Đà Nẵng cuối tuần

TRUYỆN NGẮN

Cưới nhằm cơn lũ

07:27, 28/08/2016 (GMT+7)

1. Nhà ngoại Khôi nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, mùa hè nắng luênh loang trải từ phía cái ao đàng trước nhà, chảy dọc theo hàng keo xanh ngắt, vào sân, ra sau vườn rồi đọng lại trên những tán dừa sà bóng xuống cái ao suốt ngày chao chát lũ vịt đủ thứ tuổi. Và gió, gió cứ ngùn ngụt thổi, hất hơ suốt ngày này tháng nọ, mát lạnh. Nhưng chẳng ăn thua gì so với những cơn gió bấc cứ như muốn thổi tung cả mùa đông qua... bên kia trái đất! Mùa nước về, nhà ngoại biến thành ốc đảo giữa minh mang nước. Trời trên cao cứ như muốn sà xuống cùng với nước, thật gần.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhà ngoại mùa nước về cứ mỗi bước là phải lên ghe. Cho nên cả mẹ Khôi và các dì các cậu ai cũng đều chèo ghe rành sáu câu, cả chuyện bơi lội cũng thế, khỏi chê. Nhà ngoại nuôi vịt đã thành nghề, quanh năm đủ các lứa các chủng loại vịt cho nên mùa nước về các dì và cậu của Khôi phải thức trắng đêm giữ cho được các đàn quân vô tổ chức kỷ luật ấy, hễ mất con nào là không thể nào yên với ngoại! Mà cái loại “oan ương” ấy hễ thấy nước là ôi thôi rồi, có thánh mới giữ nổi! Vậy mà các cậu, các dì vẫn “quản” bọn nó đâu vào đấy cả! Có lần Khôi hỏi mẹ rằng sao ngoại lại làm nhà chơ vơ giữa đồng ,mẹ Khôi chỉ lắc đầu bảo con hỏi ngoại ấy! Hỏi ngoại, ngoại bảo ở giữa đồng cho mát! Cánh đồng Lung Trâu ấy vốn trũng vì thế muốn làm nhà phải đắp thêm bao nhiêu là đất mới thành nền được.

Người ta bảo với Khôi rằng ngoại đã gánh hai cái ao bự tổ chảng và một con mương dài ngoẵng để đắp nền nhà đấy! Với đôi trạc tre và chiếc đòn gánh trên vai ngoại gánh gần cả đời mình mới nên cơ ngơi ấy. Chỉ để ở cho mát thôi sao? Sau này ông Cửu Hườn bảo ngoại mầy dân ngụ nên làm gì có đất thổ mà làm nhà ở? Có được cái điền ấy để đắp đất làm nhà là phước ba đời rồi. Ông bảo ruộng thổ ao đìa trâu bò cũng từ đôi vai và đám vịt của ông ngoại mày đấy! Ông mày “ngoi lên từ đất” đấy mà! Có ai bảo phải bầu một người nông dân chánh hiệu đại diện vùng này chắc chẳng còn ai ngoài ngoại Khôi! Ở đó đầy ắp tuổi thơ của Khôi, của mấy anh em Khôi. Kèm với con đường từ ruộng vào ngõ là một hàng keo xanh tốt quanh năm.

Là chỗ chơi trốn tìm của lũ cháu nội cháu ngoại bọn Khôi mỗi lần nhà có giỗ hay chạp mả. Có thể làm nhà dựng quán bán hàng đều được cả. Bảy tám cây ổi cổ thụ ra trái quanh năm luôn thu hút những ánh mắt thèm thuồng của bầy trẻ. Thơm nhà ngoại trồng thành rào quanh vườn, cứ đến mùa lại chen chúc quả lớn quả nhỏ. Rồi mãng cầu, rồi dừa, rồi nhãn... không thiếu thứ gì. Nên được về ngoại cứ như được lên thiên đường. Nếu như chỗ của ông ngoại và các cậu các dì của Khôi là cánh đồng với trăm thứ việc có tên và không tên thì cái chỗ không rời ra của bà ngoại là cái bếp luôn đỏ lửa quanh năm. Vóc dáng ngoại không thể vừa với những công việc của mọi người.

Mẹ Khôi có lúc cười bảo công việc nhọc nhứt của bà ngoại mi là gánh hai cái tĩn từ ao vào bếp, mà phải lưng lưng mới ổn! Chừng như quanh năm ngoại luẩn quẩn với “cái giang san” chật hẹp của mình. Họa hoằn lắm mới chịu “xuất ngoại” một chuyến nếu nhà các cậu dì hay nhà Khôi có “đại sự”. “Rinh” được bà ngoại ra khỏi nhà luôn là kỳ tích và là niềm vui của mọi người. Chưa bao giờ thấy ngoại đi chợ kể cả lúc nhà có giỗ quảy. Mọi chuyện chợ búa ngoại khoán cho mẹ Khôi và các dì. Thế nhưng chuyện gì ngoại cũng biết, nhất là... giá vàng! Không hiểu từ nguồn nào? Ngay từ năm 77, 78 ngoại đã biết tình hình quấy phá của bọn Khơ me đỏ ở biên giới phía Nam rồi! Hồi ấy, đang học đại học ngoài phố, trong một lần về quê ghé thăm, ngoại bỗng ngoại kéo đầu Khôi thì thầm vào tai: “Con có biết bọn Miên qua cướp đất của mình chưa?”.

Khôi tròn mắt hỏi lại: “Ở đâu vậy, mà sao ngoại biết?”. Ngoại trả lời tỉnh khô: “Thì Long An chứ đâu! Con không biết hả?”. Khôi lắc đầu, bụng dạ chẳng hề tin lời bà ngoại bởi nó mới từ thành phố về mà còn chưa biết gì huống hồ ngoại quanh năm nào có bước ra khỏi nhà. Sau, mới nhớ rằng ngoại có người em ruột ở một huyện biên giới thuộc Long An, khi lính Khơ me đỏ tràn qua, cả gia đình phải chạy về tận Long Khánh lánh nạn. Những chuyện khác có lẽ thông qua những người đi làm đồng hay ghé nhà ngoại uống nước hoặc nghỉ lại buổi trưa. Nhưng chuyện gì ngoại cũng biết quả là kỳ lạ! Theo dõi được thời tiết của giá vàng là “công phu tuyệt mật” của ngoại. Mãi mãi bí ẩn.

2. Nhà ở gần sông, lại lũ lụt năm này tháng khác nên mỗi lần trời đổ mưa tự nhiên trong lòng Khôi lại dậy nên nỗi bất an mơ hồ. Mỗi khi nghe mưa trôi trên mái nhà là gan ruột bắt đầu nóng hơ như có lửa đốt. Có thể do suốt những năm dài của tuổi thơ ở dưới mái nhà tranh quanh năm mưa dột phải che chắn hứng chịu mùa này qua mùa khác nên đã hình thành một “nỗi bất an thường trực” trong lòng nó. Mới tí tuổi đã phải trèo lên tận “khu đĩ”, một tay níu lấy đòn tay một tay úp lên mặt che mưa, những cơn mưa như xát vào mặt không ngớt, mắt len lét nhìn ra dòng nước đục ngầu đang giận dữ cuồn cuộn chảy mà gan ruột cứ thắt lên từng hồi.

Cũng vì nhà Khôi ở sát bờ sông nên suốt đời lưu giữ trong tôi nỗi ám ảnh cái hình ảnh hai người ngồi thu lu trên mái nhà trôi lừng lững giữa dòng nước xiết trong cơn lũ năm Thìn dữ dằn ấy. Họ, hai con người ấy, đã trôi về tận đâu? Hay hình ảnh mẹ Khôi bụng mang dạ chửa phải leo lên tận sát nóc nhà ngồi vắt vẻo trên thanh xà ngang ba nó vội vàng gác lên. Cảnh ba Khôi đi đâu cũng mang theo cái rựa chẳng hiểu để làm gì giữa ngày bão lũ. Té ra là để chặt hết rui mè tìm đường chui ra khi có người chèo ghe đến cứu. Rồi cả nhà cũng được đưa đến nổng cát trên rừng (một gò cát cao kéo dài đến tận biển, nơi ấy người ta cũng ăn ở sinh sống bằng nghề nông như chúng tôi, chẳng hiểu sao phải gọi là rừng; bây giờ chẳng thấy ai gọi như thế nữa).

Có ai đó đem đến cho nhà nó một nhúm gạo. Cả nhà Khôi được một bữa cháo nhớ đời sau bao nhiêu ngày đói khát. Cảnh người ta lôi những con trâu bò trôi tận đâu từ trên nguồn xuống tấp vào rìa nổng cát để xẻ thịt, chia nhau. Nhà Khôi cũng được chia dăm ba phần như vậy. Cái cách tự nhiên xẻ thịt chia nhau ấy sau này thỉnh thoảng nhớ lại Khôi có cảm giác sao mà người ta lại hồn nhiên được như vậy trong những giờ phút khốn khó? Cảnh láo nháo của bọn Khôi trước khi được chuyển vào nổng cát giữa rừng, ghe tấp vào ở tạm nhà nội nó.

Nhà nội có kiên cố hơn nhưng rồi lũ mỗi ngày một lớn. Ví lúa đặt trên cái phản chính giữa nhà từ từ nổi lên theo con nước, nghĩa là lúa lúc ấy cũng từ từ trôi theo. Tiếng khóc ai oán bỗng bật lên nức nở. Bắt đầu từ bà nội rồi đến mẹ Khôi, các cô rồi cả những bà hàng xóm. Họ khóc như nhà có tang. Nó còn nhỏ quá đâu có hiểu gì nhưng cũng khóc theo. Tiếng khóc ám ảnh nó đến tận bây giờ.

Sau lũ, người ta vớt từng nhúm lúa như thế, đãi sạch đất cát, phơi khô, giã ra được lưng lửng tí gạo có mùi thum thủm. Lúc đầu bọn trẻ con chúng nó không thể nào chịu nổi cái mùi thum thủm ấy nên cứ nhè ra. Nhưng đâu có gì ăn, cuối cùng cũng phải trợn mắt mà nuốt cho no bụng. Rồi cũng qua một mùa lũ dữ. Nhưng rồi nỗi ám ảnh thì còn mãi.

Nhà cửa chưa kịp tu sửa, mọi thứ còn ngổn ngang thì cuối mùa lũ ấy ngoại gả dì Út cho một người quen ở tận xóm “nổng”. Nước còn xăm xắp quanh mép vườn thì đoàn ghe nhà trai đã cập ngõ sau có đến mười chiếc, san sát nhau. Bọn con nít chúng nó vạch đám thơm, đứa bu tàu lá chuối, đứa bu bẹ dừa để nhòm cho được mặt cô dâu xem đẹp chừng nào. Rồi dì Út cũng xuất hiện. Dì ngượng nghịu trong chiếc áo dài đỏ rực rỡ, quần lĩnh trắng và đôi guốc gỗ cao nghệu đi như đang làm xiếc từ nhà ra ngõ một cách khổ sở. Thằng Đen con cậu ba hét muốn vỡ giọng: “Lêu lêu cô dâu chú rể làm bể bình bông”, Khôi cũng rán gân cổ hùa theo “cô dâu chú rể đội rế trên đầu lêu lêu!”.

Mẹ Khôi trợn mắt miệng suỵt suỵt bảo im đi im đi rồi cũng vội vã chen theo nhóm người đi họ cho kịp giờ đưa dâu. Chúng nó đang hò hét bỗng im bặt bởi ai đó bỗng bật lên tiếng khóc. Hình như là tiếng dì Út. Rồi tiếng mẹ Khôi và các dì. Khôi nghe tiếng sụt sịt khó lẫn vào đâu của ngoại. Mấy đứa cháu nội ngoại ngơ ngác đưa mắt nhìn nhau không kịp hiểu chuyện gì xảy ra! Đang vui thế mà bỗng dưng lại khóc, người lớn thật kỳ cục! Ông ngoại Khôi xuất hiện uy nghi trong chiếc áo dài đen khăn đóng tay cầm chiếc dù quát mọi người im đi im đi khóc cái chi rứa hè rồi chen vào đám những người đón dâu đưa dâu đứng lộn xộn ở con đường nhỏ dẫn ra ngõ sau, về phía mép nước. Tiếng pháo bỗng vang lên đùng đoàng khiến bọn trẻ đứa nào đứa nấy giật mình đánh thót sững người một thoáng rồi cùng nhau ào tới phía tiếng pháo.

Khói pháo mù mịt. Xác pháo tung tóe rồi lả tả rơi xuống mép nước, nửa trên cạn, nửa dưới nước trông thật đẹp. Mấy đứa bọn Khôi mãi tranh nhau nhặt pháo lép, lúc ngẩng lên đã thấy ghe rước dâu chèo ra đến khoảnh ruộng ba sào nhà Chánh Trung gần phía mương Bộng. Những tà áo dài đủ màu phất phơ trông thật lạ mắt. Nón lá lấp lóa chao nghiêng giữa màn nước lấp lánh. Bỗng dưng, mưa đâu phía núi ùa về như chiếc màn lớn màu đùng đục quét qua mấy chiếc ghe rước dâu. Chúng nó thấy mọi người trên ghe nhốn nháo một lúc, mấy chiếc ghe cũng dừng lại một chặp rồi mới tiếp tục trôi về phía “nổng”. Những tiếng cười nói lao xao bắt đầu không còn nghe rõ nữa. Và lạ, Khôi vẫn cứ nghe như đang có tiếng khóc của bà ngoại vẳng lên đâu đó?

3. Cơn lũ như điều dự báo nhiều tai họa ập lên cái xóm nhỏ hiền lành ven sông của Khôi. Sau đám cưới, dượng Út của Khôi thoát ly lên núi, tiếp tục dạy học cho đến hết chiến tranh. Dì Út bị lính bảo an huyện bắt lên bắt xuống đày đọa mấy năm trời chưa thôi. Vừa dứt mùa lũ, súng bắt đầu nổ ran xóm trên xóm dưới chẳng chừa xóm nào. Cậu Sáu của Khôi vào du kích chưa được ba tháng đã hy sinh trong một đợt chống càn, xác trôi theo sông mãi ba ngày sau mới vớt được, tận dưới bãi Khì. Mấy căn nhà trong xóm thay nhau hứng bom.

Bắt đầu là nhà ông Cửu Hườn, đến nhà nội Khôi. Cuối cùng là nhà của ngoại nó. Nhà ngoại Khôi đứng mồ côi giữa đồng máy bay vẫn không tha. Cả đàn vịt mấy ngàn con của ngoại cũng không thoát nốt. Sau một đợt máy bay thả bom lân tinh, đàn vịt chết sạch sành sanh! Khôi nhớ như in cái cảnh ngoại chống sào đứng nhìn đàn vịt vật vã trên sân nước mắt ròng ròng mà ruột đau từng khúc. Lúc ấy Khôi ước có được lọ thuốc thần tiên giúp nó nhỏ vào miệng lũ vịt để chúng sống lại vô cùng! Cái ánh chiều nhá nhem sẫm màu u ám nhói lòng ấy ghim vào trí nhớ của Khôi không thể nào nguôi ngoai. Ông Cửu Hườn có lần bảo, hay là ngoại mày lỡ cưới nhằm phải... cơn lũ nên mới ra cơ sự này?

Cơn lũ là cơn lũ của trời đất, dễ gì cưới được, huống hồ người trần mắt thịt là ngoại Khôi, nhỉ?

LÊ TRÂM

.