Đà Nẵng cuối tuần
Sân ga lưu dấu
Từ khi Ga Đà Nẵng được khánh thành năm 1902, người ta thấy xuất hiện một loại xe mới lầm lũi chạy trên đường sắt. Xe chạy bằng than, phì phò phun khói mù mịt, thỉnh thoảng phụt lên những tàn lửa nên người dân cứ “xe lửa” mà gọi. Dần dần dân gian có thêm câu ca mới: “Ai kêu ai hú tê tề/ Hay là xe lửa đà về tới ga?”.
Cảnh “đưa đón kẻ đi về” ở Ga Đà Nẵng. Ảnh: N.H |
Cả một vùng đất bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên. Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn/ Dưới sông tàu chạy, trên đàng hỏa xa. Cái cảnh xe lửa chạy “trên đàng hỏa xa” rộn ràng đầy ấn tượng của những năm đầu thế kỷ XX ấy bây giờ đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân Đà Nẵng. Hơn một thế kỷ qua, thời gian có thể làm thay đổi diện mạo từ lối kiến trúc xưa đến quy mô của một nhà ga hiện đại qua bao lần sửa chữa và xây dựng nhưng cái hồn “muôn năm cũ” của Ga Đà Nẵng vẫn còn đâu đó trong ký ức cư dân Đà thành.
Đà Nẵng ngày trước có hẳn hai nhà ga xe lửa. Một nhà ga chính (trung tâm) mang tên Gare de Tourane-Central, tức Ga Đà Nẵng hiện nay. Một nhà ga phụ ở chợ Hàn, gọi là Gare de Tourane-Marché. Để phân biệt, thị dân gọi ga chính là Ga Lớn, ga phụ là Ga Chợ Hàn. Sở dĩ có ga chính, ga phụ vì thời đó trung tâm thành phố, nơi tập trung bến cảng, kho hàng và cơ sở kinh doanh của các hãng buôn hầu như nằm trên Quai Coubert (đường Bạch Đằng ngày nay). Lúc đầu, Ga Chợ Hàn chỉ vận chuyển hàng hóa về ga chính, mãi đến tháng 6-1913 mới chở thêm hành khách. Đến những năm 90 thế kỷ trước, nhà ga sát bên sông Hàn này bị phá dỡ để mở rộng đường Bạch Đằng.
Ga Đà Nẵng là một trong 3 ga trung tâm của tuyến đường sắt Việt Nam và là niềm tự hào của nhân dân Đà Nẵng. Đoạn đường sắt chạy qua thành phố trải dài gần 30km với nhiều ga phụ như Hải Vân Nam, Kim Liên, Thanh Khê rồi đến ga trung tâm Đà Nẵng. Tại đây, nhà ga đón đưa khoảng 80 chuyến tàu Bắc Nam xuôi ngược hằng tuần với một số lượng khách tương đối “khủng” góp phần tô điểm cho diện mạo một Đà Nẵng năng động, trẻ trung.
Nếu ví cuộc đời con người như một sân ga mà những biến cố chính là những chuyến tàu đến rồi đi vội vã thì có thể nói Ga Đà Nẵng là một phần cuộc đời của thành phố. Bởi hơn một trăm năm qua, nhà ga đã chứng kiến những thăng trầm, biến cố mang tính lịch sử của mảnh đất đầu sóng ngọn gió. Tháng 3-1932, nơi đây đã diễn ra phong trào đấu tranh của công nhân xe lửa Đà Nẵng - Nha Trang...
Ga Đà Nẵng còn là nơi ghi dấu những vui buồn, những gian truân trong cuộc mưu sinh của một bộ phận người dân Đà thành. Nhiều gia đình đã gắn bó cha truyền con nối với nhà ga. Đời cha làm thợ hỏa xa dưới thời Pháp thuộc, đến đời con trai nối nghiệp làm thợ máy xe lửa thời chống Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước, cháu chắt đều trở thành lái tàu, kỹ sư đường sắt. Đàn ông, trai tráng thì đi xe ôm, khuân vác. Đàn bà, con gái thì bán buôn đủ thứ...
Vì vậy, khi nghe có kế hoạch di dời Ga Đà Nẵng nhiều người dân không khỏi băn khoăn lo lắng, bởi như thế sẽ có rất nhiều người mất kế sinh nhai. Còn một lẽ khác, hàng trăm năm nay tiếng còi tàu trải dài trên những đường ray gợi lên biết bao xúc cảm với những chuyến xe đi về nhộn nhịp. Sẽ rất buồn nếu bỗng dưng vắng lặng...
Tuy nhiên, nhìn ở tầm vĩ mô lại có đầy đủ lý do để di dời Ga Đà Nẵng ra vùng ngoại vi thành phố. Dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng: “Ngày trước do điều kiện phát triển, nhà ga buộc nằm trong nội thành. Tuy nhiên, khi di dời nhà ga này cũng cần phải có một thái độ ứng xử phù hợp với địa điểm cũ. Tức là cần có một hình thức bảo tồn những gì đã gắn liền với văn hóa lịch sử như dành lại một khoảng để làm bảo tàng ngoài trời, một tấm bia di tích thông báo rằng ở đây từng là địa điểm của nhà ga Đà Nẵng để trăm năm sau con cháu còn biết đến, đó cũng là một cách để giữ gìn lịch sử…”.
Đây không chỉ là trăn trở của một nhà nghiên cứu mà còn là tâm tư nguyện vọng của người dân. Bến xe, sân bay, nhà ga... không chỉ là mạng lưới giao thông phục vụ việc đi lại của con người, vận tải hàng hóa mà còn là nỗi nhớ, niềm thương, là biểu tượng của văn hóa, lịch sử của một thành phố. Từ năm 1937, trong bài “Những bóng người trên sân ga”, nhà thơ Nguyễn Bính đã trải lòng ở khổ thơ cuối: Tôi đã từng chờ những chuyến xe/ Đã từng đưa đón kẻ đi về/ Sao nhà ga ấy sân ga ấy/ Chỉ để cho lòng dấu biệt ly? Với Ga Đà Nẵng, nếu có thay đổi, hãy có “một thái độ ứng xử phù hợp” để trăm năm nữa cháu con còn biết đến một nơi tiền nhân từng để lại dấu biệt ly trong lòng...
NHƯ HẠNH