Đà Nẵng cuối tuần
Nhiều băn khoăn về tổ hợp môn
Ngoài thuận lợi không phải di chuyển, đi lại nhiều do giao cho Sở GD&ĐT các địa phương chủ trì cụm thi, điểm mới nhất và cũng khiến cho nhiều học sinh (HS) lớp 12 băn khoăn, lo lắng trong dự thảo phương án thi THPT 2017 là bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan cho tất cả các môn thi, trừ môn Ngữ văn.
Học sinh khối 12 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016. |
“Trở tay” không kịp
Theo dự thảo phương án thi THPT 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, kỳ thi năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Phương Linh (HS lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho biết, em và các bạn khá bất ngờ với những thay đổi trong dự thảo phương án tuyển sinh. “Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng em sẽ rất khó điều tiết lại phương pháp học cũng như kỹ thuật làm bài, nhất là với môn Toán – môn đòi hỏi tư duy logic. Chúng em đã quen với hình thức thi tự luận và chú trọng những câu hỏi khó, giờ chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, HS gần như không có kỹ năng bấm máy tính nhanh. Nếu phương án này áp dụng cho 3 năm tới, để những HS khối 10 năm nay có quá trình làm quen dần với hình thức kiểm tra trắc nghiệm thì sẽ hợp lý hơn”.
Ở một khía cạnh khác, Khánh Ly, HS lớp 12A1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm khách quan, bài thi được chấm bằng máy thì tính khách quan, chính xác sẽ cao, giảm được cảm tính của người chấm; kiến thức cũng đa dạng và có độ bao phủ rộng hơn. Tuy nhiên, theo như Khánh Ly thì “việc đưa môn Giáo dục công dân trở thành một trong những môn thi khiến chúng em rất lúng túng. Lâu nay, với môn học này, chúng em thường được học theo chủ đề với hình thức tổ chức thảo luận nhóm; giờ thì cách học sẽ phải thay đổi”.
Nhiều thí sinh đang có dự định đăng ký vào các trường ĐH nhóm đầu cũng có những băn khoăn: “Với 20 câu hỏi cho mỗi môn trong bài thi tổ hợp, liệu có đủ để phân loại thí sinh giỏi? Và nếu như vậy thì các trường ĐH nhóm đầu sẽ có thêm một kỳ thi đánh giá năng lực riêng; thí sinh phải tham dự thêm một kỳ thi nữa vừa tốn kém, vừa căng thẳng và áp lực”.
Khối lượng kiến thức sẽ không thay đổi
TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Thi tự luận hay trắc nghiệm chỉ là phương thức đánh giá thôi, còn quan trọng là mục tiêu và kết quả các em đạt được, các kiến thức và kỹ năng các em thu nhận được trong quá trình học tập. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã nhận định chưa từng có một nghiên cứu thực chứng nào khẳng định rằng thi trắc nghiệm trong môn Toán làm hỏng tư duy toán học của học sinh”.
Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng cho rằng, những điều chỉnh trong dự thảo phương án thi chỉ mang tính kỹ thuật, khối lượng kiến thức trong dạy - học sẽ không thay đổi. “Vấn đề còn lại là HS phải nắm bắt được phương pháp học, vận dụng những đơn vị kiến thức đã được học dưới dạng trắc nghiệm. Như với môn Lịch sử và Địa lý, việc dạy học sẽ không có gì thay đổi nhiều; nhưng trong quá trình dạy, giáo viên phải có sự định hướng, dẫn dắt để HS nắm vững những đơn vị kiến thức và sử dụng các đơn vị kiến thức đó dưới dạng trắc nghiệm”.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Mục đích của Bộ GD&ĐT khi xây dựng tổ hợp môn là để cho HS có ý thức học toàn diện, chống học tủ, học lệch. Thế nhưng, một khi HS đã tính toán về mặt chiến lược, học môn gì để đạt mục tiêu đỗ ĐH thì việc học lệch là không thể tránh khỏi. HS có thể chỉ đầu tư tập trung cho một phần đề thi để sử dụng làm kết quả xét tuyển, các phần khác chỉ là đối phó. Tuy vậy việc này cũng khó thực hiện hơn khi các em muốn làm bài thi từng môn riêng biệt vì sẽ phải lọc ra trong 60 câu hỏi để chọn những câu hỏi đó thuộc môn nào trong điều kiện tiết kiệm thời gian là một trong những yếu tố quan trọng trong kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm”.
Theo dự thảo, thí sinh hệ giáo dục THPT sẽ thi 4 bài thi, trong đó có 3 bài thi bắt buộc, gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn là bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội để được xét công nhận tốt nghiệp. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12. |
HÀ TRẦN