Đà Nẵng cuối tuần
Nhân rộng không gian xanh
Phát triển cây xanh sân trường là mục tiêu và cũng là ước mơ của nhiều trường học, nhằm tạo không khí thoải mái, giảm căng thẳng sau những tiết học của các em. Ngoài ra, cây xanh còn giúp cho học sinh hiểu được tầm quan trọng của cây xanh đối với con người, giáo dục tình yêu thiên nhiên, tạo cho các em nhận thức được việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Trong điều kiện diện tích hạn chế, nhiều trường đang nỗ lực tạo từng mảng xanh nho nhỏ rất đáng quý trong sân trường.
Dù diện tích nhỏ hẹp nhưng thầy và trò Trường tiểu học Lê Lai vẫn tận hưởng những mảng xanh quanh sân trường nhờ cách làm sáng tạo, độc đáo. Ảnh: Q.T |
Nét đẹp nơi học đường
Không gian Trường THPT Ngô Quyền thoáng mát và tràn ngập sắc xanh. Đây là ngôi trường hiếm hoi còn lưu giữ nhiều loại cây có tuổi đời hơn 40 năm, mà theo lời thầy Lê Phước Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, là “có 40 - 50 triệu đồng chưa chắc đã mua được”. Thời điểm trường xây dựng lại vào năm 2006, lãnh đạo nhà trường đã quyết tâm bứng hết gốc cây đem đi chăm sóc ở nơi khác rồi đưa về trường trồng, quyết tâm giữ lại mảng xanh cho học trò.
Nếu như nhiều trường học hiện nay đang dần bê-tông hóa, thiếu bóng cây xanh thì Trường THPT Ngô Quyền vẫn còn lưu giữ được những loài cây gắn bó với học đường như bàng, phượng vỹ. Học trò vào mùa phượng vỹ nở thì bứt bông chơi trò móc câu, mùa trái bàng chín thì hái trái đập dập ăn nhân... Những tấm hình kỷ niệm chụp cảnh nhóm bạn trèo lên cây phượng giữa sân trường dễ dàng bắt gặp trong album ảnh học trò, có cả áo dài, tóc dài dịu dàng mà tinh nghịch.
Mới đây, Trường THPT Ngô Quyền trồng thêm cây sưa và cây hoàng hậu. Đến mùa hoàng hậu ra bông, trổ lá, sân trường ngập trong sắc vàng của những cánh hoa buông mình đung đưa trong gió. Tụi em ngày ngày được đi dưới bóng cây, hít hà không khí và trò chuyện với những tán lá xào xạc này, thật thích biết bao”, em Hồng Trinh (học sinh lớp 11/2) tâm sự.
Là một người yêu cây cối, thầy Dũng đã hợp đồng với một nhân viên chuyên chăm sóc cây cảnh để cây cối trong sân trường luôn được bón phân, tỉa lá. Ngoài ra, hằng tuần, học sinh nhà trường có những buổi lao động để chăm sóc cây xanh. Nhờ nỗ lực của cả thầy và trò, không gian trường học lúc nào cũng xanh mát và thân thiện.
Em Bá Phúc (học sinh lớp 10/1) chia sẻ: “Chúng em rất thích những cây xanh trên sân trường. Mùa nắng nóng, khi bước vào cổng trường, em không cảm thấy mệt mỏi mà thấy rất mát mẻ, dễ chịu. Vì trường chưa có sân đa năng nên bóng cây còn là nơi để chúng em học thể dục và vui chơi”.
Trường THPT Trần Phú là một trong những ngôi trường đẹp nhất Đà Nẵng hiện nay. Không chỉ nhờ hạ tầng hiện đại mà điều giúp học sinh Trường Trần Phú tự hào là hệ thống cây xanh tỏa bóng khắp sân trường. Không khí trong lành, mát mắt, rợp bóng mát của những hàng cây phủ bóng sân trường có lẽ là điều giúp các thế hệ học trò trường Trần Phú nhớ nhiều về trường khi rời xa. Ngoài ra, ở mỗi lớp học đều có từ 1-2 cây xanh trồng trong chậu, đây là hoạt động nằm trong chủ trương “xanh hóa trường học” của thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường.
Các dịp lễ, Tết, tất cả chậu cây trong lớp đều được đưa xuống sân trường nhờ các bác bảo vệ chăm sóc. Hai năm trở lại đây, những cây phượng của trường không ra hoa, không tươi tốt như mong đợi; thầy Phan Hùng đã lên kế hoạch mùa hè năm tới mời chuyên gia cây xanh về khảo sát, nếu không hồi phục được sẽ thay cây.
Thiếu đất nhưng thèm cây
Ngoài một số trường học ở ngoại thành có diện tích rộng rãi cho việc trồng cây thì đa số các trường ở trung tâm đều thiếu cây xanh trầm trọng, mà những năm gần đây, xã hội hay gọi bằng cụm từ: “Trường học bê-tông hóa”.
Không còn cách nào khác, nhiều trường học “thiếu đất nhưng thèm cây” bèn tạo mảng xanh bằng cách thiết kế những chậu cây nho nhỏ để trên tường lớp học, hành lang, cầu thang...
Điển hình như Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê). Cơ sở chính ở đường Lê Duẩn có diện tích 1.740m2, có được 3 cây xanh, gồm 1 cây bàng, 1 cây phượng và 1 cây bồ đề. Thực tế, diện tích cho các em chơi còn không có nói chi đến việc trồng cây xanh hay đặt thùng xốp trên sân trường.
Thầy Nguyễn Quốc Vinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhìn những trường khác có cây cối sum suê, trường rất “thèm” nhưng không biết phải làm sao. Hiện tại, thầy cô thường xuyên giáo dục cho các em tình yêu cây cối, môi trường.
Các hoạt động ngoại khóa đa số liên quan đến cây xanh-điều mà các em không được trải nghiệm trong trường học. Lần gần nhất, nhà trường đã tổ chức cho 90 em học sinh lớp 5 hoạt động “Em tập làm vườn” tại Tiểu đoàn đặc công 409.
Ở cơ sở 2 và 3, đặc biệt là cơ sở 3 chỉ vỏn vẹn 390m2 nhưng trường cũng trồng được 1 cây bàng, 1 cây bằng lăng và một số bồn hoa nhỏ. Cơ sở 3 được mượn lại từ Trường mầm non Cẩm Nhung, có sẵn những bồn, hộc nên nhà trường tận dụng để trồng hoa, cây sống đời, ít nhiều tạo cảm giác trường học thân thiện cho các em.
Tại Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), bước vào cổng trường, mọi người đã thấy một không gian xanh bởi lớp học nào cũng có giàn dây leo và chậu cây được treo trước lớp. Dù diện tích khá nhỏ hẹp nhưng bằng sự nỗ lực và sáng tạo của thầy trò, nhà trường đã tạo được một không gian sân trường khá đẹp mắt.
Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trẻ em rất cần không khí trong lành, một lớp học tập trung từ 30-40 em học sinh mà không có cây xanh sẽ không thở nổi. Có cây xanh điều tiết không khí sẽ giúp các em có hệ hô hấp tốt, thể trạng tốt từ đó, đầu óc mới minh mẫn.
Do đó dù trường không có không gian rộng nhưng cô chủ trương lớp học nào cũng phải có cây xanh. Đầu năm học, mỗi học sinh được giao mang một cây xanh nho nhỏ đến lớp, dán tên của mình vào và tự chăm sóc. Không cần đến cây đắt tiền hay cây cảnh tạo kiểu tạo cảm giác xa lạ với học đường, các loại cây như dừa nước, sống đời, thậm chí cây rau đều được khuyến khích trồng.
Nhìn các em hằng ngày đến trường, vui chơi trên sân trường bên những không gian xanh thân thiện mới thấy thương, mới quý những mảng xanh biết bao.
QUỲNH TRANG