Đà Nẵng cuối tuần

Pháp luật song hành với lòng nhân ái

07:39, 24/04/2016 (GMT+7)

Người khuyết tật (NKT) là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; những người bị khuyết tật về thần kinh thì có thể có những biểu hiện không kiểm soát được hành vi, cảm xúc trong cuộc sống cá nhân và quan hệ xã hội. Do đó, NKT gặp rất nhiều khó khăn, bị hạn chế bởi những rào cản và chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống so với người bình thường.

Người khuyết tật, ngoài sự phấn đấu vượt lên bản thân, còn rất cần sự quan tâm của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng. Ảnh: V.T.L
Người khuyết tật, ngoài sự phấn đấu vượt lên bản thân, còn rất cần sự quan tâm của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng. Ảnh: V.T.L

Nhân dân ta từ xưa đã thể hiện lòng nhân ái sâu sắc với NKT qua đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân”. Cũng với ý nghĩa đó, Nhà nước ta đã ban hành “Luật Người khuyết tật” có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Trên nền tảng đạo lý và luật pháp đó, NKT ở Đà Nẵng đã được quan tâm bảo vệ, chăm sóc một cách tích cực và có hiệu quả trên các mặt đời sống, sức khỏe, giáo dục, đào tạo, công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng...

Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức nhân đạo từ thiện trong và ngoài địa phương, kể cả ở nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như cá nhân các nhà hảo tâm đã ủng hộ tận tình trong việc chăm sóc, bảo vệ NKT bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú rất đáng trân trọng.

Cùng sự vươn lên với ý chí và nghị lực to lớn của bản thân, đa số NKT đã có những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất cũng như tinh thần; nhiều người trở thành tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất.

Tuy nhiên, ở góc độ nhân văn và an sinh xã hội, vẫn còn đó nhiều bức xúc về việc bảo vệ và chăm sóc NKT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh những tấm lòng nhân ái luôn quan tâm đến nỗi bất hạnh của NKT vẫn còn đó những biểu hiện kỳ thị, lãnh cảm với nỗi đau thường xuyên của một bộ phận người yếm thế này.

Bên cạnh sự quan tâm, lo lắng để giảm bớt những rào cản hữu hình và vô hình với NKT, vẫn còn đó tình trạng vô trách nhiệm trong việc thực thi những quy định của luật pháp trong việc chăm sóc, bảo vệ NKT. Bên cạnh các chủ trương và việc làm cụ thể, vẫn còn lời hô hào suông và kêu gọi chung chung. Bên cạnh việc nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của luật NKT vẫn còn đó luật theo kiểu được chăng hay chớ, thụ động và chờ đợi…

Những tồn tại trên đây không chỉ làm cho NKT vẫn còn thiệt thòi và chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống mà nếu không được chấn chỉnh sẽ làm xói mòn đạo lý nhân ái quý báu của dân tộc và làm cho luật pháp bị coi thường dẫn đến những hệ lụy không nhỏ trong đạo lý của mỗi người và trong quan hệ cộng đồng mà hậu quả không phải chỉ có NKT hứng chịu mà sẽ là một sự băng hoại đạo đức trong cộng đồng.

Để tiếp tục giữ gìn và phát huy đạo lý nhân ái của dân tộc và đảm bảo thi hành nghiêm túc luật NKT, thiết nghĩ phải làm cho luật thực sự đi vào cuộc sống, làm cho mọi người quan tâm đến NKT không phải chỉ từ lòng trắc ẩn mà phải từ nghĩa vụ thi hành luật pháp.

Cùng với đó, phải chuyển việc tiếp cận từ lòng nhân đạo mang nặng tính ban phát sang cách tiếp cận về quyền của NKT với sự quan tâm toàn diện đến nhu cầu của họ; phát huy năng lực để họ có điều kiện vươn lên tiếp cận với các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, việc làm - sinh kế, giao tiếp xã hội, phát huy năng lực cá nhân và hòa nhập cộng đồng,…

Nếu được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và các lực lượng xã hội, trong đó có bản thân các tổ chức, cá nhân NKT cũng như các cơ quan báo chí và dư luận xã hội, thì việc triển khai thực hiện các nội dung trên đây sẽ đạt hiệu quả thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, việc huy động rộng rãi các lực lượng xã hội tham gia chăm sóc, bảo trợ NKT thật sự là một giải pháp quan trọng có ý nghĩa đặc biệt trên nhiều mặt và có hiệu quả to lớn từ nhiều góc độ. Sự đóng góp xã hội cho NKT không chỉ chia sẻ gánh nặng ngân sách của Nhà nước mà còn phát huy truyền thống nhân ái của mỗi người, xây dựng một cộng đồng xã hội biết sống bao dung, cảm thông, yêu thương và chia sẻ.

Hàng chục tỷ đồng mỗi năm vận động được của các tổ chức từ thiện, từ các đóng góp của các lực lượng xã hội nhằm trợ giúp NKT là những bằng chứng sinh động của những trái tim lấp lánh vẻ đẹp của lòng nhân ái trong cộng đồng.

Dù có khiếm khuyết về thể trạng, nhưng cũng như những người bình thường khác, NKT cũng có những nhu cầu, mong muốn bình thường và thực sự họ cũng có những khả năng để thực hiện những mong muốn đó. Nhiều NKT rất thành công mà ngay cả những người bình thường cũng không dễ gì đạt được.

Để NKT có nhiều cơ hội hơn vươn lên trong cuộc sống, khẳng định và nâng cao hơn nữa giá trị của mình trong xã hội, ngoài sự phấn đấu vượt lên bản thân, NKT còn rất cần sự quan tâm của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng.

Khi NKT được bảo vệ, chăm sóc bằng ý chí và sức mạnh của pháp luật cùng với sự hỗ trợ từ lòng nhân ái của mỗi tổ chức, mỗi người trong cộng đồng, chắc chắn NKT sẽ sống hạnh phúc hơn, mỗi người bình thường cũng thấy ấm lòng hơn và cộng đồng sẽ chan hòa trong tình nhân ái cao đẹp.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 10.533 NKT (trong đó có gần 8.000 NKT nặng và đặc biệt nặng), chiếm tỷ lệ khoảng 10% dân số.

Những con số này không chỉ phản ánh hiện tình NKT mà còn đặt ra nhiều vấn đề an sinh xã hội bức xúc và không kém phần gay gắt, nhất là khi Đà Nẵng đang đặt ra mục tiêu xây dựng một thành phố sống tốt cho mọi người.

NGUYỄN HOÀNG LONG

.