Đà Nẵng cuối tuần
Ấn tượng về một Ấn Độ hiện đại
Những ngày được tham dự Hội thảo quốc tế về Quan hệ văn hóa Ấn Độ -Việt Nam: Hồi tưởng và Viễn cảnh(*) ở Delhi, tôi được may mắn đến thăm một tổ hợp đền-tháp Ấn Độ giáo nổi tiếng của thủ đô tấp nập này. Đó là đền Akshardham tọa lạc bên bờ sông Yamuna, cách khoảng 10km về phía Đông trung tâm New Delhi. Ngôi đền này đã thu hút 70% du khách viếng thăm thủ đô Ấn Độ.
Ngôi đền chính Akshardham mandir, cao 43 mét, được điêu khắc công phu trên từng chi tiết bao phủ khắp ngôi đền. (Ảnh: website của Akshardham.com) |
Akshardham là một tổ hợp đền-tháp Hindu bằng đá kỳ vĩ nhất của Ấn Độ được khởi công xây dựng vào năm 2001 và được hoàn tất vào năm 2005. Đền được thiết kế dựa vào những quy chuẩn kiến trúc đền-tháp Hindu cổ truyền tên là Maharishi Vastu, một kỹ thuật xây dựng phổ biến trên toàn đất Ấn từ ngàn xưa; toàn bộ tổ hợp được cấu trúc bằng sa thạch hồng của xứ Rajasthani và đá cẩm thạch Carrara của Ý.
Dựa trên những hướng dẫn kiến trúc cổ truyền từ bản kinh Shilpa Shastra, tổ hợp này được xây rộng với chiều kích tối đa theo quy chuẩn đền-tháp của Ấn Độ giáo nhưng không được dùng bất cứ vật liệu gì bằng kim loại; vì thế, nó hoàn toàn không được chống đỡ bằng sắt thép hay bê-tông.
Trung tâm của tổ hợp là ngôi đền chính hay Akshardham mandir, được hoàn tất vào giai đoạn cuối cùng của quá trình xây dựng và được khánh thành ngày 5-11-2015. Trong chánh điện của mandir thờ ngẫu tượng của vị thần chủ: Đấng Bhagwan Swaminarayan (1781-1830), ngài được tôn vinh là người dẫn dắt tinh thần và cải tạo xã hội vĩ đại; hai bên vị thần chủ là hình tượng của sáu vị truyền thừa trong các thế kỷ 19 và 20 cũng được tôn thờ.
Ngẫu tượng của vị thần chủ và sáu vị đạo sư được đúc bằng hợp kim bên ngoài phủ vàng ròng. Chung quanh chánh điện là những bàn thờ đặc biệt nhằm thể hiện sự tôn kính các vị thần Hindu truyền thống khác như Shri Sita-Rama; Shri Radha-Krishna; Shri Lakshmi-Naraya; và Shri Shiva-Parvati.
Ngôi đền chính là một kiệt tác kiến trúc cao 43 mét; rộng 96,5 mét; dài 108,5 mét. Bao gồm 234 cột trụ đá được chạm trổ tinh vi; 9 mái vòm; và hơn 20.000 hình ảnh của các vị ẩn sĩ (sadhus), người phụng hiến và đạo sư (archaryas) được điêu khắc hoàn mỹ. Phần chân đế của đền được trang trí bằng một chuỗi phù điêu gồm 148 con voi Gajendra (Voi thần trên cõi trời), to bằng kích cỡ thật, nặng ba ngàn tấn, thể hiện tầm quan trọng của hình tượng voi trong văn hóa và lịch sử Ấn Độ giáo, tượng trưng cho hòa bình, cái đẹp và sự dịu dàng.
Theo tín đồ của giáo phái Swaminarayan, từ Akshardham có nghĩa là quê nhà của Đấng tối cao Narayana và là cõi lưu trú của ngài trên thế gian này.
Lễ đặt viên đá đầu tiên tại tổ hợp Akshardhama được tiến hành vào ngày 2-7-2001. Một nhóm tám vị đạo sư (sadhu) gồm các học giả trên lãnh vực Pancharatra Shatra-một bộ cổ thư viết bằng tiếng Hindi về kiến trúc và điêu khắc tượng thần đã được mời tham gia vào công trình.
Các đạo sư khảo sát việc đục đá cũng như nghiên cứu về điêu khắc theo truyền thống Ấn Độ từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ mười hai. Việc khảo sát này được xúc tiến tại nhiều di tích như Angkor Vat (Campuchia) cũng như ngôi đền nổi tiếng Bhubaneswar ở Odisha cùng nhiều ngôi đền khác ở Nam Ấn.
Bảy ngàn thợ khắc đá và ba ngàn tình nguyện viên đã tham gia vào việc xây dựng Akshardham. Với hơn 6.000 tấn sa thạch hồng chở từ Rajasthan, công trường được dựng tại nhiều nơi trong tiểu bang. Trong số thợ đục khắc đá có những người là nông dân và khoảng 1.500 phụ nữ thuộc các sắc tộc thiểu số vì hạn hán mất mùa đã được trợ cấp để tham gia công trình.
Đá dùng để xây dựng công trình này được cắt bằng máy, nhưng, việc điêu khắc các họa tiết phải thực hiện hoàn toàn bằng tay. Hằng đêm có trên một trăm xe tải chở đá đến Akshardham nơi có 4.000 công nhân và tình nguyện viên đang làm việc trên công trường.
Akshardham được khánh thành vào 6-11-2005 bởi Đạo sư Pramukh Swami Maharaj và ngôi đền được hiến dâng cho đất nước được đại diện bởi Tổng thống Ấn Độ, ngài Abdul Kalam, Thủ tướng Manmohan Sighn, và lãnh đạo phe đối lập tại Quốc hội, ngài Lal Krishna Advani cùng với 25.000 quan khách.
Sau khi tham quan các kiến trúc chính, Tổng thống Abdul Kalam đã phát biểu về sự gắn bó của Akshardham với xã hội, và kết thúc rằng: “Đạo sư Pramukh Swami Maharaj đã truyền cảm hứng đến hàng ngàn người trên khắp đất nước cũng như hải ngoại và gắn kết tất cả những tâm trí vĩ đại nhất để sáng tạo nên một tổ hợp văn hóa tuyệt mỹ. Nó đã trở thành một nơi giáo dục, thể nghiệm và giải thoát. Nó phối hợp một cách sáng tạo giữa nghệ thuật đá truyền thống và kiến trúc, văn hóa và văn minh, giá trị cổ xưa và trí tuệ của Ấn Độ với cái tốt nhất của truyền thông đại chúng và kỹ thuật hiện đại.
Những lớp đa dạng của tổ hợp này biểu hiện sức mạnh trí tuệ, ước nguyện của nhân loại, tinh thần bất khuất, sự hoàn mỹ của nhân ái, sự hòa quyện của tài năng khoa học và y học, vô số sắc màu của đa dạng văn hóa và sức mạnh tuyệt đối của kiến thức. Trong cốt tủy, nó là một tổ hợp sống động với những hình ảnh đầy sinh sắc.
…Akshardham xuất hiện trong buổi bình minh của thế kỷ 21, với sự cống hiến tận tâm của một triệu tình nguyện viên. Những gì xảy ra tại Akshardham ngày nay khích lệ tôi và cho tôi niềm tin rằng liệu chúng ta có thể thực hiện được hay không? Thực hiện một Ấn Độ phát triển trước năm 2020 với hàng triệu tâm trí hừng hực như quý ngài!”.
Lần thứ hai trở lại Ấn Độ, sau vài năm, tôi đã mục chứng nhiều thay đổi ở đất nước này trên nhiều lãnh vực như giáo dục, hạ tầng cơ sở, truyền thông đại chúng, công nghệ thông tin; và, khi đến thăm tổ hợp Akshardham tôi thật sự tin rằng Ấn Độ đang trên đà phát triển, chậm rãi nhưng chắc chắn, khi người Ấn biết dựa vào nền tảng khoa học cổ truyền được bắt rễ từ một truyền thống văn hóa đa dạng và bền vững. Nền văn hóa ấy vẫn còn linh hoạt cho đến tận hôm nay mà Akshardham là một minh chứng.
Vì lý do an ninh và vì muốn giữ sự thanh tịnh cho ngôi đền chính, du khách viếng thăm Akshardham mandir, tất cả đều được yêu cầu không mang theo bất cứ thiết bị điện tử nào bao gồm điện thoại di động, máy ảnh, máy ghi âm; và, trước khi vào đền, khách phải gửi giầy dép ở bên ngoài. Đây là một yêu cầu chính đáng nhưng cũng gây chút tiếc nuối; tiếc vì không thể ghi nhận lại và chia sẻ vẻ đẹp kỳ vĩ của đền Akshardham đến với nhiều người một cách đầy đủ và chi tiết.
TRẦN KỲ PHƯƠNG
(*) "Hội thảo quốc tế về Quan hệ văn hóa Ấn Độ -Việt Nam: Hồi tưởng và Viễn cảnh/International Seminar on Indo-Vietnam Cultural Relations: Retrospect and Prospect" tổ chức bởi ICCR (Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ) tại New Delhi vào ngày 20 đến 21 tháng 2-2016.