Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách

Câu chuyện Đà Nẵng: Ám ảnh của hiện thực

18:05, 04/06/2016 (GMT+7)

Câu chuyện Đà Nẵng(*) là chuyện kể Đà Nẵng từ sau những năm cuối thập niên 80 cho đến năm 2000 - sau khi xây dựng cầu Sông Hàn. Sau 1975, Đà Nẵng trải qua những gian nan, trở ngại hết sức phức tạp, để bứt phá và đạt được những thành tựu đáng kể về mọi mặt.

 

Lấy Đà Nẵng làm bối cảnh cho tiểu thuyết của mình, nhà văn Thái Bá Lợi muốn xây dựng những nhân vật trên cơ sở hiện thực hòa trộn với chất liệu văn học hư cấu huyền ảo, từ những nguyên mẫu trong cuộc sống bước vào trang sách đã trở thành những nhân vật ấn tượng bộc lộ một cách mạnh mẽ tính cách với sự quyết liệt trong khát vọng đổi mới và hành động… Một  Ba Danh, Chủ tịch thành phố với những hành vi suy nghĩ cho thấy đó là một người của hành động, giàu khát vọng, ác cảm với sự trì trệ và thói quen thiếu trách nhiệm, một người thương dân nhưng đầy lý tính. Con người ấy vẫn tiềm ẩn những điểm yếu là nôn nóng, độc đoán… nhưng dưới ngòi bút của Thái Bá Lợi dù không hiển thị trực tiếp nhưng ẩn dụ bàng bạc đâu đó nghịch lý, đôi khi những điểm yếu ấy tạo nên sức đẩy góp phần vào quá trình đổi mới cho địa phương. Nhân vật Ba Danh không ngại bộc bạch, nói thẳng ra những điều mà không ít cán bộ cùng thời dám: Xã hội bây giờ có người làm mười ăn mất bảy, có người không làm được việc gì cụ thể cho dân cũng ăn. Tui xin hứa với bà con là phải làm hết sức, nếu có ăn thì phải ăn chính đáng bằng công sức của mình, vậy có sòng phẳng không? (tr 243). Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, Ba Danh đặt mối quan tâm hàng đầu để nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt với người nghèo. Xây cầu qua Sông Hàn là hướng phát triển của thành phố theo hướng biển, nhưng sâu xa hơn nhằm phá bỏ khoảng cách chênh lệch cuộc sống đôi bờ của người dân, xóa bỏ xóm nhà chồ nhức nhối bên sông. Con người ấy xem công việc là niềm vui, và trong những giai đoạn gặp nhiều trở ngại, bức xúc thì: Chỉ có công việc mà công việc ích nước lợi dân thì con người sẽ quên bớt đi tính toán cá nhân, những mưu mô bè phái, những tham vọng quyền lực (tr 193).  Có lẽ, kỹ sư trưởng Văn Minh, là nhân vật mà tác giả đã tỏ ra có phần thương cảm. Đó là người đã tận hiến hết tinh lực và thời gian với ước nguyện xây cầu Sông Hàn, một người đã có nhiều công trình xây dựng từ Bắc vào Nam nhưng đã chọn xây cầu Sông Hàn chỉ với mong muốn là một cái gì đó cho quê hương nhưng kết thúc cho bao năm tháng vất vả ấy là sự tù đày. Ngay cả trước cái thời khắc bị bắt giam, Văn Minh biết vậy nhưng anh chưa sẵn sàng chuẩn bị đối phó vì anh nghĩ công lao anh lớn hơn nhiều so với những sai sót anh có thể mắc phải mà anh chưa lường hết được (tr257)…

Văn chương của Thái Bá Lợi luôn được khởi nguồn bởi sự ám ảnh và  ẩn ức đa tầng, đa nghĩa. Anh chỉ thủ thỉ kể Câu chuyện Đà Nẵng bằng sự bình tâm chẳng nặng nề phán xét một ai, kể cả những nhóm người chống lại phe đổi mới; thế nhưng ẩn hiện trong đó bằng một ẩn ức có tính nhân văn, sự công bằng đối với cuộc sống, muốn đòi lại sự công bằng cho nhân vật. Bạn đọc có thể nhận ra có cái gì mong manh, phảng phất bằng sự thương cảm về số phận của các nhân vật  kể cả đối với vị chủ tịch thành phố len lỏi se buốt suốt những trang sách.

Ám ảnh lớn nhất của tác giả là những câu hỏi được đặt ra: Nếu như Đà Nẵng không bắt đầu từ một đêm gặp gỡ giữa Bí thư tỉnh và Chủ tịch thị trấn ở một huyện miền núi; không có cuộc “gặp cho biết chính phủ” giữa Chủ tịch thành phố và Thủ tướng Võ Văn Kiệt; không có sự xuất hiện của Ba Danh thì Đà Nẵng sẽ phát triển ra sao. Nhà văn như muốn giấu đi cái nhìn chủ quan khi đánh giá cán bộ, nhà quản lý cao cấp với quan điểm đúng - sai trong cái thang điểm thử xem họ đã thực hiện được những gì có lợi với dân sinh, cộng đồng, người dân so với những gì mà cá nhân thụ hưởng. Câu chuyện Đà Nẵng với sự xuất hiện của nhiều nhân vật để lại những dấu ấn hấp dẫn bởi sự kỳ công gọt giũa của người sinh thành ra họ. Một Trần Dạ, dân phong trào đô thị làm Bí thư phường xin nghỉ việc ở nhà dạy tiếng Anh để có tiền nuôi mẹ đau nặng cùng vợ và 3 đứa con, thế nhưng đó là người dám góp ý phản biện buộc Chủ tịch thành phố phải lắng nghe. Có thể đó là một nhân vật hư cấu chiếm đa phần nhưng được xây dựng với tính cách, nghĩ suy đầy trăn trở và sâu sắc, trở thành hình tượng  nhân vật điển hình đi qua cuộc đời bằng một thần thái nhẹ nhàng và một tâm hồn trong sáng và trung thực. Một nhà thơ Xuân Thống tưng tửng, hóng hớt, giỡn cợt, tào lao mỗi lần xuất hiện với những thông tin nửa đúng nửa sai, nhưng đã được tác giả đưa vào tiểu thuyết, làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn khơi gợi nhiều cảm xúc.

Câu chuyện Đà Nẵng có cấu trúc như tiểu thuyết chương hồi nhưng lối viết, kỹ thuật dựng truyện rất là hiện đại với những tuyến nhân vật tiêu biểu cho nhiều hạng người: những anh Ba, Nhì, Lê xay nước đá ở bến Phà Đen (lao động), trí thức như Trần Dạ, nhà Quảng học GS Hạ, văn nghệ sĩ như nhà thơ Xuân Thống, các chuyên gia như Kazik, Văn Minh, kỹ sư Quý - mỗi người một công việc, số phận, trình độ, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng có cùng một giao điểm là ủng hộ sự đổi mới, mong muốn sự vực dậy thành phố của họ và đặc biệt đều yêu thơ ca. Ngay cả nhóm công nhân xay nước đá ở bến Phà Đen khi hay tin làm cầu Sông Hàn, chân cầu sẽ nằm ngay nơi làm việc của họ, việc ấy đồng nghĩa sẽ lấy đi miếng ăn của cả ba gia đình nhưng vẫn nhiệt tình nộp tiền xây cầu, là người lao động họ nhận biết xây cầu là việc làm đúng, việc làm mà mấy trăm năm chưa có ai làm được.

Câu chuyện Đà Nẵng, chứa đựng những xung đột cao trào nhưng vẫn được kể lại bằng sự bình tĩnh, tránh được những phấn khích bằng một lối viết tinh tế nhưng hóm hỉnh được lấp đầy những tình tiết đầy sức hút với người đọc. Thái Bá Lợi là người hơn 40 sống và làm việc tại Đà Nẵng và gần gũi duyên nợ với những nguyên mẫu. Những trải nghiệm đa đoan ấy đã giúp cho Câu chuyện Đà Nẵng với nhiều chi tiết đắt giá, những lớp cắt hiện thực, những tư liệu quý để xây dựng nhân vật với những hình hài sống động.

Chọn thời điểm kết thúc cho Câu chuyện Đà Nẵng vào đúng lúc hợp long cầu Sông Hàn, khi nhóm kỹ sư trưởng Văn Minh và đồng sự xây cầu Sông Hàn lại bị bắt tù. Oái ăm như một phát biểu của một vị phó chủ tịch nước: Mời khách về dự tiệc lớn, tiệc chưa kịp tàn chủ nhà đã lôi con ra đánh (tr236). Tác giả như muốn giữ lại một giai đoạn chuyển mình ý nghĩa đầy sự biến động của thành phố bên sông Hàn đồng thời mở ra một cái nhìn mới về những giai đoạn tiếp theo trong lòng bạn đọc.

HỒ SĨ BÌNH


(*) Câu chuyện Đà Nẵng, Tiểu thuyết của Thái Bá Lợi, NXB Hội Nhà văn, tháng 5-2016.

.