Đà Nẵng cuối tuần
Những công trình phủ bóng thời gian
Những công trình phủ bóng thời gian, tiêu biểu cho những phong cách kiến trúc mẫu mực, kinh điển là một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, có chiều sâu của mỗi thành phố, quốc gia. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa với một thành phố trẻ như Đà Nẵng.
Ông Võ Văn Thắng cho biết, trong lần nâng cấp, mở rộng lần thứ tư, các đặc trưng kiến trúc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm từ thuở sơ khai được lưu giữ nguyên vẹn. Ảnh: T.T |
Viên ngọc kiến trúc, văn hóa
Chúng tôi đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong những ngày công trình văn hóa này đang được gấp rút hoàn thiện việc cải tạo nâng cấp, sau đúng 100 năm xây dựng, phát triển. Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng hồ hởi cho biết, đây là lần cải tạo, nâng cấp thứ tư, kể từ năm 1915. Trước đó, Bảo tàng này đã trải qua các lần tôn tạo, mở rộng vào những năm 1935-1936, năm 1970 và lần gần nhất là năm 2002. Điều đáng mừng, ở lần nâng cấp thứ tư này, không chỉ giúp “viên ngọc quý” mở rộng không gian trưng bày, nhà làm việc mà điều quan trọng sẽ “xử lý triệt để” những hạn chế còn tồn tại của những lần cải tạo trước đó. Và quan trọng nhất, những đường nét, phong cách kiến trúc, trang trí mẫu mực từ thuở sơ khai của tòa nhà Bảo tàng sẽ được giữ lại nguyên vẹn.
Với các chuyên gia, Bảo tàng Điêu khắc Chăm không chỉ có giá trị khảo cổ, mỹ thuật điêu khắc mà còn là một công trình kiến trúc, văn hóa tiêu biểu, mẫu mực đầu thế kỷ XX. Tác giả Võ Văn Dật trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), cho rằng Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XX là thành phố sống về thương mại. Vì vậy, những nhân tố cho hoạt động văn hóa và cơ quan văn hóa rất hạn chế so với Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Vậy mà ở đây lại có một cơ sở văn hóa nổi tiếng, ấy là Cổ viện Chàm - Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày nay thực là “một điều đáng kinh ngạc”!
Xung quanh quá trình hình thành, tên gọi của công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo này có nhiều điều thú vị: Công trình được khởi đầu từ một công chức cai trị có tinh thần hiếu cổ. Đó là Charles Lemire, Công sứ tỉnh Quảng Nam. Charles Lemire bắt đầu cất công sưu tập những di tích của Vương quốc Chàm ở Quảng Nam từ năm 1891.
Đến năm 1895, bộ sưu tập của Lemire lên đến 90 cổ vật điêu khắc trên đá sa thạch, được quy trí một cách tự nhiên và mỹ thuật tại một khu vườn cây cối tươi mát ở Đà Nẵng. Vượt qua những trở ngại về tài chính và hành chính, vào năm 1915, nhà cầm quyền thuộc địa đã cho khởi công xây dựng Viện Bảo tàng. Ban đầu, người Pháp đặt tên cho công trình văn hóa này là Chams au Musée de Tourane (Viện Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng) sau là Viện Bảo tàng Đông Dương, ngành cổ tích Chàm.
Mặc dù công trình nền móng là của Lemire, nhưng ngày nay nhắc tới Cổ viện Chàm người ta thường chỉ biết có Henri Parmentier. Năm 1936, bảo tàng có tên chính thức là Bảo tàng Henri Parmentier, còn Cổ viện Chàm là do người Việt Nam đặt. Là một chuyên viên có hạng của Trường Viễn Đông Bác Cổ, Henri Parmentier đã có công trình tìm tòi, nghiên cứu để xác định nguồn gốc, niên đại và ý nghĩa của các cổ vật từ đó, hệ thống hóa và trưng bày một cách khoa học, mỹ thuật và ý nghĩa.
Gìn giữ vẻ đẹp trăm năm
Nhắc đến những công trình kiến trúc mang vẻ đẹp cổ xưa của Đà Nẵng không thể không nhắc đến Tòa Thị chính Đà Nẵng từ thời Pháp thuộc. Trưa ngày 29-3-1975, quân Giải phóng đã cắm cờ trên nóc tòa nhà này, đánh dấu thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Sau đó, nơi đây trở thành trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), rồi trở thành trụ sở UBND thành phố Đà Nẵng từ năm 1997 và nay là trụ sở mở rộng của HĐND thành phố, từ số 42 - 46 Bạch Đằng tạo nên một quần thể kiến trúc Pháp cổ hiếm hoi còn hoàn chỉnh và đẹp nhất Đà Nẵng hiện nay. Vì vậy, cách đây mấy tháng, trước tin đồn về việc khu nhà đất 42 Bạch Đằng sẽ là nơi đặt Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, các cấp lãnh đạo thành phố đã khẳng định “đó là chuyện không thể xảy ra” và sẽ “bảo vệ đến cùng” tòa nhà HĐND thành phố!
Quyết tâm bảo vệ đến cùng tòa nhà từng là trụ sở UBND thành phố của các cấp lãnh đạo khiến người ta nhớ lại cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Rồng bắc qua sông Hàn, gần vị trí Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cách đây hơn 10 năm (2005). Khi đó, nhiều người đã từng lo sợ rằng, liệu cây cầu mới có “nhét Bảo tàng xuống gầm cầu?”, hoặc khiến cảnh quan xung quanh bảo tàng không còn độ lùi phù hợp?... Nhưng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc thi, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nêu rõ: “Về nguyên tắc, phải tôn vinh Bảo tàng Điêu khắc Chăm lên chứ không được làm cho xấu đi”. Mặc dù khi đó có khá nhiều phương án hấp dẫn, nhưng vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến tầm nhìn đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nên tất cả đều phải gác lại.
Cho đến năm 2012, khi cầu Rồng chính thức thông xe, với điểm dừng tại nút bùng binh đường Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, cây cầu đã nhanh chóng trở thành một điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan mới của Đà Nẵng, nhưng không hề ảnh hưởng đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Để thấy rằng, quyết tâm gìn giữ những vẻ đẹp trăm năm của thành phố luôn được các thế hệ lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và hiện thực hóa bằng những động thái quyết liệt.
Sân Trường tiểu học Phù Đổng - ngôi trường 126 tuổi, những ngày cuối hè vẫn sạch sẽ, tinh tươm. Đi giữa hai hàng cổ thụ tỏa bóng mát rượi, lắng nghe tiếng chim ríu rít, tự do nô đùa trong khoảng không sân trường, cảm giác bình yên đến lạ. Dù nghỉ hè, nhưng thầy Nguyễn Tăng Hoa - Hiệu trưởng nhà trường vẫn hằng ngày rảo bước khắp sân trường.
Ngôi trường được thành lập từ năm 1890, từ đó đến nay trải qua các tên gọi lần lượt là: Trường Pháp - Việt Đà Nẵng, Trường Nam Đà Nẵng, Trường tiểu học Đà Nẵng, Nữ tiểu học Đà Nẵng, Trường cấp 1, cấp 1, 2, Trường Phổ thông cơ sở Đà Nẵng và Trường tiểu học Phù Đổng. Hiện khuôn viên trường rộng 6.000m2, đóng tại 34 Yên Bái. Chị Phan Thị Kiên – làm công việc vệ sinh tại trường gần 8 năm nay nói rằng, mỗi ngày chị luôn cảm thấy tự hào khi công việc của mình góp phần làm cho ngôi trường cổ nhất Đà Nẵng ngày thêm sạch, đẹp.
Việc thống kê, đánh giá giá trị những công trình kiến trúc cổ Đà Nẵng, tính đến nay vẫn chỉ có Đề tài khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng công bố năm 2006 là đáng kể. Công trình nghiên cứu chuyên đề do Sở Xây dựng Đà Nẵng quản lý đề tài, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng phối hợp thực hiện. Theo thống kê của tác giả đề tài khoa học này, hiện Đà Nẵng có 16 công trình công cộng được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu, cổ truyền và Đông Dương vào khoảng từ năm 1900 đến năm 1954 hiện còn giá trị sử dụng. |
“Thật khó để hình dung đường Bạch Đằng – Liệu có còn là con đường đẹp nhất Đà Nẵng nếu không có sự hiện diện của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Tòa Thị chính, những ngôi nhà cổ…? Dù Đà Nẵng có tổ chức bao nhiêu cuộc thi thiết kế cảnh quan dọc sông Hàn, có bao nhiêu tòa nhà hiện đại, rực rỡ sẽ mọc lên đi nữa thì tất cả cũng không thể thay thế những vẻ đẹp kiến trúc thuộc vào hàng mẫu mực, cổ điển, tiêu biểu cách đây hàng trăm năm. Xưa những không bao giờ cũ!” (Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng) |
THANH TÂN