Đà Nẵng cuối tuần

Hướng đến khách hàng tiềm năng

07:52, 10/07/2016 (GMT+7)

Những năm gần đây, thay vì chỉ tập trung khai thác các khách đoàn lớn, nhiều đơn vị lữ hành đã chuyển sang khai thác khách lẻ, khách bình dân với những dịch vụ phải chăng, phù hợp với từng đối tượng khách.

Kết thúc chuyến đi khám phá Đà Nẵng trong 3 ngày, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (31 tuổi, du khách Hà Nội) cảm thấy rất hài lòng bởi anh chị đã đi được hầu hết các điểm tham quan tại Đà Nẵng như Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, cả việc lặn ngắm san hô ở cù lao Chàm… Anh Nam kể, vợ chồng anh đã “săn” được vé máy bay giá rẻ kèm theo phòng khách sạn từ khi mới ra Tết, khi đến Đà Nẵng, anh chị đã lựa chọn mua các tour ghép đoàn, đi trong ngày, khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại anh chị tự thuê xe khám phá thành phố. Anh chia sẻ, lý do vợ chồng anh không mua tour trọn gói vì những tour như vậy giá khá cao, cộng với thời gian đi lại gò bó nên anh đã chọn đi theo cách của riêng mình.

Thực tế, theo đại diện các công ty lữ hành, những năm gần đây, xu hướng của khách hàng- đặc biệt là những người trẻ, đã có sự thay đổi rõ rệt. Thay vì mua tour trọn gói như trước đây, khách hàng thường tự đi, đến Đà Nẵng bằng cách tự đặt vé máy bay, phòng khách sạn… rồi mới mua tour; từ đó Đà Nẵng cho ra đời nhiều sản phẩm tour khác nhau như tour ghép đoàn, tour trong ngày. Bởi hiện nay các hãng hàng không, các khách sạn thường có các chương trình kích cầu, khuyến mại nên mọi người đều có cơ hội để mua được vé giá rẻ.

Điển hình như dịp Hội chợ Du lịch quốc tế được tổ chức hồi cuối tháng 6 có tới 3.000 vé 0 đồng của Hãng hàng không Vietjet Air được chào bán, hay rất nhiều vé khuyến mại của Hãng hàng không Jestar cũng được bán ra với giá 99.000 đồng. Đà Nẵng cũng thường xuyên có các chương trình kích cầu giảm giá phòng khách sạn nhưng vẫn bảo đảm các dịch vụ, tiện ích, những đợt thấp điểm giá phòng giảm từ 10-50%. Đây chính là cơ hội để các đơn vị lữ hành tìm kiếm và “săn” các dịch vụ giá rẻ cho du khách hoặc người dân tự tìm kiếm cơ hội đi du lịch giá rẻ cho riêng mình.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitour cho biết, nếu như trước kia, các công ty lữ hành thường hướng đến những đối tượng khách đoàn lớn với những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sang trọng thì hiện nay, nhiều khách thích đi lẻ nhóm bạn 3-5 người, hay đi theo gia đình thường chọn sử dụng những dịch vụ phổ thông nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Từ đó, xu hướng tổ chức các tour mở (open tour), tour ghép đoàn được khá nhiều các công ty lữ hành trên địa bàn thành phố khai thác. Khách hàng chỉ cần chia sẻ những dự định, ý tưởng của mình sẽ được nhân viên của các công ty lữ hành tư vấn lịch trình phù hợp, giá cả phải chăng và sẽ được ghép cùng nhiều khách lẻ khác thành một đoàn du lịch. Tùy vào các điểm đến gần hay xa để có giá cả phù hợp. Các tour ghép đoàn ngắn ngày thường được dành cho khách đi du lịch nội địa hoặc tour đi trong ngày dành cho khách đến Đà Nẵng du lịch tự do. Đa số các tour được thiết kế đan xen nhau để khách có thể đi tham quan được nhiều điểm nhất mà giá cả lại phải chăng nhất.

Cách đây 10 năm, người dân miền Trung không có thói quen đi tour ghép đoàn (khi đó ở Việt Nam chỉ có khách Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hay đi tour này) vì tâm lý ngại đi với người lạ, nhưng 5 năm trở lại đây xu hướng của khách đã thay đổi, nhiều khách phổ thông đã lựa chọn các tour này. Xu hướng này đã khiến bộ phận làm tour trọn gói của một số đơn vị lữ hành giảm nhưng ngược lại các tour mở lại tăng cao nên lượng khách khai thác của các công ty vẫn tăng.

Không chỉ khai thác khách nội địa, một số công ty lữ hành khai thác khách quốc tế như Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng, VietDa Travel, Bến Thành Tourist Chi nhánh Đà Nẵng, Việt Nam Travel Mart, Vitours… còn hợp tác với nhau khai thác tour ghép đoàn dành cho khách khởi hành đi quốc tế như tour đi Thái Lan thông qua các đường bay thuê chuyến, hoặc một số đơn vị lữ hành tìm được những giá vé máy bay, giá phòng phù hợp.

Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố tính đến tháng 5-2016, tổng lượt khách du lịch ước đạt 1.877.321 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách nội địa khoảng 1.218.485 lượt, tăng 5,7% so với cùng kỳ và khách quốc tế khoảng 658.836 lượt, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch đạt 5.444,2 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2015. Có thể thấy, khách nội địa đến Đà Nẵng luôn chiếm tỷ lệ cao hơn khách quốc tế trong tổng lượng du khách đến Đà Nẵng hằng năm.

Do đó, việc phân khúc thị trường khách là điều hết sức cần thiết. Đà Nẵng hiện có 535 cơ sở lưu trú du lịch với 20.166 phòng, trong đó khối 4-5 sao và tương đương có 35 khách sạn với 6.084 phòng, khối 3 sao có 65 khách sạn với 4.394 phòng, khối 1-2 sao và tương đương có 425 khách sạn với 9.411 phòng. Như vậy, với cơ sở lưu trú khách hạng sang (4-5 sao), khách nhiều tiền và khách nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E thường chọn những dịch vụ này. Còn với gần 10.000 phòng khách sạn 1-2 sao sẽ là lựa chọn của rất nhiều khách hàng bình dân chỉ muốn tìm kiếm một chỗ ngủ giá rẻ nhưng vẫn đủ tiện nghi tối thiểu trong các chuyến đi.

Thực tế, các khách sạn 1-2 sao đều có các kênh khác nhau để tìm kiếm và khai thác nguồn khách của riêng mình nhưng không thể phủ nhận với lượng phòng giá phổ thông lớn như vậy cũng là một trong những lý do thu hút khách đến với Đà Nẵng. Điển hình như những ngày cuối tuần tại một số tuyến đường như khu vực dưới chân cầu Rồng, các nhà hàng ven biển (đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp), các khách sạn ven biển luôn tấp nập du khách, góp phần tạo công ăn việc làm cho nguồn lao động không nhỏ làm trong ngành du lịch.

Trong cuộc họp cuối tháng 5-2016 với các chủ khách sạn 1-3 sao về nâng cao chất lượng phục vụ khách, Sở Du lịch thành phố đã đề nghị các cơ sở lưu trú phải có nội quy và chính sách cụ thể trong quá trình giao dịch với khách, tăng cường tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ, thường xuyên kiểm tra chất lượng hệ thống cơ sở, trang thiết bị tiện nghi… để bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng: Việc phân khúc thị trường khách là cần thiết, từ đó có thể xây dựng phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách. Bên cạnh phát triển những sản phẩm dành cho khách nội địa thì khách nước ngoài, đặc biệt những người trẻ thích đi du lịch nhưng khả năng tài chính có hạn cũng là những khách hàng rất tiềm năng. Ngoài nhu cầu khách sạn giá rẻ, tiện ích, họ còn muốn điểm đến độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương… nên cũng cần có những sản phẩm phù hợp để khai thác đối tượng này. Khi đã đa dạng hóa các sản phẩm, các đơn vị lữ hành sẽ khai thác được hết các đối tượng khách cũng như tiềm năng của du lịch thành phố.

THU HÀ

.