.

Trên đường gầy dựng mỹ quan đô thị

.

Nói đến đô thị văn minh hiện đại không thể không đề cập về mỹ quan đô thị. Hai năm liền chọn chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị” làm mục tiêu phấn đấu, người Đà Nẵng càng có ý thức gầy dựng mỹ quan đô thị của thành phố mình. Trên đường gầy dựng mỹ quan đô thị, người Đà Nẵng đã làm được nhiều việc và đương nhiên còn phải làm tiếp nhiều việc nữa, đồng thời nhận thức sâu sắc rằng mỹ quan đô thị không nhất thành bất biến và rất dễ tổn thương, rằng bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu cũng có thể diễn ra những hình ảnh chướng mắt/hành vi phản cảm làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố bên sông Hàn.

Chủ trương phá dỡ tường rào  Công viên 29-3 phía đường Nguyễn Tri Phương đã làm thay đổi diện mạo giữa lòng đô thị.  Ảnh: MINH TRÍ
Chủ trương phá dỡ tường rào Công viên 29-3 phía đường Nguyễn Tri Phương đã làm thay đổi diện mạo giữa lòng đô thị. Ảnh: MINH TRÍ

Không gian công cộng là cốt lõi/là tâm điểm của mỹ quan đô thị. Muốn có mỹ quan đô thị, không gian công cộng ở nội thành phải thông thoáng và không được che khuất tầm nhìn. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay người Đà Nẵng đã nỗ lực gỡ bỏ những gì đang che khuất tầm nhìn. Ví như không thể làm xấu đi cảnh quan đô thị bằng việc trồng mấy cây trụ vươn lên trời cao rồi mặc sức giăng dây giăng cáp chằng chịt hay những banderole tuyên truyền/quảng cáo vắt vẻo ngang đường.

Thành công lớn nhất của người Đà Nẵng trong việc tạo nên sự thông thoáng và không che khuất tầm nhìn đối với không gian công cộng chính là trường hợp Công viên 29 tháng 3. Có thể nói chủ trương phá dỡ tường rào phía đường Nguyễn Tri Phương đã mang lại cho không gian công cộng này một mỹ quan đặc sắc, làm thay đổi hẳn diện mạo của lá-phổi-thiên-nhiên-nhân-tạo giữa lòng đô thị. Càng mỹ quan hơn nữa/đặc sắc hơn nữa nếu như trong tương lai không xa, Đà Nẵng mở thêm được con đường ven hồ nằm đối xứng với đường Nguyễn Tri Phương, nối từ đường Nguyễn Văn Linh sang đường Điện Biên Phủ. Được như thế, chắc chắn Công viên 29 tháng 3 sẽ trở thành một điểm nhấn ngời sáng về mỹ quan đô thị ở Đà Nẵng.

Không gian công cộng không chỉ là cốt lõi/là tâm điểm của mỹ quan đô thị mà còn vĩnh viễn là tài sản chung của cộng đồng, cho nên không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng rất cẩn trọng trong việc ứng xử với không gian ven sông Hàn/trên sông Hàn. Bằng chứng là vào đầu năm 2015, chính quyền thành phố đã dừng chủ trương cho xây dựng một tòa tháp - thực chất là khách sạn trá hình - mang dáng dấp một ngọn hải đăng cao tương đương tòa nhà 25 tầng phía bờ đông sông Hàn. Bằng chứng nữa là đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý do Công ty tư vấn thiết kế Hàn Quốc JiNa Architects.Co.Ltd đề xuất hồi tháng 7 năm 2015 hầu như “phá sản” vì không thể thuyết phục được giới chuyên môn và quan trọng hơn là không thể đáp ứng được mong đợi của người dân…

Đường phố là một loại không gian công cộng đặc trưng của đô thị, vì vậy muốn gầy dựng mỹ quan đô thị, người Đà Nẵng luôn có ý thức hình thành ngày càng nhiều những đường phố đẹp - không chỉ đẹp vào ban ngày mà còn đẹp vào cả ban đêm. Có nhiều cách để làm đẹp đường phố: ngầm hóa dây điện/dây điện thoại/cáp viễn thông ở các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố là một cách; quyết định không cho treo banderole tuyên truyền/quảng cáo băng ngang đường là một cách khác… Rồi việc phân làn xe, hoặc chỉ cho xe lưu thông một chiều, hoặc lắp biển cho phép đỗ xe hơi theo ngày chẵn/ngày lẻ… ở một số tuyến đường không chỉ nhằm đảm bảo an toàn giao thông mà còn là một cách khác nữa để làm đẹp đường phố, gầy dựng mỹ quan đô thị.

Gầy dựng mỹ quan đô thị, người Đà Nẵng còn hết sức chú ý đến mỹ quan trên hè phố. Đà Nẵng đang nỗ lực tạo nên những hè phố đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu tại khoản 5 điều 11 Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị: “phù hợp về cao độ, vật liệu, màu sắc từng tuyến phố, khu vực trong đô thị; hố trồng cây phải có kích th­ước phù hợp, đảm bảo an toàn cho ng­ười đi bộ, đặc biệt đối với người khuyết tật; thuận tiện cho việc bảo vệ, chăm sóc cây”. Tuy nhiên có vẻ như người Đà Nẵng vẫn đang lúng túng trong việc để xe máy/xe đạp ở các vỉa hè hẹp - để về phía hàng rào/cửa nhà tuy thuận tiện về bảo quản và nhờ có mái che nên đỡ phải lo mưa nắng cho xe, nhưng lại không thuận tiện cho khách bộ hành đi lại vì họ buộc phải liên tục bước xuống lòng đường nhằm tránh trụ điện/thùng rác…; ngược lại nếu để về lề đường thì dầu có thuận tiện cho khách bộ hành đi lại song lại làm mất mỹ quan đô thị, bởi chủ nhà thường dùng đủ phương tiện để che mưa nắng cho xe. Như vậy muốn gầy dựng mỹ quan đô thị, Đà Nẵng không chỉ tính toán đến chỗ đỗ xe hơi mà còn phải tính toán đến chỗ để xe máy/xe đạp - nhất là trong giai đoạn chưa thể phát triển đúng mức các phương tiện giao thông công cộng nhằm hạn chế xe máy.

Cũng nhằm tạo mỹ quan hè phố, đầu tháng 6 năm 2016, Đà Nẵng thí điểm “đồng phục hóa” mái che nắng mưa trên các tuyến phố ở quận Hải Châu, qua đó đối với tuyến đường có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, thống nhất sử dụng mẫu mái che có khung bọc aluminium, mặt dưới mái che cách cao độ vỉa hè 3,5m, mặt trên dốc về phía lòng đường để thoát nước, độ vươn không quá 3m so với chỉ giới xây dựng, cách mép vỉa hè tối thiểu là 1m, và đặc biệt trên một đoạn phố chỉ sử dụng một màu mái che. Cái khó của Đà Nẵng trong việc thiết kế một mẫu mái che thống nhất là do chưa có sự đồng bộ về kiến trúc đối với từng đoạn phố - phổ biến là các nhà mặt tiền được xây dựng cao/thấp, lồi/lõm, với màu sắc/kiểu dáng khác nhau. Mỹ quan đô thị vừa dị ứng với sự tạp nham lại vừa xa lạ với sự đơn điệu về kiến trúc, chính vì vậy quy định trên một đoạn phố - chứ không phải trên cả tuyến phố, càng không phải trên mọi tuyến phố - chỉ sử dụng một màu mái che cũng có thể được xem là phù hợp với đòi hỏi vừa nêu của mỹ quan đô thị…

Trên đường gầy dựng mỹ quan đô thị, điều đang làm cho Đà Nẵng lúng túng nhất hiện nay chính là tình trạng quảng cáo/rao vặt bừa bãi sai quy định trên đường phố. Quảng cáo/rao vặt là một nhu cầu có thật và cũng chính đáng của người dân, vấn đề là làm sao thỏa mãn được nhu cầu đó mà không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Muốn giải bài toán khó này, đòi hỏi người Đà Nẵng phải có cách xử lý căn cơ hơn, bởi không thể cứ lâu lâu lại phát động một đợt ra quân tháo gỡ, cạo xóa để rồi không bao lâu sau mọi việc vẫn… như cũ, vẫn đâu vào đấy, mỹ quan đô thị vẫn tiếp tục bị xâm hại. Đã từng có giải pháp lắp đặt bảng chuyên dụng về quảng cáo/rao vặt miễn phí ở một số nơi công cộng nhưng vị trí lắp đặt chưa phù hợp với yêu cầu quảng bá thông tin nên hiệu quả không cao, do vậy vẫn chưa thể ngăn chặn nổi tình trạng quảng cáo/rao vặt bừa bãi sai quy định rất đáng buồn kia…

Mỹ quan đô thị còn bị xâm hại bởi những hình ảnh chướng mắt/hành vi phản cảm trên đường phố, chẳng hạn như cảnh phơi phong quần áo nhếch nhác ở một số căn hộ mặt tiền, như cảnh xe cộ phóng nhanh/giành đường/vượt ẩu vi phạm luật giao thông, như cảnh hồn nhiên giải quyết “nỗi buồn” thậm chí ở ngay chỗ có gắn biển “cấm phóng uế”, như cảnh phô trương bảng hiệu thiếu tinh thần tự tôn dân tộc ở một số hàng quán dọc đường, hoặc đáng quan ngại hơn như cảnh đám du khách vô văn hóa người Trung Quốc đồng tình hà hiếp một phụ nữ Đà Nẵng bán chuối rong trên đường Phan Châu Trinh hôm nào… Rõ ràng cái đẹp thường mỏng manh, và như đã nêu ở đầu bài viết này, mỹ quan đô thị rất dễ tổn thương, bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu cũng có thể diễn ra những hành vi phản cảm/hình ảnh chướng mắt làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Chính vì thế, gầy dựng mỹ quan đô thị nói chung đã rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, ngăn ngừa hạn chế những hành vi phản cảm/hình ảnh chướng mắt làm tổn thương mỹ quan đô thị lại càng đòi hỏi mọi người phải chủ động và tích cực vào cuộc, nhất là các cơ quan chức năng về quản lý đô thị!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.