Đà Nẵng cuối tuần
Tiếng thơ trên sự hỗn loạn
Trên sự đổ nát của chiến tranh, từ Trung Đông, những nhà thơ nữ đã cất tiếng. Họ kể về những câu chuyện của chính mình. Một trong số họ, nhà thơ Bejan Matur, người Kurd đã từng bị giam cầm.
Người phụ nữ tìm kiếm người thân bên đống đổ nát ở Aleppo, Syria - tháng 8, 2016. |
Dưới sức ép bom không kích của Nga, đạn pháo binh của chính phủ, thành phố Aleppo của Syria vỡ vụn thành đống đổ nát. Trong sức nóng của trận chiến, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và chiến binh người Kurd lại đánh nhau. Trung Đông tiếp tục nổ tung. Trong cơn hỗn loạn đó, không thể ngờ, tiếng nói của những nữ thi sĩ lại bật lên. Công khai trên báo chí, giống như câu chuyện trên truyền hình cuối tuần qua đưa tin một người làm vườn ở Aleppo đã bị bom giết chết trong khi ông đang chăm sóc hoa hồng của mình và người con trai nhỏ đang giúp ông trở thành mồ côi.
Nhà thơ Maram al-Masri ở Paris. |
Hai nhà thơ nữ: Bejan Matur và Maram al-Masri - người Kurd và Syria đồng thanh tương ứng. Họ là hai nhà thơ nổi tiếng lừng lẫy và có sức thuyết phục của một thế hệ thơ nữ mới. Thơ của họ miêu tả sự tàn phá bằng một cấu trúc đa dạng, mang tính sử thi và sự mãnh liệt của con người. Lời thơ nguyên mộc và trữ tình, dù xuất phát trong thời điểm loạn lạc này, nhưng thấm sâu trong ký ức của người dân, bây giờ và mãi mãi.
Hai người phụ nữ viết rất khác nhau. Thơ của Masri sống động, mạnh mẽ, gói gắm sự yếu đuối thân phận con người trong một xã hội tàn bạo. Masri đích thực là nhà thơ tình yêu, trong đó có niềm vui và cả sự tàn nhẫn. Chiến tranh đã xé quê nhà Syria của Masri từng mảnh, chôn vùi tất cả, kể cả cô. Thơ Matur thần bí hơn, thăng hoa, cao thượng, và mang màu sắc chính trị. Nó xác định sự chệch hướng của dân tộc trong sự suy ngẫm triết học, trên cả ý nghĩa và sự trống rỗng của sự sống.
Người phụ nữ Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đang phản ứng với báo giới. |
Hiện đại, mang theo nỗi oan ức, bạo tàn và cả gợi sự lãng mạn, cả hai nhà thơ nữ đã thể hiện một tài năng và nhận thức về các cơn lốc chiến tranh trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay, và hàng triệu những cuộc chiến phân tán và phá hủy khác.
Bejan Matur sinh năm 1968, trong một gia đình người Kurd Alevi, tại thành phố Hittite cổ Kahramanmaras ở khu vực Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Cô học Luật tại Đại học Ankara, nhưng chưa bao giờ thực hành. Trong những năm đại học, cô đã được công bố tác phẩm trong một vài tạp chí văn học. Matur đã viết thơ nhiều năm. Cuốn sách đầu tiên xuất bản vào năm 1996, đoạt nhiều giải thưởng văn học. Nhiều tác phẩm của Matur đã được dịch lên đến 17 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Đức và Pháp.
Nhà thơ Bejan Matur. |
Thời gian gần đây, Matur và sinh viên của cô đã bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt vì bị nghi ngờ là thành viên của phong trào chính trị của “người Kurd nổi dậy”. “Họ không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào - chỉ cần là người Kurd đã đủ để bị bắt. Họ đốt cháy tất cả những bài thơ tôi đã viết khi ở trong tù khi bị biệt giam - chán nản, sụp đổ - tôi muốn chết”, sau khi bị giam trong tám tháng, Matur kể lại. Do hậu quả của cơn ác mộng này, tại một hội nghị của tổ chức Ân xá Quốc tế, lần đầu tiên, Matur phát biểu: “Tôi đã tìm thấy năng lượng để chia sẻ câu chuyện của tôi”. Cô đã viết một cuốn sách bán rất chạy ở Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu bằng một bài luận: “Chúng tôi cần một người như Mahatma Gandhi”. Matur đã trả lời báo The Guardian: “Ở thời điểm phải chiến đấu chống lại mệnh lệnh, chỉ thị khủng khiếp… bạn cần phải tìm một cách khác, và thi ca là một cách khác để tìm kiếm”.
Maram al-Masri sinh năm 1962 tại thành phố ven biển Địa Trung Hải Latakia. Cha mẹ cô biết tiếng Pháp và cô theo học văn học Anh tại Đại học Damascus. Masri bắt đầu xuất bản thơ trên các tạp chí trên khắp thế giới Ả Rập trong những năm 1970. Trong những năm 1980, cô chuyển sang Pháp. Maram al-Masri nói về mình: “Thế giới trái tim của tôi đã trở thành rộng lớn. Nó bắt đầu với cuộc cách mạng”. Cô sẵn lòng đối diện sự dối trá qua một đoạn thơ: “Hãy cho tôi những lời nói dối của bạn / Tôi sẽ rửa chúng / và nhét chúng vào sự trong trắng của trái tim tôi / rồi làm cho chúng trở thành sự thật”.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)