Đà Nẵng cuối tuần
Thành quả của sự đồng thuận
Đến cuối năm 2015 Đà Nẵng cơ bản hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo và giảm hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2017 và về đích trước thời hạn 2 năm. Thành quả rất đáng trân trọng này bắt nguồn từ sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội và chính sách nhất quán của thành phố.
Một trong những hoạt động hỗ trợ hộ nghèo của quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh do Phòng LĐ-TB&XH quận cung cấp) |
Cách làm hợp lòng người
Thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, năm 2013 có 168 hộ. Điều lạ lùng là, ông Bùi Tấn Sĩ, cán bộ phụ trách giảm nghèo xã Hòa Nhơn kể, kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn thu nhập 600 nghìn đồng/người/tháng (của Đà Nẵng) lúc đó cho thấy cả 100% số hộ trong thôn đều đạt chuẩn… nghèo!
Thấy vậy, lãnh đạo xã làm việc với bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, đề nghị thôn xét lại. Vẫn chưa đạt yêu cầu.
Một tổ công tác gồm đại diện Đảng ủy, UBND, Mặt trận xã, cán bộ phụ trách giảm nghèo, cán bộ đứng điểm xuống trực tiếp làm việc với quân dân chính ở thôn để xét cụ thể từng hộ, loại ra khỏi danh sách gần 40% hộ không thuộc chuẩn nghèo. Xong, công khai niêm yết danh sách ở hội trường thôn, cả tuần không thấy ý kiến phản hồi nào của dân.
Vấn đề là, ông Sĩ nhận định, quân dân chính ở thôn ngại mích lòng hàng xóm láng giềng nên “kéo dây kéo nhợ” ra như thế. Còn tổ công tác thì trước khi về làm việc đã đi thực tế từng nhà, nắm rõ hộ đó về vật dụng (ti-vi, tủ lạnh, xe máy…), ruộng vườn, gia súc, người làm công nhân... Đến khi họp là nêu ra thu nhập bình quân từng người trong hộ, có đối chứng với hoàn cảnh hộ nghèo các thôn bạn một cách rõ ràng nên không ai “cãi” được.
Cách làm hợp lòng người này đã mở rộng cho khắp 15 thôn ở Hòa Nhơn với một mặt bằng chung về hộ nghèo.
Thôn Phước Thái có hộ đặc biệt nghèo Lê Văn Hùng gồm 5 người. Anh được cấp kinh phí đi học lái xe, vợ anh được cấp một con bò, nhà thì được hỗ trợ xây. Anh giờ đã chạy xe tải nhỏ, vợ được giới thiệu vào làm công nhân nhà máy nhựa. Con anh bị liệt nửa người, được hỗ trợ áo quần, dụng cụ vật lý trị liệu, nay đã quăng gậy đi lại được. Ai cũng thương hoàn cảnh gia đình anh, người nghèo lấy đó làm gương để phấn đấu thoát nghèo.
Nhìn chung, chính sự đồng thuận là tác nhân quan trọng giúp cho Hòa Nhơn xóa hết hộ nghèo (thu nhập 600 nghìn đồng/người/tháng) vào tháng 6-2015, góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo và giảm hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Đà Nẵng và đưa Đề án giảm nghèo giai đoạn 2013 - 2017 về đích trước thời hạn 2 năm.
Trong 3 năm (2013 - 2015), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bằng nguồn lực của toàn xã hội, thành phố đã triển khai thực hiện có kết quả mục tiêu giảm nghèo, giúp cho 23.270 hộ thoát nghèo (trong đó có 1.225 hộ nghèo phát sinh).
Sẽ “cán đích” sớm?
Quận Ngũ Hành Sơn, mặc dù đã “lên” quận gần 20 năm trước nhưng vẫn có một vài địa phương người dân có mức sống như một số xã ở huyện Hòa Vang. Do vậy, để xóa hết 2.354 hộ nghèo toàn quận giai đoạn 2013 - 2017 (trong đó có 97 hộ phát sinh) theo mức thu nhập khu vực thành thị 800 nghìn đồng/người/tháng (của Đà Nẵng) là điều không dễ.
Với 266 hộ nghèo chính sách, ông Mai Quốc Quang, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn, cho biết, nhờ triển khai kế hoạch riêng nên đã hoàn toàn xóa hết hộ nghèo diện này vào cuối năm 2014, trước một năm so với kế hoạch.
Với 200 hộ đặc biệt nghèo (thu nhập từ 500 nghìn đồng/người/tháng trở xuống), quận cùng Sở LĐ-TB&XH xuống thẩm tra từng hộ, từng nhân khẩu để tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của họ về công ăn việc làm, phương tiện mưu sinh, từ đó có phương án hỗ trợ từng trường hợp cụ thể để giúp họ tăng thu nhập, dần vươn lên thoát nghèo, chứ không hỗ trợ chung chung như trước.
Cuối năm 2015 đã xóa hết hộ nghèo theo chuẩn cũ, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn mới. Theo đó, đầu năm 2016, Ngũ Hành Sơn có 1.895 hộ nghèo theo chuẩn mới (thu nhập 1,3 triệu đồng/người/tháng) trong tổng số 23.354 hộ nghèo toàn thành phố. Đây là một thách thức mới đối với Ngũ Hành Sơn nói riêng, toàn thành phố nói chung.
Đà Nẵng luôn đi trước một bước so với mặt bằng chung cả nước về chính sách giảm nghèo. Để từng bước làm vơi đi “gánh nặng” mới này, theo Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ triển khai các chính sách, giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ nhà ở, công trình vệ sinh, điện nước sinh hoạt (trong đó có hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo); hỗ trợ về y tế, giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm; hỗ trợ phương tiện sản xuất tạo điều kiện phát triển sản xuất khuyến khích các hộ vươn lên thoát nghèo; chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo không còn sức lao động; chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đề án nhắm tới nhiều mục tiêu, trong đó đáng chú ý là hỗ trợ cho 100% hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng có đất ở ổn định được xây mới nhà ở; nhà cấp 4 xuống cấp được hỗ trợ sửa chữa; hộ không có nhà ở, được ưu tiên bố trí nhà chung cư.
Riêng với mục tiêu “100% người trong hộ nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; 100% người trong hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và khi ốm đau được khám và điều trị tại các cơ sở y tế”, ông Bùi Tấn Sĩ cho rằng đây là mục tiêu nhân văn nhất, người nghèo luôn mong muốn có cái thẻ bảo hiểm y tế trong tay, có ốm đau gì cũng không phải bận tâm lo viện phí.
Nhìn lại 5 năm (2013 - 2017) triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố nhận định: “Đây là kết quả rất đáng trân trọng, thành quả của sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội. Song, để kết quả ấy duy trì không còn tái nghèo đó vẫn là thách thức của cán bộ và nhân dân thành phố”.
Hành trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt ra thách thức mới ngay vạch xuất phát. Tin rằng với sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội, Đà Nẵng sẽ “cán đích” sớm trong lộ trình đem lại sự an bình, đáng sống cho người dân thành phố.
Từ ngày 1-1-2016, Đà Nẵng áp dụng chính sách chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chuẩn nghèo của Đà Nẵng được xác định với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Mức này cao hơn chuẩn nghèo của cả nước vừa được Thủ tướng ký quyết định ban hành, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, với mức thu nhập 700.000 đồng/người/tháng (nông thôn) và 900.000 đồng/người/tháng (thành thị). Với áp dụng mức chuẩn nghèo mới, thành phố có 23.354 hộ nghèo, chiếm 9,18% tổng số hộ dân toàn thành phố. Tổng kinh phí đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là 1.464 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là 8,7 tỷ đồng, vốn tín dụng Trung ương là 519 tỷ đồng, ngân sách thành phố là 476 tỷ đồng, vốn tín dụng thành phố ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội và lãi suất cấp bù là 373 tỷ đồng, ngân sách quận huyện 8,7 tỷ đồng, ngân sách huy động xã hội 78 tỷ đồng. |
VĂN THÀNH LÊ