguyên một gò toàn cây cốc để nơi này mang tên dân gian là Gò Cốc. Trong ký ức ông Đặng Duân, nhà giáo hưu trí ở Hòa Phong, ông từng kéo đám bạn trẻ con lên gò nhặt trái cốc, tìm cách đập vỏ để ăn nhân bên trong.

Dân gian có câu “Ăn cốc, cộc tay” để nói sự khó khăn của việc ăn trái cốc. Những năm 60 thế kỷ trước, người Mỹ đến đây dùng cơ giới chặt phá cốc để làm nơi đóng quân và trụ sở quận Hiếu Đức (bao gồm một số xã miền núi của huyện Hòa Vang và các huyện Đông Giang, Tây Giang ngày nay). Nay thì tên Gò Cốc vẫn còn, nhưng “cư dân” cốc thì đếm chưa tới con số 10.

Ông Trần Công Khuê, cán bộ hưu trí hiện ở xã Hòa Nhơn, không quên được chuyện người trong làng lặn lội lên vùng núi để lùng mua than cốc cho phụ nữ “nằm nơi”. Than cốc được dân gian chọn cho phụ nữ hơ háp sau khi sinh nở không chỉ vì đượm, chắc, không có bụi, mà (theo dân gian) còn mang lại sự may mắn nữa.

2. Nội thành Đà Nẵng trước năm 1975 chỉ có 77 đường được đặt tên. Những đường Quang Trung, Thống Nhất (Lê Duẩn ngày nay), Lê Lợi, Yên Bái, Độc Lập (Trần Phú ngày nay)... đều rợp bóng xà cừ, loài cây được người Pháp trồng từ thời Đà Nẵng trở thành “nhượng địa”. Thế nhưng trong ký ức của những người từng là học sinh trung học ở Đà Nẵng bấy giờ, Thống Nhất là một trong những con đường chẳng thể nào quên; ngày đó sáng chiều phất phơ tà áo dài trắng của nữ sinh Trường nữ trung học Hồng Đức (nay là khuôn viên Đại học Đà Nẵng).

Từ sau năm 1967 (thời điểm thành lập Trường Hồng Đức), nam sinh Trường trung học Phan Châu Trinh đành “ngậm ngùi” chia tay những bóng hồng đẹp xinh trường mình và Thống Nhất nghiễm nhiên trở thành “con đường tương tư” thuở học trò mộng mị.

Giờ thì xà cừ đã vắng bóng dần trên các con đường ở Đà Nẵng sau các trận bão, người ta trồng thay vào đó là những cây muồng tím, long não.

Với đường Lê Duẩn, vừa rồi dự án xây dựng phố chuyên doanh giai đoạn 1 (từ đường Trần Phú đến đường Ông Ích Khiêm) đã trồng trên 100 cây bàng Đài Loan. Tuy nhiên, loại cây mới rợi đối với Đà Nẵng này sẽ không có ký ức gì đối với các thế hệ công dân mai sau. KS Kim đề nghị không trồng loại cây này, bởi thực tế cho thấy giống cây ngoại nhập này có tán lá mọc quá nhanh, rễ phát triển mạnh sẽ làm hư mặt đường, không chống chịu được gió bão.

Anh Lê Trường Hải ở Công ty TNHH MTV Lê Nguyễn Khánh Vy (đơn vị thi công trồng cây đường Lê Duẩn), cho biết giai đoạn 2 (từ đường Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang) đơn vị đã trồng 94 cây lim xẹt trước Tết Bính Thân 2016 vừa rồi.

Nhớ hồi Đà Nẵng còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thành phố chọn cây muồng kim phượng, tức là cây lim xẹt. Nhưng nghe xẹt... xẹt, có vẻ “nhà quê” quá, sau này khó lên thơ, lên nhạc, mới đề nghị đổi thành cây phượng vàng. Ở Đà Nẵng cây phượng vàng hiện chiếm 50% cơ cấu cây đường phố, có tên tiếng Anh là Yellow Flamboyant (Rực ngọn lửa sắc vàng) nghe cũng đẹp, dễ đi vào thơ ca, nhạc, họa.

Vậy thì, cứ phượng vàng mà trồng cho nó thêm lãng mạn.

3. “Dấu chân” của biển một thời từng để lại nhiều nơi ở Đà Nẵng. Người viết từng ngồi với một đồng hương Điện Dương (công tác ở VTV8) trong một quán nhỏ ở “Cánh đồng hoang” – tên gọi do dân nhậu đặt cho khu đất hoang vu một thời phía sau Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2 Tháng 9. Lúc đó còn vô số cây bần, cây đước có rễ chân nôm nổi lên trên mặt nước lợ, đây là hai loại cây đi tiên phong trong chống sạt lở do sóng biển của vùng ngập mặn Nam Bộ.

Giờ “Cánh đồng hoang” không còn nữa, thay vào đó là cả một vùng đô thị phát triển. Khảo sát của Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng cho thấy chỉ còn một ít cây bần còn giữ lại trong Công viên Châu Á.

Bến Tre xứ dừa, Hải Phòng thành phố hoa phượng đỏ… cây xanh là một trong những sự lãng mạn làm nên nét riêng cho một vùng đất, rất dễ đi vào thơ ca nhạc họa và tồn tại lâu dài trong ký ức con người. Đà Nẵng là thành phố biển nhưng dấu ấn về biển còn quá mờ nhạt, sau khi những cây đước, cây bần đã “tuyệt tự”. Chuyện bên lề, KS Kim đề xuất lấy hoa muống biển làm biểu tượng cho Đà Nẵng. Loài hoa màu tím như hoa bìm bìm này không cần chăm bón, tưới nước mà vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”, lá có hình như chiếc quạt ba tiêu có thể dập tắt núi lửa trong truyện Tây Du Ký. Thêm vào đó, loài hoa dân dã này có tên tiếng Anh là Morning Glory (Vinh quang Buổi sáng) cũng rất đẹp.

Đà Nẵng từng có đường Thống Nhất rợp bóng xà cừ, đường Hoàng Diệu rực đỏ sắc phượng ngày hè, đường Triệu Nữ Vương sum suê bóng bồ đề… Ký ức đường mang tên hoa, phố mang tên cây còn đó trong tâm hồn những lớp người đi trước.

Đầu năm 2016, thành phố có 2.023 đường được đặt tên, trong đó có không ít đường mới toanh chưa có cây xanh. Công dân thành phố đang “làm ra” ký ức cho các thế hệ tương lai. Quy hoạch cây xanh đô thị hẳn phải đi theo một hướng nào đó để trong lòng con cháu mai sau luôn tươi xanh những mỹ cảm về cái tâm, cái tầm của cha ông thuở trước.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết đề án Phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra ngày 15-1 cho biết, sau 5 năm thực hiện đề án phát triển cây xanh đô thị, tại Đà Nẵng, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người được nâng lên từ 5m2/người lên 7,3m2/người.

Từ kết quả khả quan này, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố xây mô hình “Quỹ Đà Nẵng xanh” nhằm giữ vững màu xanh tự nhiên của thành phố, phát triển hệ thống cây xanh và không gian xanh đô thị ổn định bền vững về số lượng và chất lượng, xây dựng Đà Nẵng là thành phố có môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.