Đà Nẵng cuối tuần
Sáu xứ đất Hàn
Dù có tên hành chính hẳn hoi là Đà Nẵng hoặc Tourane thời là “nhượng địa” của Pháp, một thời nơi đây vẫn được dân gian gọi là Hàn với những xứ đất đi vào đời sống tâm linh của người bản xứ.
Mộ Bà Thân trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: V.T.L |
Ngày trước, tên gọi Hàn chỉ đất Đà Nẵng, Phố chỉ Hội An: Kìa ai từ Phố ra Hàn/ Đi qua Vĩnh Điện nhớ đàng Giáp Năm. Khi Đà Nẵng tạm thời “đổi tên” thành Tourane theo cách gọi người Pháp thì địa danh ngắn gọn vừa mang tên sông vừa mang tên đất này vẫn bất di bất dịch: Tai nghe lính rút ra Hàn/ Thiếp gửi cho chàng một cục đường rim... hoặc Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân… Kể từ ngày Tây lại đất Hàn…
Bên tê Hà Thân...
Việc tên sông tên đất “hòa” làm một như trường hợp sông Hàn, đất Hàn không hiếm. Và, cho dù có trải qua bao biến thiên lịch sử, những gì đã bám rễ vào tâm thức dân gian vẫn mãi lưu truyền qua các thế hệ mai hậu, đặc biệt là tên đất.
Chạy dọc phía hữu ngạn sông Hàn là một xứ đất rộng lớn có tên xứ Hà Thân, nay là địa phận quận Sơn Trà. Ngày trước vùng này được chia thành 4 xứ nhỏ là Hà Thân hạ xứ, Hà Thân trung xứ, Hà Thân thượng xứ và Hà Thân hậu xứ. Các xứ nhỏ này lại chia ra các xứ... nhỏ hơn nữa như: Bà Mật, Vũng Chấp (nay thuộc phường Thọ Quang), Cồn Nhạn (nơi chim nhạn bay về, phía Nam cầu Thuận Phước, phường Nại Hiên Đông ngày nay), Bà Lũy, Vĩnh Vông (phường Mân Thái), Bà Đa (phường Mỹ An)…
Nhiều tài liệu cho rằng cách gọi Hà Thân là không chuẩn, đúng ra phải là Bà Thân. Nhà nghiên cứu sử học Võ Văn Dật từng cất công đi điền dã qua làng An Hải trước năm 1975, đã chỉ ra sự nhầm lẫn này ở trang 36 cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975)” (NXB Nam Việt, CA, 2007): “Ở đây tưởng cũng cần nói rõ về một sai lầm địa danh mà trải bao đời không ai sửa đổi nên đã trở thành nếp trong sách vở cũng như trên cửa miệng mọi người.
Ấy là việc mọi người đều gọi là Hà Thân mà không gọi là Bà Thân. Theo vài bô lão trong làng mà tôi có dịp tiếp xúc thì Bà Thân nguyên là một trong các tiền hiền của làng An Hải, rất có công với làng (hiện làng vẫn còn thờ) do đó dân mới gọi địa phương của họ là xứ Bà Thân. Bà cũng có công lập chợ, lập bến đò nên có chợ Bà Thân, bến đò Bà Thân. Người nơi khác và lớp hậu sinh không hiểu điều đó nên chế tác thành Hà Thân, từ đó trở thành quen”.
Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng cũng ghi rằng Bà Thân vốn họ Bà (một trong 7 tộc của người Chăm), tên Thân, là người có công đầu trong việc khai phá vùng đất hữu ngạn sông Hàn, lập làng An Hải. Bà Thân lặn lội khắp nơi trồng cây tràm, cây thông (dương liễu) để vùng đất trơ trụi này không biến thành hoang mạc. Công đức to lớn của vị tiền hiền làng An Hải này còn để lại dấu tích qua những làng mạc dần trù phú, những rừng tràm, rừng thông còn tồn tại cho đến trước Cách mạng Tháng Tám-1945. Tuyến đường Ngô Quyền chạy dọc theo chiều dài của vùng đất phía Đông sông Hàn ngày nay vốn chỉ là một hương lộ xẻ ngang qua những cánh rừng thông, nên bấy giờ dân gian gọi là đường Cây Thông.
... Bên ni Hàn
Ngoài xứ Hà Thân, còn có 5 xứ phía tả ngạn sông Hàn.
Xứ Giếng Bộng, gọi thế vì nơi này có một giếng nước ngọt mát dùng cho cả vùng. Đến thời Pháp thuộc, Đà Nẵng vẫn chưa có nước máy nên giếng vẫn còn là nguồn nước hữu ích. Xứ Giếng Bộng ở làng Nại Hiên xưa, nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương trong bài viết “Con rồng trong văn hóa Việt Nam” kể rằng làng này đã dựng một chùa thờ Phật mà dân trong vùng thường thấy Đức Phật xuất hiện tại đây dưới dạng đầu Rồng.
Vì vậy, vua Lê Thần Tông năm 1657 đã sắc phong đặt tên chùa là Long Thủ tự, nghĩa là chùa Đầu Rồng. Trong cuộc nội chiến Nhà Nguyễn – Nhà Tây Sơn, chùa này bị hư hại nặng. Năm 1825, vua Minh Mạng đã cấp một số bạc để sửa lại chùa. Đến năm 1935, vua Bảo Đại đã đặt tên mới cho chùa là An Long tự (chùa An Long) và tên gọi này còn tồn tại đến nay.
Ngay sát bên chùa An Long là Bảo tàng Điêu khắc Chăm nổi tiếng và gần đó có một lò mổ gia súc. Lò mổ cũng không kém nổi tiếng vì cấp thịt cho toàn Đà Nẵng nên con đường đi qua đó có tên là Rue d’Abattoir (đường Lò Mổ). Năm 1956, Rue d’Abattoir được đổi thành đường Tiểu La. Năm 1997, do việc mở rộng đường 2 Tháng 9, đường Tiểu La cũ nối với đường 2 Tháng 9; đường Tiểu La mới được đặt tên cho đoạn nối từ đường 2 Tháng 9 đến đường Nguyễn Hữu Thọ.
Chùa và bảo tàng giờ vẫn còn trên xứ Giếng Bộng xưa, đường Lò Mổ giờ chỉ còn trong ký ức của một số người, nhưng cái giếng Bộng đi vào tên xứ đất đến nay vẫn còn trong khuôn viên Trường mầm non Ánh Hồng bên đường Trưng Nữ Vương. Theo mô tả của một số tài liệu thì giếng này được xây dựng “dưới vuông, trên tròn”, nhưng khi tìm đến nơi vào tuần rồi người viết thấy “trên vuông”, mặc dù nước giếng vẫn được dùng qua một máy bơm nhưng miệng giếng đã được đậy kín bởi một tấm đan bê-tông. Nhà trường đang cho xây một cầu thang lộ thiên lên tầng trên và nay mai sẽ che khuất cái giếng vang bóng một thời này.
Theo mô tả của tác giả Võ Văn Dật trong sách đã dẫn, Đà Nẵng xưa còn có 4 xứ nữa. Xứ Bàu Lác xưa có nhiều cỏ lác, nay thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê; về sau, người ta phá lác một vài nơi và trồng sen thay vào. Xứ Rẫy Cu nguyên là vùng có nhiều lùm bụi, nơi lý tưởng cho loài chim cu đất sinh sống và là nơi hội tụ các tay say mê trò gác cu, nay thuộc địa phận các phường Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây. Xứ Trèm Trẹm (có tài liệu ghi là Tràm Trẹm) nằm dọc sông Hàn ở đông bắc, thuộc các phường Thạch Thang, Thuận Phước. Các tác giả Lê Duy Anh – Lê Hoàng Vinh, trong cuốn Lần giở lịch sử văn hóa miền Thuận - Quảng (NXB Đà Nẵng, 2004. tr.38-39) giải thích rằng Trèm Trẹm nguyên xưa có tên là Cồn Trạm, nơi tập trung hàng hóa của thương nhân các nước trước khi trung chuyển hàng hóa đi các nơi.
Cuối cùng là xứ Đà Nẵng, là vùng trung tâm thành phố ngày nay, phần lớn nằm trên địa bàn các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2.
6 xứ Đà thành xưa giờ chỉ còn vang vọng trong văn hóa tâm linh của những vị cao niên. Ông Đặng Hòa, chủ tàu Du lịch Hàn Giang, kể rằng, ông nội ông khi xưa là Khuôn hội trưởng Khuôn hội Phật giáo chùa Hòa Tiên, nay thuộc địa bàn phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông cụ mỗi khi đi tế lễ ở đâu trên đất Hàn bao giờ cũng khấn tên gọi dân gian gắn liền với xứ đất nơi đó. Khi những bậc trưởng thượng này về với tổ tiên, liệu còn có mấy người nhớ đến những xứ đất của một Đà Nẵng xưa?...
VĂN THÀNH LÊ