Na Uy đang nhận những lời chỉ trích mạnh mẽ trong cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu. Chẳng hạn như Thụy Điển và Đức phàn nàn Na Uy chấp nhận lượng người tị nạn quá ít. Na Uy còn cho biết sẽ gửi những người tị nạn trở lại Nga nếu như họ vào Na Uy từ những tuyến đường ở Bắc cực. Đây là một sự thay đổi lớn từ Na Uy, bởi vì quốc gia này chính là hình mẫu và điểm tới chủ yếu của những người tị nạn từ các nước bị chiến tranh hay nạn nghèo đói. Tuy vậy, hoạt động xã hội về người tị nạn ở Na Uy vẫn duy trì từ nhiều năm qua.
Các thanh-thiếu niên tham gia một trại tị nạn giả. |
Đó là những trại tị nạn giả để cho thanh-thiếu niên trải nghiệm vẫn hoạt động bình thường. Mỗi năm có hàng nghìn phụ huynh gửi con cái của mình tới trại tị nạn giả để có được cảm giác mà hàng triệu người tị nạn đã phải trải qua. “Trại được thiết kế để thanh-thiếu niên có cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống của người tị nạn”, Kenneth Johansen - Giám đốc tổ chức Tị nạn Na Uy - nói.
Các thanh-thiếu niên chỉ có một số tiền rất nhỏ cho ăn uống và phải ngủ trong căn nhà đông đúc trong hành trình tưởng tượng từ Sudan tới Na Uy. Những bạn trẻ sẽ phải thức dậy nửa đêm vì bị tấn công và phải chuyển chỗ ở trong điều kiện thời tiết băng giá. Như vậy, những thanh-thiếu niên này có cái nhìn rộng hơn về thế giới và thấy được họ may mắn có cuộc sống hòa bình hơn.
Những người tham gia trại không chỉ trải qua điều kiện sinh hoạt khó khăn và thời tiết khắc nghiệt mà còn chịu nhiều cản trở pháp lý ngay cả khi đặt chân tới châu Âu. Hoạt động chỉ diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ song được đánh giá rất ý nghĩa.
Hoạt động này bắt đầu phát triển ở Đan Mạch vào năm 1987 và sau đó lan rộng ra nhiều nước. Tổ chức Tị nạn Na Uy ra đời cách đây 12 năm. Mỗi năm có hơn 5.000 người tham gia và tới nay đã có gần 80.000 người trải nghiệm.
Ngoài sự trải nghiệm cuộc sống của người tị nạn thì đây còn là sự bắt buộc để cho những thanh-thiếu niên có được “xác nhận dân sự” về tuổi trưởng thành. Hoạt động này không hề có bất cứ động cơ chính trị nào dù Johansen cho biết có nhiều trường hợp thanh-thiếu niên sau khi tham gia trại đã thay đổi suy nghĩ trên nhiều khía cạnh về người tị nạn. Các em trở nên biết thông cảm, chia sẻ hơn trong cuộc sống. Chính vì thế, ngay cả khi Na Uy bị chỉ trích về chính sách người tị nạn thì hoạt động này vẫn phát triển đều đặn.
ANH THƯ (Theo Washington Post)