Đà Nẵng cuối tuần

Thương tiếc nạn nhân khủng bố qua biếm họa

07:47, 31/07/2016 (GMT+7)

Ngày lễ Quốc khánh Bastille Day ở Nice, thành phố miền nam nước Pháp vào đêm 14-7 trở thành bi kịch khi tài xế một chiếc xe tải cố tình lao vào đám đông, giết chết 84 người và làm trọng thương nhiều người. Kẻ tấn công được xác định là một người đàn ông Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi, người đã bị cảnh sát bắn sau khi y thực hiện vụ khủng bố tàn bạo. Tổng thống Francois Hollande nói rằng “Đây là vụ khủng bố không thể phủ nhận được, sự khủng khiếp đã đi vào Pháp một lần nữa”.

Chim hòa bình khóc - Biếm họa của Plantu
Chim hòa bình khóc - Biếm họa của Plantu

Hàng ngàn người đã tổ chức các buổi tưởng nhớ những người thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công khủng khiếp ở Nice. Trong số đó có nhiều họa sĩ biếm họa, nhà báo chia sẻ sự thương tiếc này bằng tranh biếm họa trên phương tiện truyền thông xã hội với tên gọi PrayForNice # CryForNice (Cầu nguyện cho Nice # Khóc cho Nice).

Vết máu dài trên phố Nice - Tranh của Mesia
Vết máu dài trên phố Nice - Tranh của Mesia

Bức tranh biếm họa của nghệ sĩ Plantu, báo Le Monde vẽ một con chim bồ câu hòa bình đang khóc ở giữa bản đồ nước Pháp, với một đường băng đen mang tên Nice, che phủ màu đỏ tang tóc ở phía đông nam. Plantu tên thật là Jean Plantureux, sinh năm 1951 tại Paris, Pháp, là họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa chính trị. Tốt nghiệp Trường Lycée Henri-IV. Tác phẩm của ông thường xuyên xuất hiện trong báo Pháp Le Monde kể từ năm 1972.

Trong cuộc triển lãm biếm họa tại thủ đô Tunis, nướcTunisia, họa sĩ Plantu gặp Yasser Arafat, chủ tịch của Tổ chức Giải phóng Palestine. Yasser Arafat rất thích tranh biếm họa của Plantu.

Trái đất xem lại hình ảnh  mình ngày xưa - Tranh của TrivWorks
Trái đất xem lại hình ảnh mình ngày xưa - Tranh của TrivWorks

Carlos Latuff, nhà biếm họa người Brazil vẽ một em bé đang khóc bên cạnh một thi thể gói bọc trong bao. Bức tranh này dựa vào bức ảnh một con búp bê nằm bên cạnh cái bao phủ thi hài một nạn nhân ở Nice. Carlos Latuff, 47 tuổi,  họa sĩ biếm họa chính trị tự do Brazil. Tác phẩm của ông nói tới nhiều chủ đề, bao gồm chống chủ nghĩa tư bản… Carlos Latuff được biết đến với các tranh vẽ miêu tả cuộc xung đột Israel-Palestine, và gần đây là các sự kiện Mùa xuân Ả Rập. Carlos Latuff hiện sống và làm việc tại Rio de Janeiro, Brazil.

Swaha, người Pháp, gốc Lebanon, vẽ tranh biếm họa về khủng bố ở Nice với hình ảnh dấu bánh xe đẫm máu kéo dài trên đường phố. Swaha  kể lại khi cô thức dậy vào nửa đêm và xem tin tức khủng khiếp vừa xảy ra ở Nice. Cô bắt đầu vẽ. Hai tiếng đồng hồ sau bi kịch đó, cô chuyển bức tranh lên mạng.

Họa sĩ Geraint Smith đã phác thảo một giọt nước mắt lớn màu xanh với chữ “Bastille” bên trong rồi chia sẻ bức tranh trên Twitter.

Búp bê khóc - Tranh của Carlos Latuff
Búp bê khóc - Tranh của Carlos Latuff

Một bức khác ký tên “Mesia”, cũng đang được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, tranh vẽ  một cặp dấu chân đẫm máu trên một bờ biển đẹp sơn màu đỏ, trắng và xanh. Tranh của TrivWorks vẽ hình ảnh của một thế giới toàn cầu đang bị thâm tím và rướm máu đang xem lại hình ảnh tươi đẹp, xanh mát vốn có của mình từ trong chiếc hộp… ký ức.

Họa sĩ Jeremy Guy Vine vẽ hình ảnh lá cờ Pháp trong hình dạng một trái tim đã bị thương tật. Jeremy Guy Vine sinh năm 1965, nhà báo và là  người dẫn chương trình tiếng Anh của BBC Radio. Ông được biết đến với phong cách phỏng vấn trực tiếp của mình, và những bài viết về các khu vực chiến tranh tàn phá khắp châu Phi.

Tranh của họa sĩ Jean-Charles de Castelbajac miêu tả thiên thần đang nói với mọi người để “Hãy là Nice” sau sự tàn bạo. Và bức tranh như một thông điệp được chia sẻ trên mạng truyền thông xã hội bằng một bức tranh mang những dòng chữ: “Tôi là Charlie, tôi là Paris, tôi là Orlando, tôi là Brussels, tôi là Instanbul, tôi Nice, tôi là Baghdad, tôi Bangladesh, tôi là “Sốc” thực sự”.

Tranh nghệ thuật hay tranh biếm họa có thể diễn đạt vô cùng mạnh mẽ dù bằng lối vẽ đôi khi đơn giản, thô sơ mà không có lời diễn giải. Ông Ginette Ferszt, một bác sĩ tâm thần học tại Đại học Rhode Island nói “Đó là một tác phẩm biểu đạt một cách nhẹ nhàng, mềm mại để chia sẻ sự đau buồn, và làm giảm bớt cảm giác u sầu và bị cô lập”.

HOÀNG ĐẶNG

.