Đà Nẵng cuối tuần
Tóc nào hãy còn xanh
Bữa nọ, tôi gặp dì ngồi thẫn thờ ngó mông lung tới phía hoàng hôn đang buông chậm. Bàn tay dì mân mê những cọng tóc, xoáy từng chùm vào ngón tay như thể mấy cô con gái lúc phân vân ngại ngùng. Bất giác dì thở dài, dạo này dì tìm tóc đen dễ hơn tìm tóc trắng...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Dì không chồng, không con. Ngày xưa dì là thanh niên xung phong, xông pha bao chiến trường. Hòa bình, người ta cập rập lập gia đình còn dì vẫn một mình lẻ bóng. Có bữa, tận mắt trông thấy một đứa bé vừa chào đời mới hay mình cũng thèm con nít. Vừa lúc ấy giật mình nhìn lại, mái tóc dài quá lưng đã đôi ba sợi bạc. Thế nên chẳng mấy mặn mà tìm một người đàn ông nào đó để cùng già nua.
Mẹ nói, ngó vậy chứ mái tóc dễ làm người ta tổn thương lắm. Như vài năm trước, mẹ được mấy dì bạn khen tóc còn đen, khi mấy dì tóc đã râm ran bạc cứ phải nhuộm đi nhuộm lại không biết bao lần. Rồi một sớm, soi gương thấy những vết chân chim thi nhau vẽ vời lên gương mặt và vài cọng tóc đã thay màu từ chân đến ngọn. Cảm giác chưng hửng, buồn ghê lắm. Mẹ cố làm mặt tỉnh, thì già rồi cũng phải thế thôi như ba bây bạc tóc cách đây mấy năm rồi đó. Tôi tính ngụy biện, tại ba hơn mẹ đến chục tuổi. Ngẫm lại thấy ngậm ngùi quá đỗi, bởi bây giờ hóa ra mẹ đã già kịp ba.
Có lần, tôi đoán sai tuổi tác của một o bán hàng ở chợ, nhìn mái tóc điểm sương gần hết đâu ai nghĩ o chưa tới năm mươi. Vẻ khắc khổ và cơ cực ám ảnh vào từng cọng tóc, khiến chúng xác xơ, bạc màu. Tự hỏi, không biết con cái o có băn khoăn khi nhìn lên tóc mẹ mà cố gắng học hành không phụ công người. Nhiều bạn trẻ bây giờ, tóc mình nhuộm màu mây màu khói hợp thời đại chứ đâu để tâm đến tóc sương của cha mẹ ở nhà.
Tôi luôn thấy xao xác khi bắt gặp những mái tóc chẳng còn xanh, nhất là hay biết người mang mái tóc ấy chưa đến nửa dốc cuộc đời. Ví như năm tháng đã đi quá nhanh, khiến người đó dầu tiếc nuối bao nhiêu cũng không nắm níu được tuổi trẻ bên mình. Thời gian đáng sợ là ở chỗ đó, có điều gì bất biến được đâu.
Chị có mái tóc rất đẹp và dày. Anh bảo yêu chị cũng vì yêu mái tóc trước nhất. Giữa thời buổi bây giờ, mấy cô gái trẻ nhuộm màu này màu khác, uốn xoăn tít thì chị vẫn chung thủy với mái tóc đen nhánh mượt mà tự nhiên. Ngày đưa chị về ra mắt, mẹ anh ưng ý ngay cũng bởi mái tóc. Bà bảo, con gái có được mái tóc ấy hẳn cũng nết na, nét ăn nét ở chắc đằm thắm. Hai vợ chồng cưới nhau, thi thoảng anh không quên luẩn quẩn bên chị lúc chị gội đầu để múc từng gáo nước dội lên suối tóc kia, rồi lấy khăn lau, rồi sấy. Hệt như mái tóc ấy là của anh nữa chứ không riêng mình chị.
Qua tuổi ba lăm, tóc chị bắt đầu rụng, sáng ra quét nhà thấy tóc rơi từng cụm mà chị úp mặt rưng rưng. Những đợt hóa trị sau đó khiến tóc chị rụng dần và trơ không còn một sợi. Anh mua cho chị mấy chiếc mũ xinh xinh khỏa lấp cho mái tóc không còn rồi nắm tay động viên chị gắng qua đợt này, tóc sẽ lại mọc, lại dài mà chẳng may có thế này mãi thì anh vẫn thương. Chị khóc thút thít, lâu nay cứ tưởng anh yêu chị chỉ vì mái tóc đó thôi.
Tóc xanh rời đi khiến người ta hẫng hụt, nghĩ lấm tấm sợi bạc này là minh chứng cho những già nua, cho bệnh tật, cho u sầu. Ngoại hay càm ràm “đói rụng râu, sầu rụng tóc” khi đứa cháu gái chưa tới ba mươi đã tìm thấy trên đầu vài ba sợi bạc, dăm sợi rụng thành nắm, ngoại nhắc nó tươi vui lên tóc xanh sẽ lại về.
Hóa ra, có một cách để người ta ngậm ngùi nhìn lại tháng năm đã đi qua đời mình là đếm những sợi tóc chưa thay màu đổi sắc. Lắm người cố tác động bằng cách này cách khác để tìm lại mái tóc vẹn nguyên của mình nhưng suy cho cùng đâu thể giữ lại tuổi trẻ, giữ lại tình yêu nồng cháy của tuổi hai mươi, giữ lại những chộn rộn của cảm xúc đương thời.
Và những cuộc tình xưa cũng ngậm ngùi trở về bằng thương nhớ khi tóc ta ngả màu. Đi qua bao cuộc tình, ta sẽ biết cuộc tình nào đậm sâu, người nào ở lại tim mình lâu nhất, nên nỗi nhớ cứ thế trân trối quay về, dẫu chẳng thể làm gì ngoài hoài niệm mông lung.
Tưởng rằng người tiếc nuối mơ hồ từ những sợi tóc còn xanh mới hay xuân xanh ấy không bao giờ trở lại.
DIỆU ÁI