Đà Nẵng cuối tuần
Phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập
Cuối cùng thì địa điểm tổ chức hội thảo cấp quốc gia nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hà Nội - chứ không phải Quảng Nam quê hương Cụ như mấy hội thảo trước đây. Sự lựa chọn này là hợp lý, bởi Cụ Huỳnh là một nhân vật lịch sử tầm cỡ quốc gia, là người của cả đất nước. Vả lại giới nghiên cứu về Cụ Huỳnh đa phần sống và làm việc ở Hà Nội. Vì thế đoàn đại biểu đất Quảng đã vui vẻ “khăn gói” ra thủ đô để sáng ngày 24 tháng 9 vừa qua tham gia Hội thảo “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Quảng Nam đồng tổ chức.
Hồ Chủ tịch và Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.(Ảnh tư liệu) |
Hơn 60 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu ở Trung ương cũng như địa phương gửi đến hội thảo này đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật in thành sách nhan đề “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”, trong đó có một số bài được chọn đọc tại hội thảo.
Có thể nói, nội dung hội thảo là tập đại thành những đánh giá về công lao to lớn và nhất là về nhân cách ngời sáng của Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong bài phát biểu của mình, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trân trọng trích dẫn ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi toàn thể đồng bào sau ngày Cụ Huỳnh tạ thế: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao... lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi…, là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” (2). Còn Báo cáo đề dẫn của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng thì dẫn lời Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ Phạm Văn Đồng trong điếu văn đọc trong lễ tang cụ Huỳnh tổ chức tại Quảng Ngãi: “Đời người như Cụ sao mà đầy đủ đến thế, vẹn toàn đến thế, tốt đẹp đến thế” (3)… Cũng có tác giả tham luận nhắc tới ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu trong Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tại Hà Nội: “Cụ Huỳnh đã để lại cho chúng ta một tấm gương thành công trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận…”(4).
Đặc biệt mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Huỳnh Thúc Kháng được đề cập trong rất nhiều bài viết, qua đó làm tỏa sáng cả hai nhân cách Việt Nam cao đẹp này. Tác giả Ngô Xuân Dương đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong tham luận Hồ Chí Minh - Huỳnh Thúc Kháng: Hai nhân cách cao đẹp với “một mối non sông”, đã nhắc đến câu thơ của Cụ Hồ: “Non sông một mối chung nhau gánh” - câu thơ phản ánh đúng bản chất mối quan hệ giữa Cụ Hồ và Cụ Huỳnh: cùng nhau cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập của đất nước (5). Còn nhớ lần Cụ Huỳnh ứng khẩu tặng Cụ Hồ hai câu thơ: “Năm mươi sáu tuổi chưa già/ Cụ ông thì thấy cụ bà thì không!”, và Cụ Hồ đáp lễ… cũng bằng thơ: “Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời/ Nhớ ơn Cụ lắm Cụ Huỳnh ơi!/ Non sông một mối chung nhau gánh/ Độc lập xong rồi cưới vợ thôi!”(6). Nhờ mối quan hệ cùng nhau hướng về đại cuộc ấy mà giữa hai cụ đã có được sự thâm giao tri kỷ, hiểu nhau và tin nhau, và cũng chính vì lẽ đó mà trên đường kinh lý vào miền Nam Trung Bộ, trong một cuộc đối thoại với các thân hào nhân sĩ ở Quảng Ngãi, Cụ Huỳnh đã đánh giá rất cao Cụ Hồ: “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng “cách mạng” để rồi làm giàu hoặc làm quan to. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp thì Ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì hiểu biết của Ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa kia” (7).
Trong Hội thảo “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”, mối quan hệ giữa Huỳnh Thúc Kháng với Phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX và với Cụ Phan Châu Trinh cũng được nhiều tác giả tham luận tập trung phân tích, chẳng hạn như các tác giả Trương Công Huỳnh Kỳ, Phạm Xanh… Rõ ràng nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng không thể không nhắc đến Cụ Huỳnh với tư cách là một trong những lãnh tụ của Phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX và không thể không nhắc đến mối quan hệ đồng tâm đồng chí của “bộ ba Quảng Nam”: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp. Tuy nhiên khi bàn về mối quan hệ giữa Huỳnh Thúc Kháng với Phong trào Duy tân đất Quảng, dường như một số tác giả tham luận có sự nhầm lẫn đáng tiếc do chưa phân biệt giữa Phong trào Duy tân theo đường lối bất bạo động, còn gọi là Minh xã, do “bộ ba Quảng Nam” khởi xướng, với Duy tân hội theo đường lối bạo động, còn gọi là Ám xã, do Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành - cũng là người Quảng Nam - thành lập. Dễ dàng tìm thấy trong cuốn sách “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” những câu như: “Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy tân” (các trang 42 và 405); “Huỳnh Thúc Kháng đã cùng với Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Châu Trinh (1872-1926), Trần Quý Cáp (1871-1908), Ngô Đức Kế (1878-1929) và nhiều nho sĩ khác đề xướng và lãnh đạo phong trào Duy tân với phương châm của cụ Phan Châu Trinh…” (trang 260); “Năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng đỗ Tiến sĩ nhưng không chịu ra làm quan mà cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp lãnh đạo phong trào Duy tân” (trang 384)…
Hội thảo còn ghi nhận sự nghiệp báo chí của Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tác giả Bùi Văn Tiếng đến từ Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng ngay trong thời gian bị giam cầm ngoài Côn Đảo, “Huỳnh Thúc Kháng đã tích cực chuẩn bị cho sự nghiệp báo chí của mình - dẫu có thể lúc ấy Cụ cũng chưa nghĩ đến ngày mình có thể ra tù, càng chưa nghĩ đến ngày mình làm báo... Thời gian tham gia lãnh đạo Phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX, chắc Huỳnh Thúc Kháng cũng tích lũy được những kiến thức quản trị kinh doanh cơ bản khi tiếp cận với mô hình lấy hội buôn nuôi nghĩa thục, điển hình như trường Diên Phong gắn với Hợp thương Diên Phong, nhưng chính thời gian Huỳnh Thúc Kháng được vào làm việc phòng giấy Giám ngục/ Gardien Chef ngoài Côn Đảo mới là cơ hội để tự chuẩn bị kiến thức và kỹ năng quản lý. Nhờ quá trình năm năm - từ năm 1912 đến năm 1917 - làm việc ở phòng giấy Giám ngục/ Gardien Chef mà ông trở nên quen thuộc với những con số kế toán thống kê, những lịch làm việc hằng tuần hằng tháng của quản trị học hiện đại so với đương thời” (8). Nhiều bài viết tại Hội thảo cũng đã trích dẫn tuyên ngôn về bản lĩnh của người làm báo mà Cụ từng công bố khi làm báo Tiếng Dân: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói” (các trang 59, 88, 108, 189, 259, 282), hoặc rành rọt hơn: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói” (trang 259).
Nhiều người dự Hội thảo “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” rất đồng tình với nhận định của tác giả Bùi Đình Phong đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về điểm ngời sáng nhất trong nhân cách Cụ Huỳnh: “Bản chất con người Cụ Huỳnh là yêu nước, thương dân. Chỗ đứng và chỗ dựa của Cụ là lòng dân. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong con người Cụ Huỳnh là thành tâm ái quốc và lòng khát khao độc lập tự do. Đó là động lực, là mục đích sống của Cụ Huỳnh, là điều mà dân tộc cần và ghi nhận ở một con người như cụ Huỳnh Thúc Kháng” (9). Đặc biệt nhiều đại biểu đã tỏ ra tâm đắc với cái nhìn “ôn cố tri tân” của hai tác giả đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Nghệ thuật dùng người của Hồ Chí Minh, đặc biệt là qua trường hợp Huỳnh Thúc Kháng, là một điểm sáng, có thể nói là một điểm sáng nhất, trong suốt lịch sử phát triển của chế độ chính trị nước Việt Nam mới. Nó cần và phải là một điểm quy chiếu cho công tác cán bộ cách mạng trong tất cả các thời kỳ, kể cả thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay của Việt Nam” (Mạch Quang Thắng) (10), và “Qua trường hợp Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta thấy sâu sắc hơn về nghệ thuật, tài năng sử dụng con người của Hồ Chí Minh, điều mà các thế hệ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cần học tập, vận dụng” (Nguyễn Ngọc Hà) (11). Càng tâm đắc hơn khi bài học tổng kết từ lịch sử lập quốc của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa như thế này được nêu lên trong thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang đòi hỏi nền hành chính quốc gia phải ra sức chọn người tài, chứ không phải ra sức chọn… người nhà!
TRẦN NGUYÊN HẬU (1)
(1)Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.
(2)Nhiều tác giả, Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam, NXB. Chính Trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, trang 14.
3)Sách đã dẫn, trang 26.
(4)Sách đã dẫn, trang 331.
(5)Sách đã dẫn, trang 362.
(6)Tỉnh ủy Quảng Nam: Bác Hồ với đất Quảng. NXB Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, Hà Nội, 2000.
(7) Nhiều tác giả, Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam, NXB. Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, trang 366.
(8) Sách đã dẫn, trang 257.
(9)Sách đã dẫn, trang 663.
(10)Sách đã dẫn, trang 392.
(11)Sách đã dẫn, trang 376.