Đà Nẵng cuối tuần

Cái chữ và cái chỗ

07:18, 28/08/2016 (GMT+7)

Người Cơtu thấy người Kinh học hành chăm chỉ nên cũng ráng… học. Và kết quả không tồi chút nào: Có cái chữ trong bụng nên được cái chỗ (việc làm) ngoài đời.

Học sinh Trường tiểu học Hòa Bắc, ngôi trường gieo hạt mầm cho các em học sinh người Cơtu và người Kinh. Ảnh: HOÀNG NHUNG.
Học sinh Trường tiểu học Hòa Bắc, ngôi trường gieo hạt mầm cho các em học sinh người Cơtu và người Kinh. Ảnh: HOÀNG NHUNG.

Yêu cái chữ

Dẫn chúng tôi vào thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), ông Nguyễn Văn Lớ, Phó Bí thư chi bộ thôn nói như khoe: Trẻ con Cơtu không còn đứa nào bỏ học nữa. Yêu cái chữ lắm”. Nhờ “yêu cái chữ lắm” mà trong 5 năm trở lại đây, 100% trẻ em Cơtu được phổ cập đến cấp THCS.

Ông Trần Phom (thôn Phú Túc) luôn tự hào với bà con trong thôn là 4 trong số 5 người con của ông đã và đang khơi dậy đam mê “có cái chữ” trong những đứa trẻ trên vùng đất bạt ngàn núi rừng này. Con trai ông, Trần Quốc Luân đã tốt nghiệp chính quy ngành Điện tử Viễn thông của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Ông nhớ những ngày hai vợ chồng chỉ có miếng khoai lót bụng rồi quần quật trong rừng từ sáng sớm đến tối mịt để bứt mây, làm rẫy, hái thuốc, để các con chuyên tâm việc học. Ông bộc bạch: “Tôi trọng cái chữ vì biết chỉ có con đường học hành mới giúp các con tôi và trẻ con Cơtu có cuộc sống khác với thế hệ ông bà, cha mẹ chúng. Cả đời chúng tôi vất vả, dựa vào núi rừng mà sống, bữa đói bữa no. Chỉ mong cái chữ đến, lũ trẻ sẽ no đủ, yên vui hơn”.

Tính đến nay, ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc), anh Đinh Văn Mai (sinh năm 1983) có lẽ là người nhiều chữ và có “cái chỗ” ổn định nhất. Anh Mai hiện là cán bộ chuyên trách dân vận kiêm tuyên giáo của UBND xã Hòa Bắc. Nhắc đến anh, già làng Bùi Văn Cầm không giấu niềm tự hào: Thằng Mai là vốn quý của đồng bào dân tộc Cơtu ở Hòa Bắc. Ngày nó vào đại học, làng vui như hội. Lũ trẻ trong thôn cũng học tập theo tấm gương nó mà chịu khó học hành. Từng là người duy nhất học đại học tại chức, giờ anh Mai mất vị trí độc tôn khi sau anh đã có 10 em tốt nghiệp cao đẳng, 20 em trung cấp và 1 em đại học.

Được cha mẹ chắt chiu tình yêu con chữ, trẻ em Cơtu giờ đây đến với bút mực, sách vở một cách tự nhiên. Em Lê Thị Thanh Thảo (thôn Phú Túc, vừa tốt nghiệp trung cấp mầm non) bẽn lẽn nói, nhà em có 4 anh chị em ai cũng được đi học. Cha em nói, cha mẹ khổ cực mấy cũng được, chỉ trông tụi em được học hành đến nơi đến chốn, sau này tụi em sung sướng mà cha mẹ cũng hãnh diện. Thảo cũng như nhiều trẻ em Cơtu khác, đến tuổi vào THCS là các em phải đạp xe từ Hòa Phú sang  Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) để học. Đường sá xa xôi, cách trở nhưng nhờ được “ướp” niềm hy vọng của mẹ cha nên con đường đến trường của các em đỡ nhọc nhằn, vất vả.

“Bí” cái chỗ

Chuyện học bây giờ không còn là chuyện xa lạ của các em học sinh người Cơtu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú). Thêm vào đó, những tấm gương sáng về học vấn như anh Đinh Văn Mai, anh Lê Văn Hoàng (sinh năm 1979, hiện đang phụ trách mảng Lao động-Thương binh và Xã hội của UBND xã Hòa Phú) càng hun đúc tình yêu chữ nghĩa với các em. Nhưng, 2 “ngọn lửa” ấy đang cháy đơn độc giữa núi rừng khi sau các anh, không nhiều học sinh, sinh viên người Cơtu có được việc làm ổn định nhờ cái chữ. Anh Lê Văn Hoàng trầm ngâm: vấn đề “cái chỗ” đang khiến người dân Cơtu băn khoăn. Bà con đã thấy được thuận lợi, tương lai do con chữ đem lại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi thấy nhiều em học xong không kiếm được việc làm, họ đâm ra hoang mang. Bởi con đường đến với cái chữ của con em đồng bào Cơtu rất cực khổ. Cha mẹ phải đi rẫy, đi củi, vào rừng sâu núi cao, làm hết tất cả mọi việc để con cái yên tâm đến trường. Nay, con học xong thì lại không xin được việc làm, họ rất buồn.

Như Trần Quốc Luân (con ông Trần Phom), mang tiếng là người Cơtu đầu tiên trên đất Đà Nẵng được bước vào giảng đường đại học; tuy vậy, niềm vui đã trở thành nỗi buồn khi từ ngày tốt nghiệp đến nay đã 3 năm em vẫn chưa tìm được việc làm dù đã nộp đơn khắp nơi. Cầm tấm bằng đại học đã phủ đầy bụi của con trai, ông Phom không nén nổi tiếng thở dài: Ngày nó đậu đại học, tôi vay mượn tiền khắp nơi để mua bò, gà chăn nuôi. 5 năm nó đi học là đàn bò 15 con tôi bán lần mòn. Nó ra trường cũng là lúc tôi “dỡ” chuồng. Chữ thì đã đầy bụng, còn “chỗ” thì không biết đến bao giờ mới có…

Tự nhận mình là người may mắn nhất trong số thanh niên Cơtu ở Hòa Bắc, anh Đinh Văn Mai cũng không khỏi ngậm ngùi cho thế hệ đàn em khi số lượng các em tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường tìm được việc làm ổn định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, đành xếp “bằng” đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. “Các em đã lấy tôi làm gương mà phấn đấu, cố kiếm cái chữ để không phải đi củi, đi rừng như cha mẹ, vậy mà…”, anh Mai buông tiếng thở dài.

Ông Nguyễn Văn Lớ lo sợ rằng, rồi đây, lớp thanh niên Cơtu sẽ “nhàn cư” mà “bất thiện”, tinh thần hiếu học được cha mẹ chắt chiu gầy dựng rồi sẽ nhạt nhòa khi cái chỗ vẫn xa vời vợi.

Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, tình hình học tập của học sinh Cơtu trên địa bàn xã Hòa Bắc 10 năm trở lại đây có khởi sắc nhưng so với mặt bằng chung thì vẫn thấp do điều kiện về kinh tế, giao thông còn nhiều khó khăn. Để khuyến khích việc học của các em, UBND xã luôn nắm bắt số lượng tốt nghiệp ĐH, CĐ để kịp thời tham mưu, kiến nghị với cấp trên về việc bố trí việc làm cho các em. Việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ (trong đó có học sinh, sinh viên người Cơtu) là mong muốn của xã Hòa Bắc bởi lực lượng này sẽ có tâm huyết hơn trong quá trình xây dựng quê hương. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại xã vẫn chưa có đủ tiềm lực để thực hiện được điều này khi kinh tế và đời sống người dân tại địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang: Chế độ Nhà nước hỗ trợ học sinh THCS ở nội trú bằng 80% mức lương tối thiểu (khoảng 968.000 đồng/em/tháng) là còn ít so với nhu cầu ở nội trú hiện nay của học sinh. Để “cái chữ” bớt nhọc nhằn, rất mong thành phố nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ để tạo điều kiện cho học sinh. Đây không chỉ đào tạo nguồn lực cho các địa phương vùng cao mà còn là giải pháp để rút ngắn khoảng cách tri thức giữa học sinh miền núi với miền xuôi...

QUỲNH TRANG

.