Đà Nẵng cuối tuần
Nghệ sĩ của nhân dân
Có người nói vui, ngoài dòng tuồng “Nhà nước” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh làm đại diện, hiện vẫn còn một dòng tuồng dân gian do các “nghệ sĩ của nhân dân” biểu diễn.
Hội làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) thường mời các đoàn tuồng “nhân dân” về diễn. TRONG ẢNH: Nghệ sĩ Cẩm Phô (giữa) vai Lan Châu trong vở diễn Lan Châu - Lý Ân - năm 2012. Ảnh: V.T.L |
Ông Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô) đón tôi trên đường Vân Đồn rồi đưa về căn hộ của ông, tầng 2 Chung cư Nại Hiên Đông 2. Hôm đầu tháng 3 vừa rồi ông được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cùng với 5 người khác ở Đà Nẵng.
Gặp lại ông sau 14 năm, dấu tích thời gian đã hằn lên gương mặt của con người đã bước qua ngưỡng thất tuần nhưng xem ra cái chất nghệ sĩ vẫn còn lưu chuyển đâu đó trong dáng vẻ của ông.
Đoàn nghệ thuật dân gian
Cẩm Phô sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ tuồng, ông nội ông từng dạy cho diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Cha ông nối nghiệp nhà, mẹ ông là con gái Chánh ca Nguyễn Đệ - người sắm vai Tạ Ngọc Lân trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn đến nay chưa ai qua mặt được. Cha, mẹ vợ ông cũng đều là các nghệ sĩ tuồng nổi tiếng.
Trong ký ức của ông Cẩm Phô, trên đất Thanh Khê một thời nở rộ các hoạt động hát tuồng, ngày đó gọi là hát bội. Đó là những năm sau 1975, thời điểm “làm mưa làm gió” trên đất “quận Nhì” của CLB Tuồng Xuân Hà do ông và nghệ sĩ Quang Nhiều (Nguyễn Đình Nhiều) thành lập.
Đã một thời, nơi đây quy tụ nhiều đào, kép hát bội nổi tiếng khắp Đà thành mà nhiều người đến nay phần lớn đã vĩnh viễn ra đi như các nghệ sĩ Hoàng Sự, Ngọc Huệ, Giáng Hương, vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Lan và Thu Sương... Trong đó, nhiều người vẫn còn nhắc đến nghệ sĩ Hữu Tài, người nổi tiếng với vai Cao Hoài Đức trong vở Tống Thái Tổ trảm Trịnh Ân.
Nghệ sĩ Hoàng Lan (tên gọi ngoài đời là Tít Hát Bội) quê ở Phú Hòa, Huế, lúc nhỏ theo lớp đồng ấu học hát tuồng ở đoàn Đồng Xuân Lâu do ông Hoàng Ngọc Cơ (Giám Cơ) làm bầu, từng hát cho bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại xem. Vợ ông, nghệ sĩ Thu Sương, con của một đôi đào kép hát bội ở Quy Nhơn ra diễn ở Đà Nẵng. Trên bước đường lưu diễn, hai người trước vì mến tài nhau mà sau thành đôi thành lứa.
Nghệ sĩ Thu Trang trong vở Thất hiền quyến - năm 2013.Ảnh: V.T.L |
CLB Tuồng Xuân Hà hoạt động được hơn một năm thì hai ông Quang Nhiều và Cẩm Phô tách ra, về Tân Chính lập CLB mới do GS Hoàng Châu Ký đỡ đầu. Một thời, khán giả mê tuồng khắp nơi đã đổ xô về Xuân Hà, rồi Tân Chính để xem hát, nhiều khi “cháy vé”.
Ông Cẩm Phô nhớ lại, khán giả mê tuồng bên “quận Ba” đi phà qua sông Hàn rồi thuê xe thồ lên coi, người ở phường Nam Dương kéo nhau đi xích-lô lên hàng loạt, bà con ở chợ Mới đi xe lam… Khán giả ùn ùn đông như trẩy hội mà vé thì có hạn nên cứ 4 giờ chiều là ông trốn biệt, tránh mặt để khỏi bị người ta nhờ mua vé giùm.
Tính đến năm 1980, Đà Nẵng có 2 CLB Tuồng, một do Ban Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh QN-ĐN cũ) quản lý, một do UBND phường Tân Chính quản lý. Cả hai đều diễn thường xuyên ở hội trường Ban VHTT thành phố và hội trường phường Tân Chính, thỉnh thoảng cũng đi lưu diễn ở một số địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, mỗi năm vào dịp đầu xuân họ ra Huế diễn khoảng nửa tháng, có khi kéo dài hàng tháng ở các vùng nông thôn.
Năm 1992, CLB Tuồng Tân Chính sáp nhập vào CLB Tuồng thành phố Đà Nẵng do nghệ sĩ Quang Nhiều làm chủ nhiệm, nghệ sĩ Cẩm Phô làm phó chủ nhiệm. Diễn viên “gạo cội” lúc bấy giờ, ngoài 2 nghệ sĩ này ra, có thể kể đến các bà Nguyễn Thị Thông (Diệu Thông), Nguyễn Thị Huệ, Ngọc Sương, ông Văn Tít (Hoàng Lan),…
Ông Phô lặng người một lát, rồi giọng thật nhẹ: “Cũng năm đó, một chuyện tôi không thể quên là GS Hoàng Châu Ký và ông Phạm Đức Nam - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN, một người rất mê tuồng - đứng ra thành lập Hội Bảo trợ nghệ thuật tuồng Đà Nẵng. Từ đó Hội có những hoạt động đỡ đầu tích cực cho CLB”.
Giới thiệu về CLB Tuồng thành phố Đà Nẵng, trang bachkhoatrithuc.vn nhận định: “Tuy mang danh là CLB nhưng hoạt động của đơn vị này thực chất như là một đoàn nghệ thuật dân gian”.
Hát bội làm… tội người ta
Ở Thanh Khê hồi đó có nhiều mạnh thường quân đam mê tuồng, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ nghệ sĩ khi gặp chuyện không may. Ông Cẩm Phô còn nhớ ở Xuân Hà có cô Tư Nước Đá, cô Hoa; ở Tân Chính có ông bà Trúc Mai, ông Cường - Chủ tịch phường, ông Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ ăn uống Đồng Tâm,...
Những tháng mưa gió không hát được, hết người này cho gạo lại đến người kia vận động khán giả cho tiền giúp nghệ sĩ vượt qua khó khăn. Vì thế mà nghệ sĩ với khán giả hồi đó thân thiết như người nhà, lên sân khấu là nghệ sĩ hát như rứt ruột mình ra, còn khán giả thì lỡ xem đêm đầu rồi, đêm sau dù có bận rộn thế nào cũng đến cho bằng được.
Nghệ sĩ Kim Phúc, bạn học với nghệ sĩ Hoàng Lan hồi ở Huế, từng nổi tiếng với các vai đào mùi, đào thương. Lần nọ, bà bị tai biến, chết ngay trên sân khấu Tân Chính lúc đang vào vai Điêu Thuyền. Phường Tân Chính và đông đảo khán giả mộ điệu đã đứng ra cáng đáng việc đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Chuyện này còn lưu trong ký ức nhiều người như một biểu tượng cao đẹp của nghĩa tình sân khấu.
Có lẽ ngoài niềm đam mê nghệ thuật, chính nghĩa tình sân khấu của khán giả mộ điệu đã thôi thúc các nghệ sĩ theo đuổi nghiệp diễn, dù thu nhập của CLB Tuồng Đà Nẵng lúc đó chỉ vừa đủ trang trải cho đời sống diễn viên và các chi phí biểu diễn ở mức độ tối thiểu.
Năm 1997, khi chia tách tỉnh, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trở thành đơn vị nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng, CLB Tuồng Đà Nẵng (bấy giờ do nghệ sĩ Cẩm Phô làm trưởng đoàn) được giao về tỉnh Quảng Nam và được ông Nguyễn Quỳnh - nguyên Giám đốc Đài PT-TH QN-ĐN, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên - đứng ra nhận về cho huyện.
Từ đó Đoàn tuồng Sông Thu - Duy Xuyên ra đời với “gia tài” gồm đội ngũ diễn viên và đạo cụ của CLB Tuồng Đà Nẵng do ông Cẩm Phô làm trưởng đoàn.
Sau 15 năm làm trưởng đoàn, ông bàn giao Đoàn tuồng Sông Thu lại cho con gái nghệ sĩ Diệu Thông là chị Thu Trang (hiện ở khu dân cư phía Nam cầu Cẩm Lệ). Ông chỉ làm cố vấn cho đoàn tuồng này và Đoàn tuồng Tam Kỳ (do nghệ sĩ Lệ Thu, cháu gọi ông bằng cậu ruột làm trưởng đoàn). Ông có 3 người con cũng đang gắn bó với tuồng.
Nghệ sĩ Diệu Thông từng học tuồng ở đoàn Đồng Xuân Lâu, Huế; bà đã mất nhưng còn có 3 người con thành danh nhờ tuồng. Chị Thu Trang kể, 13 năm trước cả nhà chị dự Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc tại Khánh Hòa với trích đoạn tuồng Lã Bố hý Điêu Thuyền. Mẹ chị thủ vai Vương Tư Đồ, anh chị là Ngọc Hoàng vai Đổng Trác, chị vào vai Lã Bố, em gái Thu Trinh vai Điêu Thuyền. Lần đó cả nhà được giải Gia đình nghệ sĩ.
Mới đây, tháng 9-2015, tại “Liên hoan Tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND thành phố và Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, 3 anh em nghệ sĩ Thu Trang lại diễn trích đoạn nói trên và “ẵm” về 2 HCV, 1 HCB; con trai chị là Cao Quốc Hưng được trao giải Diễn viên nhỏ tuổi nhất liên hoan.
Ông Phô nhớ lại, GS Hoàng Châu Ký có lần dẫn câu dân gian “Hát bội làm tội người ta/ Bỏ cửa bỏ nhà cũng vì hát bội”, rồi giảng rằng vì hát bội hay quá nên người ta bỏ nhà cửa mà đi xem. Những “nghệ sĩ của nhân dân” như ông, chỉ mong được rứt gan rứt ruột mình ra mà “làm tội người ta”.
Như tại Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà vào trung tuần tháng Hai âm lịch vừa rồi, sau đêm khai mạc do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đảm nhận, hai đêm sau bà con mời Đoàn tuồng Tam Kỳ ra hát. Giữa thời kinh tế thị trường, đó quả là hạnh phúc không hề nhỏ đối với các “nghệ sĩ của nhân dân”!
VĂN THÀNH LÊ