Đà Nẵng cuối tuần

Thách thức với gia đình trẻ

16:54, 24/06/2016 (GMT+7)

Khoảng 60-70% các vụ ly hôn xảy ra ở những gia đình trẻ (cả tuổi đời và số năm kết hôn) ở Đà Nẵng những năm gần đây, được lý giải là do quan niệm về kết hôn - ly hôn của người trẻ hiện nay thoáng hơn, cùng với cái tôi cá nhân lớn nên thiếu sự nhẫn nhịn và vị tha khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.

Nắm tay nhau đi trọn cuộc đời là ước mơ và đích đến của nhiều gia đình.
Nắm tay nhau đi trọn cuộc đời là ước mơ và đích đến của nhiều gia đình.

Cái tôi lớn, khó vị tha

Năm 2014, Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (trực thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng) tiếp nhận hòa giải trường hợp vợ chồng chị T.H (sinh năm 1989, ở quận Hải Châu) đang trong tình trạng mâu thuẫn nghiêm trọng. Cùng tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), sau một năm kết hôn, có chung đứa con 8 tháng, vợ chồng chị H. nảy sinh xung đột vì khác quan điểm, không tìm được tiếng nói chung, đỉnh điểm là dẫn đến bạo lực gia đình. Tư vấn viên ở Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã tìm đến và hòa giải nhằm tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất cho cuộc hôn nhân của chị H., nhưng cuối cùng họ vẫn chia tay.

Chị H. là một trong rất nhiều trường hợp có cuộc hôn nhân “chết yểu” mà Trung tâm tiếp cận trong thời gian qua.

Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng hơn 100 trường hợp tìm đến nhờ tư vấn, hỗ trợ khi hôn nhân gặp trục trặc, hơn 60% trường hợp từ 25 đến 40 tuổi. Số liệu được cung cấp từ Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cho thấy, số vụ ly hôn tăng lên theo từng năm và ngày càng “trẻ hóa”.

Bà Trần Thị Thu Huyền, quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài cho biết, hiện nay tình trạng ly hôn của những gia đình trẻ ngày càng nhiều. Những cặp đôi kết hôn càng sớm thì tỷ lệ ly hôn càng lớn. Phân tích sâu về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Huyền cho rằng, chủ yếu là những mâu thuẫn khó có thể hòa giải về quan điểm sống, ngoại tình, bạo lực gia đình, thậm chí có những trường hợp ly hôn vì sự can thiệp quá sâu của phụ huynh đôi bên. “Thực tế, hiện nay quan điểm sống cũng như nhận thức của giới trẻ về chuyện kết hôn, ly hôn “thoáng” hơn thế hệ trước rất nhiều. Họ có cái tôi rất lớn, sống vì bản thân mình nhiều hơn, nhất là khi họ độc lập về kinh tế, có chính kiến riêng mạnh mẽ nên khó vị tha, bao dung khi xảy ra mâu thuẫn. Nhiều lúc chỉ đơn giản đùn đẩy nhau chuyện nấu cơm, giặt đồ cũng làm to chuyện và kết cuộc là kéo nhau ra tòa …”, bà Huyền phân tích.

Mong các con nắm tay nhau đi trọn cuộc đời

Khi cuộc sống vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, những người trẻ có xu hướng tìm cách tự giải quyết, tìm đến các Trung tâm tư vấn thay vì chia sẻ với gia đình. Lý giải cho điều này, chị Đỗ Nguyễn Bích Huệ (29 tuổi, ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bày tỏ: “Bản thân vợ chồng mình cũng có thời gian khủng hoảng trầm trọng nhưng tụi mình không muốn làm bố mẹ buồn nên chỉ thông báo sơ sơ, còn lại hai vợ chồng tự giải quyết. Mình nghĩ, sự can thiệp của bố mẹ hai bên đôi lúc cũng là con dao hai lưỡi. Nó có thể chấm dứt khủng hoảng nhưng biết đâu lại làm mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn. Sau sự cố lần đó, mỗi lần có va chạm gì vợ chồng mình đều tự ngồi lại, cùng phân tích vấn đề để khắc phục, rất hiếm khi gọi điện kể lể cho hai bên gia đình. Qua mỗi lần như vậy mình trưởng thành hơn, bình tĩnh và có kinh nghiệm hơn khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống vợ chồng”.

Ở một khía cạnh khác, bà Lê Thị Mai (59 tuổi, ở 72 Lê Lai, quận Hải Châu) cho rằng: “Người làm cha làm mẹ khi con cái lập gia đình chỉ mong chúng nắm lấy tay nhau đi trọn cuộc đời, đừng để đứt gánh giữa chừng. Bạn bè tôi không ít người đau khổ nhìn con cái cưới nhau chưa tới 2, 3 năm đã ra tòa ly dị. Chúng nó cứ giận lên là chuyện bé xé ra to, ba mẹ góp lời vào nó còn “quạt” sang cả mình nữa. Bây giờ, lớp trẻ sống theo kiểu hiện đại. Theo cá nhân tôi, nhiều lúc chuyện gia đình riêng của con cái mình cũng nên hạn chế sự can thiệp quá sâu, mình chỉ góp ý, hỗ trợ thôi chứ không thể quyết định thay. Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, bố mẹ phải là tấm gương sáng cho con về sự son sắt của tình nghĩa vợ chồng. Ngày xưa, các mẹ, các bà lấy chồng là sống đến đầu bạc răng long, còn lớp trẻ bây giờ hôn nhân sao mà mong manh đến thế”.

Để trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống khi phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, Phòng Tư pháp các quận, huyện có tổ chức các lớp học tư vấn tiền hôn nhân. Trong khi đó, theo bà Trần Thị Thu Huyền, cuộc sống gia đình muôn hình vạn trạng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, rất khó để đưa ra một lời khuyên chung cho tất cả. Riêng với các bạn trẻ, để giữ vững hôn nhân nên chăng hạn chế bớt cái tôi cá nhân để nghĩ đến cái chung nhiều hơn, tập cách nhẫn nhịn, bình tĩnh và luôn trong tâm thế giữ gìn hạnh phúc gia đình trước mỗi mâu thuẫn hay xung đột để tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất.

MẪU ĐƠN

.