Đà Nẵng cuối tuần

Nhà xưa, làng cổ và "bản sắc Việt Nam"

07:52, 29/05/2016 (GMT+7)

Trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống thì ý thức của người dân là cực kỳ quan trọng. Vốn quý của thiên nhiên ban tặng, của cha ông truyền lại mà không giữ thì mất.

Hàng rào chè tàu và những loại cây còn giữ nét chân quê ở làng Thái Lai.
Hàng rào chè tàu và những loại cây còn giữ nét chân quê ở làng Thái Lai.

Thời hoàng kim của một làng cổ

Lối vào nhà ông Ngô Văn Nghĩa- nguyên Bí thư chi bộ thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, nguyên trưởng làng Phong Lệ(*) - xanh mát hàng chè tàu được cắt tỉa cẩn thận. Đây có lẽ là nơi duy nhất còn nguyên vẹn nét nhà xưa, làng cổ. Ông vừa xong buổi gặp gỡ, giới thiệu lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ cho nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

Hai lần trong hai năm 1993 - 1994, ông Nghĩa nhớ lại, làng Phong Nam đón gần 1.000 khách nước ngoài đến Đà Nẵng bằng đường biển, được Công ty Đông Á - chi nhánh Đà Nẵng đưa lên đây tham quan.

Lâu nay chỉ biết ẩn mình sau lũy tre làng, bỗng dưng được khách nước ngoài đến thăm, người dân Phong Nam bất chợt cảm nhận được những giá trị vô hình của làng quê mình. Ngoài quần thể các đình, chùa, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ... mang đậm nét kiến trúc cổ kính phương Đông, nơi đây một thời đã có nhiều người nổi tiếng về tài chọn trâu với lễ hội Mục đồng chẳng nơi nào có được, ca dao còn nhắc: “Phong Lệ mục đồng, Giáng Đông hát vật”.

Không hổ danh là làng cổ, Phong Nam từng có gần 20 ngôi nhà ở, nhà thờ tộc có tuổi đời tính hàng trăm năm. Cùng với đó là những giếng cổ tuổi đời ngót nghét thế kỷ. Giếng Tình, giếng Hựu, giếng Nang/ Giếng Tri, giếng Lịch, giếng Cần, giếng Thơ…

Tên giếng đã đi vào vần điệu ca dao, còn nước giếng thì một thời đi vào trái tim mỗi người dân bằng vị ngọt mát, trong lành, không gợn chút phèn đồng nội. Những người cùng trang lứa ông Nghĩa nhớ nhất là giếng Nang, gọi là giếng nhưng mở rộng ra như một cái ao, nhờ giếng này mà ông và bạn bè mới biết bơi…

Một phần tư thế kỷ đi qua kể từ ngày đoàn khách nước ngoài đầu tiên “đổ bộ” lên Phong Nam, làng cổ này giờ như cô gái quê đi tỉnh về trong thơ Nguyễn Bính, “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Con đường làng giờ đã bê-tông hóa, không còn cảnh khách nước ngoài đi dưới bóng râm của hàng tre hai bên đường châu đầu vào nhau như tấm hình một tờ báo ngành Du lịch ông Nghĩa còn giữ từ 24 năm trước.

Trong dịp Festival Huế 2016 hôm cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa rồi, người viết có đến thăm làng cổ Phước Tích, ngôi làng nằm bên sông Ô Lâu, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng cổ gần 500 năm tuổi này cách xa trung tâm thành phố Huế về phía bắc đến những 40km, một khoảng cách dễ nản lòng thế mà vẫn nườm nượp khách đến.

Trong khi làng cổ Phong Nam nằm “sát nách” quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ khoảng 12km thì khách ngày một thưa vắng. Tha thẩn đi trên đường làng Phước Tích, giữa lót gạch lát nền Hạ Long 40 x 40cm màu đỏ đậm, hai bên đổ bê-tông vừa với lối xe đi, còn lại chừa chỗ để cỏ xanh dậy nét chân quê, chợt thấy nuối tiếc cho làng Phong Nam khi hàng chè tàu cùng dây tơ hồng giăng mắc tình quê đã bị xóa sổ bởi con đường bê-tông vô hồn với những tường rào cổng ngõ hiện đại.

“Các nơi người ta trồng tre tạo cảnh quan mà mình lại phá dỡ. Lỗi không phải ở dân mà ở nhà quản lý. Nói là lưu giữ làng cổ mà không có kế hoạch cụ thể. Dân chờ mãi, đành phải tự xử theo kiểu nóng đâu phủi đó”, ông Nghĩa chạnh lòng.

Thời hoàng kim của Phong Nam đã vụt qua. Nhà cổ trong làng giờ chỉ còn trên dưới 10 cái, số còn lại đã dần dần bị người dân phá dỡ xây nhà hiện đại vì không có kinh phí sửa chữa, trùng tu. Trong số nhà cổ còn chống chọi được với thời gian, có nhà bà Ông Thị Mãn bị xuống cấp trầm trọng nhất, theo nhận định của ông Nghĩa, nếu không có kế hoạch sửa chữa thì e là “không qua nổi mùa mưa này”.

Trong khuôn viên nhà cổ Tích Thiện Đường sẽ có một nhà trưng bày nông cụ phục vụ khách du lịch.Ảnh: V.T.L
Trong khuôn viên nhà cổ Tích Thiện Đường sẽ có một nhà trưng bày nông cụ phục vụ khách du lịch.Ảnh: V.T.L

Phác họa bức tranh làng quê nhà cổ

Là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang hiện vẫn còn nhiều làng quê giữ được nét cổ kính. Tuy không đủ tầm để được Nhà nước trao bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa như làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây (Hà Nội) hay làng cổ Phước Tích nói trên, nhưng các làng quê Hòa Vang này vẫn là những “hương đồng gió nội” của một Đà Nẵng thời đô thị hóa.

Phong Nam với 3 cây trâm cổ thụ lưu dấu người xưa mở đất trước Nhà thờ Tiền hiền làng Phong Lệ. Túy Loan, Bồ Bản (cùng ở xã Hòa Phong) có hai ngôi đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Thái Lai (xã Hòa Nhơn) phong cảnh hữu tình, thơ mộng với sông suối, ao hồ, đồng ruộng, vườn cây trái và nhiều công trình kiến trúc cổ...

Vừa lưu giữ bản sắc văn hóa làng quê với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và ẩm thực truyền thống phong phú, vừa tạo thêm những điểm đến hấp dẫn, thành phố đã quy hoạch và đưa vào dạng tiềm năng để khai thác một số tuyến du lịch mới. Theo đó, tuyến du lịch thủy nội địa sẽ xuất phát từ Cảng Sông Hàn đi qua các điểm: Cẩm Lệ (ghé làng rau La Hường tả ngạn sông Cẩm Lệ), sông Yên (thăm làng chiếu Cẩm Nê), Túy Loan (thăm đình Túy Loan), Thái Lai (thăm nhà cổ Tích Thiện Đường, làng du lịch văn hóa – sinh thái Thái Lai).

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, thành phố sẽ cho lập hai cầu cảng, một ở bến sông trước đình Túy Loan, một ở bến sông trước nhà cổ Tích Thiện Đường (xưa có tên là bến Chè – NV). Khi triển khai cơ bản đề án, sẽ tiến đến tổ chức loại hình hát dân ca bài chòi phục vụ khách du lịch trên tuyến đường sông này.

Song song với tuyến đường thủy là tuyến du lịch đường bộ. Khách sẽ được nghe các câu chuyện, những đóng góp của ông Nguyễn Bá Thanh trong sự phát triển của thành phố; được tận mắt chiêm ngưỡng những hoa văn tinh tế, cụm di tích đình Thần Nông, miếu Âm linh ở đình Bồ Bản. Khách sẽ ghé thăm chùa Hưng Quang, nhà thờ Tin Lành Phú Hòa, hai cơ sở tôn giáo khác biệt nhưng hòa hợp và đối diện nhau qua con sông Túy Loan; thăm đình Túy Loan có cả cây đa, bến nước, sân đình.

Và rồi, sau khi tham quan làng du lịch văn hóa - sinh thái Thái Lai, trải nghiệm cảm giác du lịch dựa vào cộng đồng và không gian sinh thái làng quê, khách sẽ kết thúc chuyến đi với ẩm thực mì Túy Loan - món ăn đặc trưng của xứ Quảng.

Những kiến trúc hiện đại, cận đại đan xen với những kiến trúc cổ xưa trên những làng quê có tuổi đời trên dưới nửa nghìn năm ấy cùng những chuyện xưa, chuyện nay về tên người, tên đất, tên làng sẽ là những nét cọ phác họa nên bức tranh làng quê nhà cổ trong lòng du khách.

Hướng đến một thương hiệu cho 3 tỉnh, thành

Sức hút của Phước Tích là 27 nhà có tuổi đời tính bằng trăm năm, là làng điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên chuyên phục chế nhà rường cổ, là lò gốm mỹ thuật phục vụ du lịch... Người dân nơi này tự hào nói với khách rằng, cứ thoải mái đi trên con đường lát gạch ở làng mà không sợ lạc vì đi đâu rồi cũng trở về chỗ cũ. Phước Tích có 12 bến nước, khi làm kè chống sạt lở ven sông, nhà thầu vô ý lấp bến Miếu Vua, bến Chùa và bến Lò – những bến nước gắn với sự tích, truyền thuyết của làng. Dân làng phản đối, buộc bên thi công phải mở lại 3 bến nước để lưu giữ văn hóa làng quê của mình.

Khi nghe chuyện này, ông Bùi Nam Dũng góp lời: “Đúng vậy, trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống thì ý thức của người dân là cực kỳ quan trọng. Vốn quý của thiên nhiên ban tặng, của cha ông truyền lại mà không giữ thì mất. Phong Nam là một bằng chứng”.

Nếu làng cổ Phong Nam chưa có một đề án chính thức nào nhằm phát triển du lịch thì làng Thái Lai đã được “điểm danh” qua đề án “Phát triển du lịch văn hóa – sinh thái thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn giai đoạn 2016 - 2020” do UBND huyện Hòa Vang xây dựng, trong đó “điểm nhấn” là nhà cổ Tích Thiện Đường. Ông Đỗ Thanh Tân, quyền Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, đề án này đã được huyện thông qua sơ bộ, đang chờ thành phố phê duyệt mặt bằng (theo đề xuất của huyện) để tiến tới kêu gọi đầu tư.

Ông Đỗ Hữu Minh, chủ nhà cổ Tích Thiện Đường sẽ lập nhà trưng bày nông cụ, tổ chức dây chuyền tráng mì Quảng từ khâu xay bột đầu tiên cho đến sản phẩm cuối cùng là tô mì đậm chất ẩm thực xứ Quảng… Ông Nguyễn Đăng Dự, nhà bên cạnh, sẽ giới thiệu khách đến với vườn cây ăn trái, biểu diễn sản xuất nông nghiệp như cày bừa, trồng rau củ quả…

Vừa rồi, ba tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đã thống nhất lựa chọn thương hiệu điểm đến chung với tên gọi “The Essence of Vietnam” (tạm dịch: “Bản sắc Việt Nam”), theo thông tin từ Dự án Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT).

Thương hiệu này phản ánh sự hội tụ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất tại khu vực, bao gồm lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo và thành phố. Các nhà xưa, làng cổ trên đất Đà Nẵng rồi đây sẽ sớm được khoác trên mình tấm áo mới, góp phần xây dựng thương hiệu “bản sắc Việt Nam” cho cả 3 tỉnh, thành miền Trung.

VĂN THÀNH LÊ


(*) Làng Phong Lệ bao gồm cả thôn Phong Nam và khu vực Phong Bắc bên kia sông Cẩm Lệ, nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.

.