.

Phan Châu Trinh hành khúc

.

Những ai dạy và học ở Trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng từ nửa đầu thập niên 70 thế kỷ XX trở về trước hầu như đều nhập tâm bài hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh hành khúc của thầy Hoàng Bích Sơn - năm nay đã hơn 90 tuổi và là người từng gắn bó với Trường Phan Châu Trinh hơn hai chục năm trời, ngay từ khi trường mới vừa thành lập.

Ca khúc này được thầy Hoàng Bích Sơn sáng tác vào khoảng năm 1962, lời bài hát như sau: “Phan Châu Trinh, người chiến sĩ quốc gia bất diệt, đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền, ngàn đời còn ghi công ơn nhà chí sĩ/ Buồn thấy đế quốc chiếm giang san, công lao bao đấng anh hùng, điêu linh dưới ách gông cùm/ Ra đi quyết lòng vì nước quên mình/ Hồ Tây phương Nam còn in bóng/ Lời ai dư âm vẳng qua rừng. Cùng phá xích xiềng, giành lấy dân quyền, gương Người nêu cao toàn dân ghi nhớ. Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo gương Người/ Phan Châu Trinh muôn đời chí khí hiên ngang/ Là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết tiến, bước theo chân Người, giữ vững dân quyền/ Rèn tâm chí quyết chí, cùng nhau tiến quyết tiến, ghi nhớ ơn Người đoàn ta quyết đi lên”.

Rước ảnh cụ Phan Châu Trinh từ nhà thờ về Trường THPT Phan Châu Trinh trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập trường 15-9-1952 - 15-9-2012.Ảnh: MINH TRÍ
Rước ảnh cụ Phan Châu Trinh từ nhà thờ về Trường THPT Phan Châu Trinh trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập trường 15-9-1952 - 15-9-2012. Ảnh: MINH TRÍ

Trong cảm nhận của người-thầy-nhạc-sĩ Hoàng Bích Sơn, Phan Châu Trinh hiện lên trong ca khúc như là người suốt đời đấu tranh cho dân quyền: nào là đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền, nào là cùng phá xích xiềng, giành lấy dân quyền, gương Người nêu cao toàn dân ghi nhớ, nào là bước theo chân Người, giữ vững dân quyền…

Gắn Phan Châu Trinh với cuộc đấu tranh cho dân quyền, hẳn người viết lời bài hát đã xuất phát từ câu đối của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc viếng bạn đồng khoa Phan Châu Trinh hồi năm 1926: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/ Nam phương tịnh độ hậu siêu sinh”.

Qua Phan Châu Trinh hành khúc, thầy Hoàng Bích Sơn còn nhấn mạnh đến yêu cầu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói chung, cho học sinh trường Phan Châu Trinh nói riêng.

Trước hết đó là truyền thống sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc mà Phan Châu Trinh là một điển hình mẫu mực: “Buồn thấy đế quốc chiếm giang san, công lao bao đấng anh hùng, điêu linh dưới ách gông cùm/ Ra đi quyết lòng vì nước quên mình/ Hồ Tây phương Nam còn in bóng/ Lời ai dư âm vẳng qua rừng. Cùng phá xích xiềng, giành lấy dân quyền, gương Người nêu cao toàn dân ghi nhớ”, “quyết theo gương Người”, “bước theo chân Người”.

Đó còn là truyền thống tri ân những người có công với nước, nhất là những người suốt đời đấu tranh cho dân quyền từng làm rạng danh cho quê hương đất nước như Phan Châu Trinh: “ngàn đời còn ghi công ơn nhà chí sĩ”, “ghi nhớ ơn Người đoàn ta quyết đi lên”...

Nhiều thế hệ cựu học sinh Phan Châu Trinh rất xúc động khi thấy trong khi trùng tu ngôi trường cũ, chính quyền thành phố Đà Nẵng và các nhà kiến trúc đã quyết định giữ nguyên cổng trường cùng bức tượng bán thân của Phan Châu Trinh giữa sân trường.

Đây không phải là tư tưởng hoài cổ thường tình mà là ý thức bảo tồn truyền thống của một trường học từng đóng góp cho đất nước và đất Quảng nhiều học sinh ưu tú. Mong sao Phan Châu Trinh hành khúc - một ca khúc có giá trị về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật ­tiếp tục trở thành hiệu đoàn ca của Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh hiện nay.   

TRẦN NGUYÊN HẬU

;
.
.
.
.
.