.

Chuyện lãng phí

.

Trong những năm tháng làm nghề tổ chức xây dựng Đảng, tôi thường thấm thía về một từ nói lái liên quan tới chức danh cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy/thành ủy quản lý: phó ty/phí to - phó ty hay phó trưởng ty là tên gọi trước đây của chức danh phó giám đốc sở hiện nay.

Theo nhận thức của tôi khi suy ngẫm về nghề thì đây không chỉ là chuyện chơi chữ cho vui mà còn là và chủ yếu là lời cảnh báo nghiêm khắc của dân gian về tình trạng lãng phí nguồn nhân lực ở các cơ quan công quyền.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sở dĩ nói lãng phí vì có nơi có lúc số lượng phó ty nhiều hơn mức cần thiết - không tính trường hợp chủ động có số dư để đào tạo cán bộ trẻ, nhất là trong trường hợp hợp nhất/sáp nhập một số ty nhỏ thành/vào ty lớn.

Nói lãng phí còn bởi có nơi có lúc cung cách bổ nhiệm cán bộ kiểu vì người xếp việc hay kiểu mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần - cũng là cách nói dân gian - chậm được khắc phục, dẫn đến phí to, do năng lực quản lý điều hành của một số phó ty không tương thích với đòi hỏi của vị trí lãnh đạo mà anh ta/chị ta đảm nhận.

Mà phí to thật - thiệt hại kép, phí gấp hai lần, bởi ở đây không chỉ phí vì người được làm thì làm không được, mà còn phí vì người làm được lại không được làm - cái phí thứ hai chính là lãng phí thời cơ của người giỏi.

Lãng phí thời cơ của người giỏi hiện nay khá phổ biến, dễ nhận thấy nhất là số sinh viên tốt nghiệp đại học thậm chí sau đại học mà phải chịu thất nghiệp ngày càng tăng - thất nghiệp không chỉ là không tìm được việc làm mà còn là không được làm đúng nghề nghiệp mình được đào tạo ở trường đại học.

Đương nhiên không phải tất cả các cử nhân, thạc sĩ ra trường chưa tìm được việc làm hay phải làm công việc không đúng chuyên môn được đào tạo đều là người giỏi, nhưng rõ ràng tình trạng thất nghiệp chưa có dấu hiệu dừng là một sự lãng phí thời cơ lập thân lập nghiệp của những người trẻ được đào tạo bài bản.

Cũng có ý kiến cho rằng, sản phẩm của các trường đại học không đáp ứng yêu cầu của đa số nhà tuyển dụng, chất lượng đào tạo của không ít sinh viên mới ra trường không tương thích với tấm bằng cử nhân, thậm chí với tấm bằng thạc sĩ và tình trạng đại học… học đại ấy chính là kết quả không như mong đợi của việc phân luồng sau phổ thông hiện nay ở nước ta.

Nếu ý kiến vừa nêu không võ đoán và quá khắt khe thì sự thể càng đáng buồn hơn, bởi trong trường hợp này tình trạng lãng phí nguồn nhân lực còn lớn hơn nhiều. Chưa kể các cử nhân và thạc sĩ bằng cấp “hữu danh vô thực” như vậy sẽ góp phần làm lãng phí thời cơ tìm được việc làm của những người thật sự giỏi nhưng lại có bằng cấp thấp hơn và thường trở thành “lao động hạng hai” trong mắt các nhà tuyển dụng sính bằng cấp.

Thiệt hại kép/phí gấp hai lần về nguồn nhân lực như nêu trên đã khiến nước ta không tận dụng được thời cơ khi bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng khởi đầu từ năm 2010. Tuy nhiên thiệt hại kép/phí gấp hai lần không chỉ diễn ra với nguồn nhân lực mà còn với nguồn vật lực/tài lực của đất nước.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng từng khẳng định lãng phí trong việc quản trị tài sản công mới chỉ là một phần lãng phí nhỏ, lãng phí lớn hơn thường nằm ở việc xác định các ưu tiên cho đất nước và kèm theo là việc phân bổ các nguồn lực quốc gia không đúng - nghĩa là những lãng phí vật lực/tài lực lớn hơn thường do chính sách sai gây ra; đồng thời nêu dẫn chứng rằng giả sử đầu tư ngân sách làm một con đường với hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng rốt cuộc chỉ có vài trăm lượt xe cộ lưu thông mỗi ngày thì đó chính là lãng phí do việc xác định ưu tiên sai.

Trong trường hợp này, lãng phí không chỉ do giá trị sử dụng của con đường quá thấp mà còn do nhiều cơ hội khác cần thiết hơn thậm chí cấp bách hơn để phát triển kinh tế-xã hội đã bị bỏ qua. Và lãng phí thời gian còn có thể khắc phục bằng cách tăng tốc, mỗi người làm việc bằng hai, chứ lãng phí thời cơ thì hầu như vô phương cứu chữa, bởi cơ hội thường chỉ đến một lần và thường một đi không trở lại nếu chúng ta không nhanh tay nắm bắt.

Những người nắm giữ trọng trách hoạch định chính sách của đất nước mà lại đề ra các chính sách sai gây lãng phí lớn còn tạo nên một hệ quả đáng buồn khác là không làm gương cho người dân trong việc thực hành tiết kiệm, dẫn đến tình trạng lãng phí chung của cả xã hội ngày càng nghiêm trọng.

Nghiêm trọng nhất là cơn khát thức uống có cồn đang làm cho người Việt lãng phí không chỉ tiền nong mà còn thời gian và sức khỏe. Lãng phí tiền nong thì rõ rồi, lãng phí thời gian cũng không quá khó để chứng minh, nhưng lãng phí sức khỏe không phải ai cũng có thể nhận ra, kể cả những người đang mắc các bệnh liên quan đến bia rượu.

Cuộc đua thể hiện “đẳng cấp quốc tế” cộng với xu hướng địa phương chủ nghĩa dẫn đến tỉnh nào cũng phấn đấu xây dựng cảng biển/cảng biển quốc tế và sân bay/sân bay quốc tế riêng của mình, kết quả là hiện nay cả nước đã có trên một trăm cảng biển, gần một trăm sân bay, có khi trong phạm vi chừng hai trăm cây số như từ Huế tới Dung Quất đã có tới bốn cảng biển lớn - Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà và Dung Quất, cùng ba sân bay lớn - Phú Bài, Đà Nẵng và Chu Lai, thử hỏi làm sao không lãng phí.

Cũng theo cách nghĩ của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, lãng phí ở đây không chỉ do công suất sử dụng của các cảng biển/sân bay này thấp mà còn do không đủ nguồn lực để đầu tư cho những hạng mục khác hoặc những địa phương khác phù hợp hơn với quy hoạch phát triển quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà tại buổi trình dự án Luật Đầu tư công xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9-2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư công tràn lan, dàn trải, hiệu quả thấp là do pháp luật thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định đầu tư và đặc biệt là chưa có quy định xử lý trách nhiệm người quyết định đầu tư sai, quyết định đầu tư kém hiệu quả, góp phần làm cho tình trạng lãng phí của công/của dân ngày càng trở nên hết thuốc chữa...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.