Đà Nẵng cuối tuần
Đừng để tư duy "đóng"
Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thị trường lao động mở cửa, bản thân người lao động có nhiều cơ hội trong công việc, đặc biệt là các ngành dịch vụ. Tuy nhiên để thích ứng với xu hướng công dân toàn cầu, lực lượng lao động Việt Nam - đặc biệt là những người trẻ, cần chuẩn bị nội lực tốt để tự tin hội nhập.
Lao động các ngành dịch vụ cần phải chuẩn bị nội lực tốt để tự tin hội nhập. Trong ảnh: Các thành viên CLB Hướng dẫn viên Đà Nẵng trong một buổi tập huấn kiến thức tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.Ảnh: N.H |
Sinh viên chưa tự tin
Trong quá trình phỏng vấn để viết bài, khi hỏi ngẫu nhiên một số sinh viên về AEC, người viết nhận được những câu trả lời rất mơ hồ, một số em thẳng thắn bày tỏ: Em có nghe nói đến nhưng em chưa hình dung ra cộng đồng này như thế nào và cần phải chuẩn bị những gì. Em cứ học xong đã, ra trường sẽ tính tiếp. Chính sự thờ ơ với những sự kiện lớn này khiến các em như đang bị tụt lại so với xu hướng chung của xã hội.
Chị Bùi Thị Ái Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV tiếng Anh siêu tốc (Trung tâm tiếng Anh Fast) cho biết, trước thời cơ hội nhập, ngoại ngữ là “vũ khí” rất quan trọng để người lao động bước gần hơn với thế giới nhưng không phải ai cũng ý thức rõ ràng được điều này.
Vì vậy, chỉ đến khi sắp ra trường, mới ra trường chưa xin được việc làm, hoặc những người mới đi làm nhưng công việc chưa ổn định mới vội vàng đi học ngoại ngữ để có được việc làm. Vậy tại sao ngay từ những ngày trên giảng đường, các em không tranh thủ thời gian để học?
Đa phần các học viên không tự tin vào khả năng của mình nên thường ngại nói, sợ nói sai dẫn đến tâm lý chán học, vì vậy giúp người học nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ không hề dễ.
Đồng quan điểm, chị Ngô Bích Hà, Giám đốc Công ty Đào tạo và tư vấn Edutainment cho rằng, cái khó nhất của sinh viên là tư duy, tâm thái người học. Nhiều sinh viên không biết gì về TPP và AEC, thậm chí nhiều em đi học mà không biết mình học ngành đó ra sẽ làm gì chứ đừng nói đến tư duy khu vực hay tư duy quốc tế.
Dù các sinh viên nghe rất nhiều về kỹ năng mềm nhưng lại không chú trọng đến điều này để tự trang bị cho mình, nên khả năng thích nghi với môi trường, áp lực công việc rất kém, dần dần các em thụ động, tự hài lòng với chính mình.
Chị Bích Hà nêu ra dẫn chứng, hiện nay một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, lượng lao động dịch chuyển đến Việt Nam làm giúp việc cho các chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam rất đông trong khi lao động nước sở tại lại không thể làm công việc này, đơn giản vì lao động trong nước không biết ngoại ngữ.
Cần chuẩn bị cho đường dài
Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 25-2, bài viết “71% nhân sự cấp trung người Việt chọn Sing, chọn Thái chỉ 9%”, bài viết nêu một khảo sát được thực hiện trên 1.605 lao động đến từ Việt Nam, Thái Lan và Singapore vào cuối năm 2015, công ty cung cấp dịch vụ nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search công bố kết quả khảo sát về cơ hội dịch chuyển lao động cấp trung khi AEC thành lập thì Singapore là địa điểm làm việc hấp dẫn nhất (chiếm 71%) trong mắt lao động cấp trung người Việt, kế đến là Thái Lan 9% và Malaysia 7%.
Tương tự, Singapore cũng là lựa chọn số 1 với lao động cấp trung người Thái (chiếm 67%). Thị trường lao động Việt Nam cũng có sức hút nhất định với lao động nước ngoài. Cụ thể với lao động cấp trung Thái Lan, Việt Nam đứng thứ hai, còn với lao động cấp trung Singapore, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực. Điều này có thể làm tăng tính cạnh tranh về cơ hội việc làm với nhân sự cấp trung Việt Nam ngay trên “sân nhà”.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, năm 2015, tổng số lao động ngành du lịch trên toàn thành phố khoảng 24.975 lao động, dự báo đến năm 2020, ước khoảng 33.044 lao động. Thế nhưng, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng do sự chuẩn bị chưa kỹ nên khi gia nhập AEC, những vị trí quan trọng như quản lý, điều hành cấp cao, các lao động trong nước thường bị lép vế hơn so với một số nước trong khu vực khi đến buổi phỏng vấn tuyển dụng.
Nhìn từ thực tế có thể thấy, để chuẩn bị cho AEC, các nước trong khu vực đều có lộ trình để đi đường dài, trong khi các lao động ở Đà Nẵng vẫn loay hoay với bài toán ngoại ngữ. Ông Trịnh Thanh Sáu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị Đà Nẵng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan chỉ ra rằng, ngay từ năm 2014, người Thái đã có sự chuẩn bị cụ thể như cho dạy tiếng Việt trên 6 kênh truyền hình của Thái Lan từ tháng 11-2014; một số trường đại học của Thái Lan cũng đã dạy tiếng Việt.
Ngoài ra cán bộ của tỉnh Mukdahan (Thái Lan) còn qua trung tâm dạy tiếng Việt ở Savanakhet (Lào) để học tiếng Việt vào buổi tối. “Dù những hoạt động này nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Thái Lan-Việt Nam năm 2016 nhưng thực tế cho thấy họ đã đi tắt đón đầu từ rất sớm, còn chúng ta mọi thứ vẫn chung chung”, ông Trịnh Thanh Sáu bày tỏ.
Không riêng gì Thái Lan, một số nước lân cận như Philippines cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho lao động trước khi hội nhập AEC. Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, một số lao động của nước bạn đã được đưa sang một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Hội An để thực tập, vừa rèn luyện ngôn ngữ, vừa có được kinh nghiệp thực tế.
Đã đến lúc Đà Nẵng cũng cần có những chương trình dài hơi để sinh viên có thể đi thực tập ở nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội thực hành tiếng cũng như cọ xát về các kỹ năng nghề cho lao động sau này.
NHẬT HẠ