Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ về sách

06:41, 17/04/2016 (GMT+7)

Tôi sinh ra và trải qua tuổi thiếu thời tại một vùng quê nghèo, một xã của huyện Hiệp Đức, rồi sau gia đình chuyển xuống Việt An (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - nay Việt An thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức - BT). Chiếc xe hàng hằng ngày, chạy tuyến Hà Lam - Việt An là biểu hiện rõ nhất chút ánh sáng của thị thành. Cá tôm vùng biển, hàng hóa của Hàn (Đà Nẵng), của Phố (Hội An) đã tô thêm màu sắc cho làng quê. Sau hòa bình, chỉ vậy thôi. Sách vở không có.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi nhớ rõ, bọn trẻ chúng tôi học vỡ lòng tại nhà bác Ba Tạo. Nhà bác rộng, gần chợ Việt An. Lớp học không có bàn. Học trò ngồi trên các chiếc chiếu, quây quanh bàn của bác. Mỗi chiếu chừng 5 đến 7 trò.   

Bác là người thầy đầu tiên rất nghiêm khắc, có nhiều hình phạt như quỳ vòng tay trên sỏi, giam ở gốc ngâu cuối vườn khi chạng vạng tối, bỏ vào bao bố, chừa đầu rồi thả xuống hồ nước, mời cha mẹ đến chứng kiến việc phạt khi con không thuộc bài...

Nghĩa là, với từng ấy hình phạt, không đứa trẻ nào không thấm chữ của bác. Học cả ngày, buổi trưa, bác cho về nhà ăn, rồi quay lại lớp, học tiếp. Gió mát. Buồn ngủ lắm! Chúng tôi quàng tay vào vai bạn bè, cúi xuống, ngẩng lên, nhịp nhàng, đọc to vần xuôi vần ngược. Thế nhưng, bạn nào ngủ, là phải báo với bác, rồi tùy khoảng cách, bác lấy chiếc gậy mây, có uốn cong một đầu, đưa vào cổ, giật một cái. Bác giương kính, bảo đến quỳ bên cạnh bàn của bác, tiếp tục học bài. Bác có đến hàng chục chiếc gậy như thế.  

Lớp học và người thầy của tuổi thơ vùng quê đã theo tôi suốt năm tháng đời người. Tôi vô cùng biết ơn bác. Vì lẽ, tôi là đứa trẻ ham chơi, thường trốn học, giấu vở ở bụi tre, theo bạn bè câu cá dọc sông Trầu, vô núi hái chà là, ra đồng thả diều. Trước đó, tôi được gửi học tại nhà một người bà con nhưng không nên chữ, cha mẹ tôi đưa về, trao cho bác Ba dạy chữ, dạy người. Hồi ấy, qua vỡ lòng, biết đọc, biết viết, biết làm tính đố trong giới hạn 10, mới vào lớp Năm (lớp Một bây giờ).

Vào tiểu học, sách là của anh chị lớp trước giao lại. Thế thôi! Cả những năm tiểu học, tôi khao khát được đọc, có gì đọc nấy, kể cả sách truyền giáo của đạo Tin Lành mà người quen của gia đình tôi hay tặng. Sách qua giọng đọc truyện thơ Đồi thông hai mộ của chú làm kẹo hàng xóm, nằm võng, đọc trong những buổi trưa hè:

Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ
Anh của em yêu quý suốt đời
Anh đi mù mịt xa khơi
Phượng hoàng tung cánh
phương trời mãi bay...

Cả đời, tôi mê sách, mua sách, đọc sách, sưu tầm sách. Sách là thế giới đầy diệu kỳ từ thời niên thiếu cho đến tận bây giờ. Sao tôi yêu sách đến vậy! Từ đó, tôi thường nghĩ về sách cho các em nhỏ. Trẻ em rất cần đọc sách.

“Trẻ em là những sinh linh rất động, rất nhạy” (Nguyên Ngọc), do vậy mà, những quyển sách tốt bao giờ cũng là những người bạn đường có ích và rất thân thiện, giúp các em làm hành trang đi vào cuộc đời. Vì thế, văn học cho thiếu nhi, thiếu niên là vô cùng cần thiết. Nó như cơm ăn, nước uống, khí trời vậy. Sách mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và đẹp đẽ. Tiếp xúc với sách là tiếp xúc với bao tri thức và bao kinh nghiệm cuộc sống.

Một nhà tư tưởng đã nêu: “Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời”. Những cuốn sách có nội dung tốt sẽ đưa chúng ta đến những chân trời hiểu biết mới, những sự suy nghĩ, tìm tòi và cả sự biến đổi của tâm hồn. Có thể nói, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn sâu kín nhất của mỗi con người.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu kể lại rằng, hồi đang học lớp ba, nhân đọc một cuốn truyện viết cho trẻ con, ông đã nảy sinh ý định: quyết tâm trở thành nhà văn. Ý định đó thôi thúc ông viết câu chuyện, dài 50 trang giấy vở, rồi lặn lội đi bộ 7 cây số, lên nhà dây thép của huyện, gửi đăng.

Chờ mãi, “một tuần, một tháng, một năm chẳng thấy gì hết... Ấy vậy mà sau cái chuyến ấy, tôi vẫn không chừa cái quyết tâm trở thành nhà văn” (Hồi nhỏ các nhà văn học văn - Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1986, trang 86). Có lẽ, nhờ những rung động ban đầu đó, Nguyễn Minh Châu đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong văn học Việt Nam hiện đại.

Dĩ nhiên, không phải ai muốn viết văn, làm thơ cũng đều trở thành nhà văn, nhà thơ. Song, phải thấy là, nếu không có thế giới cảm xúc hồn nhiên như vậy, con người sẽ không có những ước mơ táo bạo, phi thường. Ngay M.Gorki, trong thời thơ ấu gian khổ của mình, nhà văn cũng tìm thấy ở sách báo bao điều hay đẹp, có ý nghĩa đối với cuộc sống. Sau này, ông kể lại: “Tôi hồi tưởng lại, trong những ngày niên thiếu, sách đối với tôi đã là người bạn tốt vô ngần”  (M.Gorki, Tuyển tập truyện ngắn, tập II, NXB Văn học, HN 1971, trang 286).

Ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác, các nhà văn thường hồi ức về những cuốn sách được đọc hồi còn thơ bé, xem đó là cơ sở ban đầu của việc học viết, học làm người. Phần lớn trong số họ đều thừa nhận chiều sâu giáo dục, ý nghĩa nhân bản là do nhờ tiếp nhận từ sách, nhờ sách.

Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của nhiều đầu sách thuộc loại best-seller Việt Nam, từng nghĩ: “Sách, như vậy, đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét  với người hiền kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng” (Thương nhớ Trà Long, NXB Trẻ, 2014, trang 90).

Thế nhưng, những năm gần đây, trẻ em ít ham đọc sách, lại thích các trò chơi khác. Đây là mối lo chung của tất cả chúng ta. Có thể sau này, thế giới các em đến có nhiều điều lạ, điều mới. Điều ấy cũng bình thường và dễ hiểu.

Nhưng dù thế nào đi nữa, tâm hồn các em không thể thiếu vắng những trang văn thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên được. Sách cho các em không chỉ là những “thiên đường xanh” (Paradis vert - chữ dùng của Pierre Gamara) mà còn cả những nỗi đời hiu quạnh, đớn đau của đồng loại. Có như vậy, các em mới thấy yêu thương những gì đang có, đang hưởng.

Chúng ta đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Liệu rằng, với tình hình sách cho các em như hiện nay, chúng ta nghĩ gì về các thế hệ mà tâm hồn xơ cứng, không thấy nỗi đau của một đất nước đang còn nghèo, không dám sẻ chia những vui buồn với những người cùng chung một nguồn cội, không biết ước mơ về một xã hội công bằng, nhân ái...!

Mấy năm nay, khoảng trống nơi tâm hồn các em đã bị lấp đầy bởi những truyện tranh ồ ạt xuất bản nhưng lại thiếu kiểm chứng về nội dung, bởi bao trò chơi điện tử và bởi bao nhiêu thứ khác chưa biết đến. Nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một đội ngũ nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học tâm huyết, có chiến lược về sách cho thiếu nhi, có những tuyển tập được biên soạn công phu, nghiêm túc dành cho các em ở mọi lứa tuổi. Phải chăng người lớn chúng ta bận lo toan nhiều việc, trừ việc làm sách cho thiếu nhi, thiếu niên!

HUỲNH VĂN HOA

.