Đà Nẵng cuối tuần
Rodin và tượng khiêu vũ
Cuộc triển lãm các tác phẩm của Auguste Rodin, họa sĩ, điêu khắc gia người Pháp vừa diễn ra tại Nhà trưng bày Courtauld Gallery ở London, kéo dài đến tháng giêng năm 2017. Điểm nhấn của triển lãm chính là giới thiệu đến “sự chuyển động” trong các tác phẩm tượng “Vũ nữ”. Cuộc triển lãm mang tên “Rodin and Dance: The Essence of Movement” (tạm dịch: Thực chất của sự chuyển động).
Vũ công Noora Kela biểu diễn theo dáng tượng của Rodin tại triển lãm ở London. |
Đến năm 1900, Auguste Rodin (1840-1917) được công nhận là nghệ sĩ vĩ đại nhất của Pháp. Ông có một xưởng điêu khắc riêng, cất giữ nhiều chất liệu như đồng và đá để thực hiện những đơn đặt hàng trên khắp thế giới. Ông ứng tác và thể hiện sự thân mật, tình cảm riêng tư, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình để bắt chớp những chuyển động có ý nghĩa và đặt chúng trong các bản vẽ và tác phẩm điêu khắc kích thước nhỏ.
Auguste Rodin, họa sĩ - điêu khắc gia (1840–1917). |
Đây được xem là triển lãm lớn đầu tiên khám phá niềm đam mê tột bậc của Rodin với điệu nhảy và cơ thể con người trong tư thế nhào lộn. Nó khám phá một loạt các tác phẩm điêu khắc thực nghiệm được gọi là “sự chuyển động của vũ công” thực hiện trong năm 1911, cung cấp một cái nhìn thực tiễn, hiếm có trong các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Rodin.
“Chuyển động của khiêu vũ”-Tượng của Rodin (1911). |
Với hình ảnh điệu nhảy trải dài chân và xoay người trong số các tác phẩm đất nung và thạch cao bên cạnh một loạt các bản vẽ đáng chú ý, Rodin đã khám phá hình thức và xu hướng mới của khiêu vũ. Các điệu vũ đẹp, uyển chuyển không khác gì những nhân vật khiêu vũ của đoàn vũ công Hoàng gia Campuchia đã biểu diễn, từng gây sóng gió ở Paris vào thời ấy. Các tác phẩm điêu khắc này, trước đây, chỉ được bạn bè và những người ủng hộ ông nhìn thấy. Hầu hết tác phẩm tượng ở cuộc trưng bày này có thể được coi là công trình lớn, phản ánh giai đoạn thử nghiệm vui tươi vào những năm cuối cùng của cuộc đời Rodin.
Vào tháng 7 năm 1910, qua sự giới thiệu của người bạn - Alda Moreno, một vũ công tại Opéra Comique, Nhà hát kịch Quốc gia ở Paris - Auguste Rodin đã bị cuốn hút bởi sự dẻo dai trong phong cách vũ của Moreno. Người phụ nữ trẻ sau đó đồng ý làm mẫu cho Rodin vẽ, nặn tượng. Rodin vẽ phác thảo trên 50 bản vẽ.
Nụ hôn-Tượng của Rodin. |
Rodin đã cố gắng để nắm bắt được bản chất của cơ thể trong sự chuyển động của người mẫu. Không giống như Degas, họa sĩ phái ấn tượng, vẽ nhiều tranh về vũ công, nhưng Rodin thấy những bức tranh đó của Degas rất “cứng nhắc và thông thường”. Rodin muốn quan tâm nhiều hơn trong các hình thức khác nhau của vũ đạo mà ông cho là xác thực hơn hoặc hiện đại hơn: chẳng hạn như các điệu múa “Vua Sisowath” mà những vũ công Campuchia biểu diễn…
Những bản vẽ người mẫu Moreno, Rodin sử dụng bút chì và chà nhòe bằng ngón tay để nổi bật sức gợi cảm cơ thể của người mẫu trong những tư thế khác nhau. Rodin đã phải biến cô người mẫu thành một con búp bê sống. Người mẫu phải cố sức giữ vững độ dẻo và bền của cơ thể mình ở các tư thế. Rodin vừa ghi hình vừa lấy đất sét nặn nhanh hình ảnh trước mắt, một dạng khuôn mẫu “sơ thảo” đầu tiên cho tác phẩm về sau; đồng thời xoay sở khuôn mẫu qua nhiều góc độ, để xây dựng một loạt các tư thế gợi cảm của vũ công. Rodin làm việc miệt mài, chăm chú như đang “giải phẫu” người mẫu.
Auguste Rodin làm việc cùng với người mẫu Alda Moreno từ 1910-1913, những năm khi nghệ thuật hiện đại bước sang cuộc cách mạng ngoạn mục nhất của nó.
Rodin vẽ vũ công Campuchia (1906). |
Auguste Rodin, sinh tại Paris vào ngày 12 - 11 - 1840, là một họa sĩ và nhà điêu khắc, tác phẩm của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn về nghệ thuật hiện đại. Rodin chỉ trở nên nổi tiếng khi ông đã ở độ tuổi 40. Các tác phẩm được tán dương nhiều nhất của Rodin là “The Thinker” - Người suy tưởng” (1880) và “The Kiss” – Nụ hôn (1882). Rodin qua đời vào ngày 17-11-1917, tại Meudon, Pháp.
Cuộc triển lãm thu hút bởi cách thể hiện sự chuyển động trong sự tĩnh lặng của tượng. Lúc sinh thời, Rodin thường nhấn mạnh “Chúng ta phải phá bỏ sự đóng băng của thể loại tượng. Cuộc
sống - tất cả mọi thứ đều ở trong đó, và cuộc sống là sự chuyển động”.
HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)