Trong khi số lượng ô-tô tăng nhanh theo các năm thì hạ tầng dành cho ô-tô gồm đường (làn đường, chiều rộng mặt đường), nơi quy hoạch để đậu, gửi… chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Đậu, đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ chỉ là giải pháp tình thế trong bài toán giao thông đô thị. Ảnh: Q.T |
Nan giải chỗ đậu xe
Cầu Sông Hàn cấm ô-tô từ 6 giờ 30 – 7 giờ 30 nên chị Nguyễn Xuân Hường (trú đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, làm việc tại Trung tâm Hành Chính thành phố phải ra khỏi nhà từ sớm để cả hai mẹ con cùng kịp giờ đi làm, đi học. Buổi sáng còn đỡ, mỗi buổi chiều, dù 17 giờ là hết giờ làm việc nhưng ngày nào cũng 18 giờ chị mới ra khỏi cơ quan, “đi xe máy còn luồn lách được chứ đi ô-tô nhích từng chút một giữa dòng người thì thà ngồi lại cơ quan một tí còn hơn”, chị nói.
Những người ở “bên kia sông” nhưng làm việc ở “bên ni sông” khi đi ô-tô, nếu chọn đi đường Trần Phú, mỗi buổi chiều, áp lực dòng người trên đường cộng với lượng ô-tô đỗ một bên làn đường khiến con đường luôn quá tải. Đường Trần Phú lại dẫn về đường Nguyễn Văn Linh - một trong những điểm giao thông “nóng” của thành phố. Vì vậy, nếu tránh cầu Sông Hàn để đi qua cầu Rồng thì chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”!
Đây là một trong những điểm giao thông đang khó điều tiết của thành phố. Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô-tô con như hiện nay, thì các điểm ùn ứ còn tăng thêm.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố, những năm gần đây, mỗi năm thành phố tăng thêm 1.000 ô-tô con. Trong 3 tháng đầu năm 2016, số lượng ô-tô đăng ký là 1.169 xe, tăng 310 xe so với cùng kỳ năm 2015. Số ô-tô cá nhân tăng nhanh, chưa kể xe máy, xe du lịch, xe của 7 hãng taxi hoạt động trên địa bàn. Năm 1997, thành phố chỉ có 2 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô, nhưng hiện nay tăng lên 11 cơ sở đào tạo (trong đó 3 cơ sở đào tạo mô-tô và 8 cơ sở đào tạo lái ô-tô và mô-tô).
Đi ô-tô, sau nỗi lo đường đông, ùn ứ thì việc tìm được nơi đỗ xe cũng khiến nhiều người “lao tâm khổ tứ”. Thực tế, giao thông Đà Nẵng chỉ ách tắc vào giờ cao điểm ở một số tuyến đường trung tâm, thời gian chỉ khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ nên việc tắc đường chưa đáng ngại. Nhưng chỗ đậu xe thì rất nan giải vì Đà Nẵng hiện nay hoàn toàn không có bãi đỗ xe công cộng. Những tuyến đường ở trung tâm thành phố có vạch kẻ dành cho ô-tô đậu hầu như giờ nào cũng kín mít xe.
Anh Nguyễn Huy (đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) kể, mỗi lần đến đợt đi tiêm phòng cho con là vợ chồng anh loay hoay mãi mới tìm được chỗ đậu xe. Trước Trung tâm Y tế dự phòng thành phố là các cửa hàng, xe đậu kín hết cả. Anh chạy lên phía trên gặp đường Huỳnh Thúc Kháng lại cấm ô-tô, rẽ qua Hoàng Diệu thì đi đến đâu cũng bị đuổi vì trước mặt tiền người ta buôn bán. Hôm nào dẫn con đi tiêm là anh lo đi thật sớm, không phải để lấy số thứ tự cho con mà để… xí chỗ đậu xe.
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố, cho biết chỗ đậu xe đang là vấn đề của giao thông Đà Nẵng. Thiếu chỗ đậu xe khiến cánh tài xế đậu tràn lan khắp mặt đường, trước nhà dân, ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông. “Người dân phản ứng thì chúng tôi phải lắp đặt biển cấm đỗ. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, thành phố phải có bãi đỗ xe công cộng và tổ chức các nút giao thông khác mức”, ông Ngọc cho biết.
Những quy định mới cho người đi ô-tô
Một chuyên viên của Sở GTVT thành phố nhận định, hạ tầng giao thông không bao giờ đáp ứng được nhu cầu giao thông. Đặc biệt, Đà Nẵng được đánh giá là một đô thị đang phát triển, nhu cầu về sở hữu ô-tô rất lớn. Một khi phương tiện cá nhân còn phát triển thì hạ tầng không thể đáp ứng kịp.
Như Đại tá Lê Ngọc nhận định, về lâu dài, ngành giao thông thành phố phải xây dựng các nút giao thông khác mức bao gồm cầu vượt, hầm chui. UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương và hầm chui phía tây cầu Sông Hàn. Theo đó, việc xây dựng hầm chui tại các nút giao thông này nhằm làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp để tạm thời được đưa ra nhằm giải quyết các nút thắt giao thông. Từ ngày 1-4-2016, áp dụng cấm đỗ xe ngày chẵn - lẻ trên 10 tuyến đường. Anh Minh, làm việc tại một văn phòng trên đường Lê Hồng Phong, nói: “Con đường này tập trung rất nhiều công ty, văn phòng nên từ lâu, lượng ô-tô đậu đỗ lớn. Dù chúng tôi biết người dân khá bức xúc vì bị chiếm mất không gian sống nhưng cũng phải thông cảm vì không đậu trên đường thì chúng tôi biết đậu ở đâu, Đà Nẵng đâu có đủ bãi đỗ xe. Bây giờ, chúng tôi “bắt buộc” phải làm quen với quy định đậu xe ngày chẵn - lẻ này. Ngoài mỗi ngày phải loay hoay tìm chỗ đậu xe thì nhìn chung tôi thấy nhờ quy định này mà tình hình giao thông trên đường có vẻ ổn định hơn”.
Vào năm 2003, thành phố đã triển khai cấm đậu đỗ xe ngày chẵn - lẻ tại đường Lê Độ nhưng không thành công vì công tác tuyên truyền không đến nơi đến chốn. Rút kinh nghiệm, lần này, ngay từ khi triển khai, Sở GTVT đã thông báo rộng rãi đến hơn 20 cơ quan thông tấn báo chí, phối hợp nhiều ban ngành tuyên truyền trong 1 tháng liền nhằm giúp người dân có thời gian làm quen với quy định mới.
Cũng từ đầu tháng 4, Sở GTVT thành phố tổ chức cắm biển báo và thực hiện lưu thông một chiều với tất cả các phương tiện trên 6 tuyến đường Yên Thế, Hồng Thái (quận Liên Chiểu), Bắc Sơn, Tân Trào (quận Cẩm Lệ), Phan Châu Trinh (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) và Hoàng Diệu (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Trần Quốc Toản, quận Hải Châu).
Một ngày sau khi quy định này chính thức được thực hiện, các con đường đều có lực lượng chức năng điều tiết, nhắc nhở. Không chỉ lắp đặt biển cấm, tại mỗi ngã tư của các tuyến đường một chiều đều có treo băng-rôn, phướn với dòng chữ: “Cấm đi ngược chiều”. Có lẽ, trước quy định này, bên được “lợi” nhất là những người đi ô-tô bởi giao thông thuận lợi hơn.
QUỲNH TRANG