Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

"Em làm tốt lắm!"

23:47, 24/09/2016 (GMT+7)

Em học sinh vừa bước vào lớp, chưa kịp chào cô, cô giáo đã vừa xoa đầu học trò vừa ngẩng lên nói với phụ huynh: “Em chậm quá! Chậm quá! Bạn làm đến mấy bài rồi mà em này làm được có một bài!”. Phụ huynh cứng họng, em cũng đứng đơ… Cô giáo có biết ngày trước đó em không làm được bài nào, ngày hôm sau em làm được một bài là cả một sự nỗ lực so với chính em? Chắc chắn, hơn cả phụ huynh, cô giáo là người biết đầu tiên.

Ước gì đó chỉ là một đoạn đối thoại trên phim và chúng ta có thể sửa lại thoại: “Em cố gắng làm được một bài như hôm qua là tốt lắm. Cô tin nếu hôm nay em cũng cố gắng thì em sẽ làm được nhiều hơn, tốt hơn nữa!”. Mà chắc câu này cũng chỉ có ở trên phim…

Không chỉ trong lớp học này, ở thời điểm này, bao lâu nay dường như chúng ta chỉ thấy một cảnh tượng chung: Các bạn học giỏi luôn được “cơn mưa” lời khen, còn các bạn học “dốt” lại chẳng mấy khi nhận được câu nói thẳng vào mình: “Em làm tốt lắm!” sau những gì các bạn cố gắng.

Hồi tham gia một lớp học ngoại ngữ, tôi thực sự là một kẻ “ngồi nhầm lớp” khi trình độ của mình quá chênh lệch so với tất cả những bạn còn lại. Trong khi các bạn là học sinh giỏi quốc gia bộ môn đó, là giảng viên ngoại ngữ, là những người xác định một vài tháng nữa sẽ “rinh” suất học bổng toàn phần của trường đại học danh tiếng ở Mỹ, thì tôi được vào học chỉ bằng lời hứa với trung tâm nơi tổ chức lớp rằng, tôi sẽ cố theo. Đó cũng là thời gian khủng hoảng nhất khi chưa bao giờ tôi hoang mang về năng lực của mình đến vậy. Tôi có chăm chỉ bao nhiêu cũng chỉ đủ để “đuổi” theo những người đã chạy cách mình hàng kilômet. Trình độ vẫn vậy, tôi vẫn là người lẹt đẹt cố theo một chương trình học quá sức. Nhiều lần định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến số tiền lớn đã nộp cho khóa học này, tôi phải từng ngày lê chân đến lớp.

Một ngày vào giờ giải lao, thầy giáo ra hành lang gặp tôi (cho đến giờ tôi vẫn nhớ ánh mắt thầy tha thiết): “If you think you can, you can!” (Tạm dịch: Nếu em nghĩ em có thể làm được, em sẽ làm được”). Lời nói của thầy với tôi như chiếc phao dành cho người sắp đuối. Tôi chợt thấy như được tiếp thêm sự tự tin, ít nhất trong lớp học này còn có một người không khinh khi sự dốt nát của tôi và sẵn sàng đón nhận thay đổi từng chút của tôi. Những ngày sau, trong khi các bạn hoàn thành gần hết 40 câu hỏi thì tôi chỉ làm được 2 câu, rồi cố lên 4 câu nhưng thầy vẫn gật gù: Từng bước, từng bước như thế là tốt! Nếu lúc ấy, dành cho tôi là mấy câu xổ toẹt: “Em chậm quá! Chậm quá! Bạn làm đến mấy bài rồi mà em làm được có một bài”, chắc chắn tôi đã không đợi đến ngày kết thúc khóa này mới nghỉ học. Một cục tiền đã đóng cũng chẳng còn nghĩa lý gì.

Khích lệ, động viên bằng những lời khen tặng chân thành, kịp lúc thực sự là “liều thuốc” tưới mát tâm hồn. Đôi khi chỉ cần một lời khen, chúng ta cảm thấy như được vực dậy sự tự tin để tiếp tục vượt qua nỗi hoang mang hay có thể làm những điều mà bản thân tưởng chừng không thể. Ngược lại, thiếu những lời khích lệ, động viên, con người lắm khi bị chìm ngập trong mặc cảm, tự ti về khả năng của chính mình. “Em làm tốt lắm!”, “Bạn làm tốt lắm!”, “Anh/chị/cô/chú/bác… làm tốt lắm!”, gọn lỏn vậy đó mà giúp con người ta biết bao nhiêu. Vậy mà không hiểu sao chẳng mấy khi ta nhìn thẳng vào mắt ai đó và chậm rãi nói rằng: Bạn làm tốt lắm!

Tôi nghĩ đến em học trò ấy. Không biết nghe cô giáo nói vậy em cảm thấy thế nào, chắc chắn là không vui rồi, và có thể em sẽ lo lắng, thậm chí sợ hãi khi thấy trước mắt mình là “công cuộc” học hành khổ ải. Ước gì những điều vừa xảy ra chỉ là trên phim và chúng ta lập tức sửa lại lời thoại…

CHÍCH BÔNG

.