Đà Nẵng cuối tuần
THẾ GIỚI QUA ẢNH
Loài vật thay đổi thói quen sống
16:45, 05/08/2016 (GMT+7)
Biến đổi khí hậu là một trong những đề tài được thế giới bàn thảo nhiều nhất trong vài năm trở lại đây. Mới đây nhất, từng nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu sâu hơn sự tác động vào từng loài vật vì sự thay đổi của khí hậu.
Mòng biển ăn thịt đồng loại. Các nhà nghiên cứu khoa học ở Pacific Northwest, tiểu bang Washington (Hoa Kỳ) cho biết tình trạng đáng báo động: Khi nhiệt độ nước biển tăng lên, phù du rơi xuống nước sâu hơn khiến cho mòng biển mất dần thức ăn ở vùng nước cạn nên có thể chuyển sang ăn thịt lẫn nhau. |
Cá tăng cường tự vệ. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho biết, bình thường, cá sẽ điều chỉnh mức độ tự vệ vào ban đêm, do nồng độ CO2 trong nước biển đạt mức cao nhất. Bây giờ, đại dương đã chịu sức tác động của quá trình acid hóa ngày càng mạnh nên cá gần như chuyển qua chế độ tự vệ ban đêm 100%. |
Chim cánh cụt tí hon ít đẻ trứng. Nghiên cứu của Trường Đại học Murdoch (Úc) cho thấy, loại chim cánh cụt tí hon tại Công viên biển Shoalwater đã thay đổi thói quen sống rất nhiều. Từ năm 2010 tới 2015, loại chim này ít đẻ trứng do nhiệt độ nước biển lên cao. Nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm, chúng phải đi kiếm ăn xa hơn, xuống tận vịnh Geographe và kéo dài hơn 10 ngày. |
Ổ dịch bệnh than bùng phát sau... 75 năm vì băng tan? Trang tin abc.net.au vừa cho biết ổ dịch bệnh than ở Siberia làm chết 2.300 con tuần lộc, khiến hơn 70 người phải nhập viện. Nguyên nhân bùng phát ổ dịch này được cho là băng tan làm lộ xác một con tuần lộc có vi khuẩn bệnh than cách đây 75 năm. |
ANH THƯ (Theo Grist.org, Ibtimes.com, Phys.org và Abc.net.au)