Về Lolita, tôi để ý một điểm khá lý thú ở một số bản sách của nó phát hành trong nước và trên thế giới: bìa sách in hình con bướm, như chẳng có mối liên quan gì tới nội dung. Điểm thú vị ở đây là trong truyện không hề có bướm hay bất cứ con côn trùng nào. Chẳng là Nabokov mê những thứ ấy, ông cũng là nhà côn trùng học có tên có tuổi. Lại nữa, cái tên Lolita nghe cứ gợi lên âm hưởng gì đó thật phù du. Nabokov được tiếng là phù thủy ngôn ngữ, ông hiếm khi đặt tên nhân vật mà không có dụng ý. Thế mà cái tên nhân vật chính (thật ra cô bé là Dolores Haze) trong lòng Humbert dường như lại chẳng có ý nghĩa gì, ngoài tính biểu cảm lạ kỳ của nó. Tôi đọc lên tên em, Lo-Li-Ta, và thấy hiện lên một cánh bướm, nhỏ nhắn xinh xinh, cánh màu da trời bay rập rờn trong nắng, thật đẹp và phập phù biết bao. Cũng như em và cuộc đời yểu mệnh của em. Họ có lý khi in cánh bướm xanh ấy lên cuốn sách viết về em.
Lolita không thật sự nên thơ như cái tên nó gợi ra. Xin được thẳng thắn, cuốn sách là lời tự thuật của một kẻ ấu dâm. Trong trường hợp bạn chưa từng đọc nhưng có nghe qua về nó, bạn có thể biết cái tên Lolita hầu như đã trở thành biểu tượng, một danh từ chung chỉ những bé gái tuổi vị thành niên phát triển và thành thục sớm. Humbert, một học giả đứng tuổi, đem lòng yêu một bé gái mười hai tuổi, con riêng của người yêu mình. Gã đã cưới người phụ nữ này để có cơ hội tiếp cận cô bé. Những phần về sau thì xin để dành lại cho bạn với mọi lạc thú khám phá văn chương và những bức bối đạo đức bạn có thể cảm nhận thấy.
Không lạ gì khi từ lúc ra đời vào năm 1955 cho đến tận ngày nay, Lolita luôn gây ra nhiều, rất nhiều tranh cãi, lọt vào 10 tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Một mặt, người ta lên án nó vô đạo đức, cấm đoán in ấn nó chỗ này chỗ kia. Mặt khác, giới nhà văn phần đông lại coi nó là một trong những áng văn chương vĩ đại nhất của thế kỷ, gọi Nabokov là nhà văn trác việt. Qua thời gian, Lolita đã lọt vào danh sách 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại, 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ XX. Wladimir Nabokov (22-4-1899 - 2-7-1977) là người Mỹ gốc Nga, sáng tác bằng tiếng Nga và tiếng Anh với các tác phẩm nổi tiếng như Lolita, Lửa nhạt, Ada hay Ardor… Ngoài ra ông còn là một dịch giả đại tài khi chuyển ngữ các tác phẩm của Puskin và Lermontov sang tiếng Anh. Chất văn trong Lolita đã đạt tới mức kỳ diệu. Nabokov dùng câu chữ như một nghệ nhân điêu luyện, ông đã biến cuốn tiểu thuyết này thành thứ mà những nhà văn đời sau tôn sùng, chưa kể đến chủ đề dữ dội của nó. Humbert thật ra chỉ là một kẻ hết sức tầm thường, nếu không xét đến tâm hồn đầy những mớ gai xù xì của hắn. Lolita cũng vậy. Em nên thơ vì cái tên và số phận hẩm hiu của mình.
Nhiều người nói Nabokov suy đồi khi viết về một nhân vật như thế, câu chuyện như thế. Vậy là không đúng. Chỉ có tinh thần tỉnh táo nhất mới phơi bày chính xác trọn vẹn tâm hồn của một kẻ hoàn toàn bệnh hoạn. Nabokov thì hoàn toàn tỉnh táo và lạnh lùng. Rốt cuộc, tôi vẫn băn khoăn liệu có chút đồng cảm thương xót nào với Humbert của ông không? Chẳng phải chính hắn đã tự biện hộ trước tòa rằng suốt chiều dài lịch sử vẫn có những vĩ nhân được lưu danh kết hôn với những “tiểu nữ thần” của họ đấy thôi. Là thứ pháp luật định danh cho những lề thói xã hội hiện đại đã kết tội hắn, hay thật sự tâm hồn hắn bệnh tật không thuốc chữa? Khó mà nói Nabokov thật sự nghĩ gì, ông chẳng dại nêu ra bất cứ quan điểm nào thương cảm Humbert. Tốt nhất cứ để hắn tự nói về mình. “You can always count on a murderer for a fancy prose style” (bạn luôn có thể trông đợi ở một kẻ sát nhân một văn phong cầu kỳ) - câu này của Humbert thường được dùng in ngoài bìa các ấn bản Lolita. Với Nabokov cũng vậy, ta luôn có thể trông đợi ở ông thứ văn phong cầu kỳ tuyệt mỹ nhất có thể. Humbert và câu chuyện của hắn sẽ còn gây tranh cãi nhiều thế hệ độc giả về sau, cái ranh giới chênh vênh giữa bóng tối tâm hồn và tuyệt mỹ nghệ thuật. Còn Lolita, em vĩnh viễn bất tử. Như chính lời Humbert đã nói ngay ở những dòng đầu câu chuyện, buổi sáng em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi. Mặc quần thụng em là Lola. Ở trường em là Dolly. Trên dòng kẻ chấm em là Dolores. Nhưng trong lòng tôi em lúc nào cũng là Lolita.
LÊ NGỌC TÂN
(*) Lolita, tiểu thuyết của Vladimir Vladimirovich Nabokov viết bằng tiếng Anh và được xuất bản lần đầu vào năm 1955 ở Paris, sau đó được chính tác giả dịch ra tiếng Nga và được xuất bản vào năm 1967 ở New York. Tại Việt Nam, Lolita được Dương Tường dịch, in lần đầu vào năm 2012, tái bản năm 2015, do Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam phát hành.