Đà Nẵng cuối tuần
Hai con người, một số phận
Từ lao động chính, hai người đàn ông trụ cột của hai gia đình trở thành người tàn phế, không thể tự chăm sóc bản thân sau một lần không may gặp tai nạn trong lúc lao động. Kể từ đó, cuộc sống của gia đình họ rơi vào cảnh bế tắc, khó khăn, thuộc diện “đặc biệt nghèo”.
Nhờ sự bươn chải, quán xuyến mọi chuyện trong gia đình, chị Hà đã chèo chống, đưa gia đình thoát khỏi cơn bĩ cực, làm điểm tựa vững chắc cho chồng, con.Ảnh: T.Y |
Từ lao động chính trở thành người tàn phế
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang vào một chiều cuối tháng 4 khi chị đang bước thấp bước cao từ bệnh viện trở về nhà. Chồng chị lại vào viện khi có những biểu hiện suy kiệt về sức khỏe.
Kể từ ngày anh Trần Minh Hoàng (42 tuổi), chồng chị gặp tai nạn lao động dẫn đến dập tủy sống, gãy đốt sống cổ tại khu vực Hồ Chứa, xã Hòa Nhơn tháng 4 năm 2011, thì chuyện “lấy bệnh viện là nhà” không còn xa lạ với gia đình chị. Chồng đi viện như cơm bữa, nhưng chị Hà vẫn không sao thoát khỏi nỗi ám ảnh khi thỉnh thoảng bác sĩ gọi chị vào lắc đầu nói nên đưa anh về lo hậu sự. Thậm chí, không dưới 2 lần, người thân ở nhà gấp rút dọn xếp nhà cửa, tính toán đưa anh về nằm đâu để tiện việc thăm viếng, ma chay.
Nhưng thật may mắn, lúc xe bệnh viện đưa anh về nhà khi đã vô phương cứu chữa, như một phép màu, bên vòng tay gia đình, vợ con, da dẻ anh hồng hào trở lại, hơi thở sâu hơn, sức khỏe dần hồi phục. Dù chồng nằm liệt một chỗ, không thể làm gì, nhưng chị mừng rớt nước mắt vì anh đã không bỏ mẹ con chị lại một mình.
Ngày anh Trần Minh Hoàng còn khỏe, hai vợ chồng cùng làm thuê trong rừng keo ở Hồ Chứa, thu nhập mỗi ngày chừng 200.000 đồng. Số tiền ít ỏi nhưng ổn định, cộng với tiền bán con gà, con vịt, cuộc sống vợ chồng trẻ cùng 2 đứa con cũng không đến nỗi nào. Dành dụm được chút ít, vay thêm chỗ này chỗ kia, vợ chồng anh cất tạm ngôi nhà cấp 4.
Anh gặp nạn trong lúc cưa keo cùng những lao động khác. Một cây keo đang được đốn hạ gần đó đổ ầm xuống đè ngang cổ khiến anh giật nảy người rồi hôn mê bất tỉnh. Vợ anh, khi đó đang ốm nằm nhà, nghe tin chồng gặp nạn, quáng quàng băng rừng chạy đến cùng mọi người đưa anh đi viện. Lần đi viện ấy, anh phải ở lại đến 9 tháng.
Sức khỏe anh Hoàng mỗi ngày mỗi yếu. Nằm liệt một chỗ, phần da dẻ tiếp xúc với mặt chiếu lở loét từ từ, việc tiểu tiện, sinh hoạt cá nhân dựa cả vào vợ. Mỗi năm 7, 8 tháng chị Hà phải đưa chồng từ Hòa Nhơn xuống thành phố nhập viện. Tất tả ngược xuôi, vừa ở viện chăm chồng, vừa tranh thủ chạy về nhà lo con gà, con heo.
Ngày anh Hoàng gặp nạn, chị lo âu, hai con đứa lớp 4, đứa lớp 5 rồi có phải bỏ học giữa chừng? 5 năm nằm liệt giường, tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cuộc sống thiếu thốn, khổ cực trăm bề, nhưng nhờ chị lao vào bươn chải, quán xuyến mọi chuyện trong gia đình, biết vun vén, lấy cái này bù đắp cái kia, chị đã chèo chống, đưa gia đình thoát khỏi cơn bĩ cực, tiếp sức cho chồng, cho 2 con tiếp tục đến trường.
Nỗi túng quẫn của một gia đình
Cũng như anh Hoàng, tháng 4-2015, trong lúc đẩy xe rùa vận chuyển cát tại một công trình xây dựng ở quận Liên Chiểu, anh Trần Phước Hùng (47 tuổi) ở phòng 214, dãy nhà 3, khu chung cư Hòa Hiệp Nam không may bị trượt ván, ngã từ tầng 2 xuống đất. Cú va đập mạnh khiến anh bị gãy xương cột sống, dập tủy, khó khăn trong việc phục hồi vận động, không đi lại được.
Đang là người đàn ông khỏe mạnh, trụ cột nuôi gia đình gồm mẹ già nay đau mai ốm, bà ngoại trên 90 tuổi tai biến nằm liệt giường 3 năm nay và một người cậu bị tâm thần, anh Hùng gặp nạn đã đẩy gia đình này rơi vào cảnh bế tắc, túng quẫn triền miên.
Mẹ anh, bà Trần Thị Ba (64 tuổi) nấc nghẹn kể về hoàn cảnh gia đình: Năm Hùng 10 tuổi, chồng bà chẳng may qua đời, bà đưa con về nhà mẹ đẻ, bấu víu làm ăn sinh sống. Em trai bà, ông Trần Hữu Thọ (53 tuổi) bị tâm thần từ nhỏ, suốt ngày thẩn thơ, hết ngồi nhà thì đi lang thang ra chợ, nói nói cười cười, ai cho gì ăn nấy. Hai người đàn bà góa lên núi chặt củi, đẩy than kiếm sống qua ngày.
Hùng lớn lên, xin vào phụ hồ tại các công trình xây dựng nhỏ lấy tiền phụ giúp ngoại và mẹ. Sức thanh niên trai tráng, làm việc chăm chỉ nhưng Hùng vẫn bị con gái “chê” vì nghèo... Cứ thế, Hùng sống với mẹ, với ngoại và cậu, đến tuổi 47 vẫn chưa lập gia đình. Khi anh bị tai nạn, giấc mơ có con dâu của bà Ba bỗng chốc tan thành bọt nước.
Gia đình bà Ba rơi vào cảnh kiệt cùng. Có những ngày, trong nhà không còn hạt gạo, bà Ba bấm bụng chạy sang hàng xóm mượn tạm, lấy nước mắm làm thức ăn. Có những ngày, anh Hùng rên rỉ vì đau nhưng vẫn cắn răng chịu đựng khi biết nhà không còn tiền mua thuốc. Nhìn con đau, bà Ba cố nuốt nước mắt động viên nhưng khi Hùng đã chìm vào giấc ngủ, bà nước mắt lưng tròng, người bần thần lo lắng không yên. Hết vệ sinh, rửa ráy, thuốc thang cho con trai, bà lại quay sang lau rửa, chùi dọn chỗ nằm cho mẹ. Suy nghĩ nhiều, tinh thần, sức khỏe bà Ba cũng suy kiệt dần, cứ chừng nửa tháng, bà lại lên Bệnh viện Tâm thần xin thuốc an thần về uống. Hôm chúng tôi đến, anh Hùng, khi nghe mẹ kể chuyện đã lẳng lặng quay mặt về hướng cửa sổ như cố giấu ánh nhìn buồn bã.
Rơi vào cảnh “đặc biệt nghèo”
Khi tai nạn bất ngờ xảy ra, chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn là người lao động, cuộc sống gia đình bị đảo lộn do mất đi nguồn thu nhập chính. Gia đình anh Trần Minh Hoàng và Trần Phước Hùng từ hộ nghèo, cận nghèo rơi vào cảnh đặc biệt nghèo khi bao nhiêu tiền làm ra không đủ cho những lần vào viện.
Theo quy định của pháp luật, những trường hợp bị tai nạn trong lúc đang làm việc như anh Hoàng, anh Hùng không được xem là tai nạn lao động (TNLĐ) do không có hợp đồng, bảo hiểm. Vì thế khi tai nạn xảy ra, chủ thầu chỉ giúp đỡ tiền viện phí, thuốc men chút ít rồi thôi. Rốt cuộc, nạn nhân của các vụ tai nạn trong lúc làm thuê bằng “hợp đồng miệng” như 2 anh đều rơi vào cảnh thiệt thòi khi không được pháp luật đứng ra bảo vệ.
Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cho biết, trong hàng trăm trường hợp được Hội đứng ra giúp đỡ thời gian qua, nhiều gia đình có người bị TNLĐ rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của cộng đồng chỉ như “muối bỏ bể” khi bệnh tật cứ bám riết lấy họ. Lao động chính không còn, nguồn thu bấp bênh, giấc mơ thoát nghèo càng trở nên xa vời. Chưa kể, chính sự hụt hẫng, buồn chán vì bỗng chốc trở thành người tàn phế, người bị TNLĐ thường có xu hướng co cụm, ít trải lòng, mất niềm tin vào cuộc sống dẫn đến không khí gia đình luôn sầu não.
Chị Nguyễn Thị Hà cho biết mình phải thường xuyên động viên chồng lấy lại tinh thần, sống vui vẻ để mẹ con chị có động lực làm việc và học tập. Nhờ sự động viên của vợ, thời gian qua, anh Hoàng lấy việc giúp con học bài là niềm vui mỗi ngày. Những khi ngồi xe lăn, anh Hoàng còn chăm sóc được cả những chậu cây cảnh. Mỗi khi thấy vợ bận bịu chuyện đồng áng, làm thuê, anh dặn con nấu cơm, quét nhà phụ mẹ. Có thể nói, tình cảm gia đình đã trở thành liều thuốc tinh thần quý giá, khiến những vết thương, vết lở loét trên người anh như dịu hẳn cơn đau.
Chỉ vì một chút bất cẩn, những tai họa bất ngờ ập đến, TNLĐ không chỉ lấy đi mạng sống của con người, mà nó còn khiến những ai “thừa sống thiếu chết” và cả gia đình họ phải trả một cái giá rất đắt trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Ghi chép của Tiểu Yến