Đà Nẵng cuối tuần
Kháng thuốc dẫn tới đói nghèo
Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở người và động vật có thể đẩy hàng triệu con người vào cảnh đói nghèo vào năm 2050, nhất là đối với các nước nghèo.
Nông dân chịu thiệt hại nặng vì vi khuẩn kháng thuốc ở động vật. |
Nghiên cứu vừa được công bố của WB cho thấy tình trạng kháng thuốc đang có dấu hiệu không kiểm soát được trên toàn thế giới. Tình trạng này thực sự đe dọa thành tựu y học thế giới phát triển suốt một thế kỷ qua bởi vì mức độ kháng thuốc cả ở người và động vật có thể đẩy hơn 28 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo vào năm 2050. Đâu chỉ có đói nghèo, nhà kinh tế học Jim O’Neill (Anh) còn cho biết tỷ lệ người tử vong vì kháng thuốc cũng sẽ tăng mạnh vào năm 2050. Nếu như ở thời điểm hiện tại có khoảng nửa triệu người mất mạng mỗi năm vì kháng thuốc thì tới năm 2050 con số sẽ là… 10 triệu người; đồng thời chi phí điều trị bệnh cũng sẽ cao hơn. GDP toàn cầu năm 2050 có thể giảm ít nhất 1,1% và nhiều nhất 3,8% như mức giảm vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giám đốc về sức khỏe, dinh dưỡng và dân số của WB là Tim Evans cho rằng “kỷ nguyên kháng sinh” đã đưa con người lạm dụng kháng sinh quá mức trong việc điều trị bệnh cho người và cả cho động vật, trong đó kháng sinh dùng cho động vật là quá nhiều. Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) ước tính có tới 60.000 tấn thuốc kháng sinh đã được sử dụng mỗi năm trong chăn nuôi. Nông dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vì tới năm 2050, sản xuất chăn nuôi sẽ giảm từ 2,6% tới 7,5% mỗi năm nếu như không kìm hãm việc sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện. Chính vì thế, Tim Evans đề nghị đầu tư nâng cấp năng lực y tế thú y cộng đồng ở các nước đang phát triển như giám sát dịch bệnh, xây dựng các phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh, kiểm tra trang trại, hướng dẫn sử dụng kháng sinh khi cần thiết và đào tạo lực lượng bác sĩ thú y. Giám đốc thú y của FAO là Juan Lubroth cho rằng một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng vi khuẩn kháng thuốc là người nuôi phải có kiến thức về vệ sinh, tiêm chủng đúng chu kỳ để tránh động vật mang bệnh tới mức phải dùng thuốc kháng sinh. WB dự tính cần tới 9 tỷ USD mỗi năm để giải quyết tình trạng này.
WB dự báo nếu toàn thế giới xắn tay vào giải quyết tình trạng này thì tới năm 2050 thế giới sẽ tránh thất thoát lên tới 27.000 tỷ USD ở các lĩnh vực: thương mại quốc tế, chăm sóc y tế và gia súc bệnh tật.
ANH THƯ (Theo Bloomberg, WB)