Đà Nẵng cuối tuần
Giành giải thưởng nhờ mô hình phục vụ nông nghiệp
Với đề tài “nuôi giun quế phục vụ ngành tôm”, nhóm Joule với 3 sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng là Lê Thị Diễm, Lê Huệ Anh và Đinh Thị Bích Thảo (K39 khoa Ngoại thương) đã giành chức vô địch Đà Nẵng Startup Runaway - cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên Đà Nẵng, do Trường ĐH Kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Học viện Công nghệ CORK (Ireland) tổ chức đầu tháng 6 vừa qua.
Nhóm Joule nhận giải vô địch Đà Nẵng Startup Runaway mùa đầu tiên. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Điều thuận lợi nhất của nhóm Joule là trưởng nhóm Lê Thị Diễm xuất thân trong gia đình làm nông ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Khi bắt tay vào thu thập tài liệu phục vụ công việc nghiên cứu đề tài nuôi giun quế, cộng với những chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số trại giun quế lớn trong nước ở Củ Chi, Thanh Hóa, 3 cô gái đã áp dụng ngay vào thực tế là sản xuất giun quế tại trang trại của gia đình Diễm. Khoảng cuối năm 2016, giun quế do các bạn sản xuất sẽ được bán ra thị trường.
Mô hình nuôi giun quế không còn xa lạ ở nhiều địa phương trong nước, nhưng vẫn được ban tổ chức cuộc thi Startup Runaway đánh giá cao do đây là đề tài dễ áp dụng vào thực tế, phục vụ cho ngành nông nghiệp. Giun quế là loại thức ăn rất tốt cho tôm vì chứa hàm lượng protein cao, thức ăn có trộn giun quế giúp tôm phát triển nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn.
Thức ăn cho giun quế chính là mùn bã hữu cơ như phân gia súc và khi giun quế ăn các mùn bã đó lại thải ra phân sạch, không mùi, chứa những vi sinh vật có lợi. Phân của giun quế thả vào ao nuôi tôm giúp môi trường ao nuôi sạch hơn. Các bạn cũng đã thử nghiệm bón phân này trên cây cải bó xôi ở vườn rau sạch Mộc Nhiên (xã Hòa Nhơn), kết quả cho thấy phân của giun quế giúp cây phát triển tốt hơn nhiều so với các loại phân khác (cùng điều kiện chăm sóc các cây như nhau).
Thực tế mô hình của nhóm Joule mất khoảng 50 triệu đồng để thực hiện, và giá trị thu lại được thì có thể gấp nhiều lần con số bỏ ra. Tính hiệu quả của dự án được đánh giá cao và Lê Thị Diễm giành cơ hội được học tập 3 tuần tại Ireland cộng với 10 triệu đồng tiền mặt để nhóm tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ra thành phẩm. Trong khi đó, nhiều đề tài tham gia cuộc thi chủ yếu nghiêng về các ứng dụng trên điện thoại (app), vốn đầu tư quá cao, một sản phẩm chỉ nghiên cứu đã có thể mất tới vài trăm triệu tới cả tỷ đồng.
Thạc sĩ Trương Thị Vân Anh, giảng viên khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế đánh giá cao mô hình của nhóm Joule bởi tính thiết thực, có tính ứng dụng cao. “Hoạt động nghiên cứu không những phát huy sự đam mê, thông minh, sáng tạo, mà còn gắn kết các bạn sinh viên với nhau, tạo tinh thần đồng đội để có những sản phẩm hiệu quả”, Thạc sĩ Vân Anh nói.
Sau thành công tại cuộc thi khởi nghiệp, nhóm Joule còn có khát vọng vươn xa hơn, đó là xây dựng mô hình trang trại sạch, khép kín để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt chuẩn về an toàn thực phẩm.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Đà Nẵng Startup Runaway nhận được 70 ý tưởng kinh doanh táo bạo, mới mẻ và độc đáo của đông đảo các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Các đội tham gia cuộc thi đã có cơ hội học hỏi, giao lưu và gặp gỡ các chuyên gia, những nhà khởi nghiệp thành công thông qua các buổi thực hành và tư vấn. Ban tổ chức đã chọn ra 10 dự án tiềm năng nhất vào vòng chung kết. |
MAI QUẾ