Đà Nẵng cuối tuần
Lạc tiên mát gan an thần
Lạc tiên (ở Quảng Nam, Đà Nẵng thường gọi là dây Bầu đường, ở Nam bộ gọi là dây Nhãn lồng hay Chùm bao, tên khoa học Passiflora foetida L., thuộc họ Lạc tiên – Passifloraceae), là cây thuốc an thần mới được Đông y Việt Nam nghiên cứu ứng dụng theo kinh nghiệm của… Tây y.
“Lạc tiên mát gan, an thần/ Thanh tâm ngủ khỏe, đâu cần thuốc tiên”. Ảnh: P.C.T |
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GSTS. Đỗ Tất Lợi, trước đây hầu như nhân dân ta không dùng cây này làm thuốc. Từ năm 1940, một dược sĩ Việt Nam từ Pháp về thấy cây lạc tiên ta hơi giống cây Passiflora incarnata (còn gọi Lạc tiên tây, được Dược điển Pháp chính thức công nhận làm thuốc an thần), nên đã dùng cây lạc tiên ta chế làm thuốc an thần. Từ đó ta quen dùng. Các xí nghiệp và bệnh viện trước đây thường dùng chế dạng thuốc nước pha đường hoặc pha cồn làm thuốc an thần, chữa mất ngủ, tim hồi hộp. Giáo trình Bài giảng Y học cổ truyền của Đại học Y Hà Nội đã xếp Lạc tiên vào nhóm thuốc dưỡng tâm an thần, dùng chữa mất ngủ và di tinh.
Lạc tiên là dây leo bằng tua cuốn, thân tròn và rỗng. Toàn cây có lông. Lá mọc so le, dài khoảng 7cm, rộng tới 10cm, chia làm 3 thùy nhọn, thùy giữa lớn hơn hai thùy bên. Lá kèm rách ở mép. Tua cuốn mọc từ nách lá. Hoa trắng, có tràng phụ hình sợi, màu tím. Quả tròn, bao bởi lá bắc tồn tại như là một cái bao ở ngoài. Quả chín vàng, ăn được. Thu hái toàn cây, phần trên mặt đất, phơi khô dùng làm thuốc.
Lạc tiên mọc hoang khắp nơi, leo quấn ở các bãi trống lùm bụi. Cũng thường trồng ở các vườn thuốc. Lạc tiên được nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Hạt gieo vào vườn ươm. Lấy cành loại bánh tẻ (không non, không già), cắt đoạn có 3 mắt trở lên, trồng thẳng hoặc giâm cho ra rễ. Khoảng cách cây là 2-3m. Thời vụ trồng tốt nhất vào mùa xuân. Cầm làm giàn hoặc cắm cọc cho cây leo.
Theo “Từ điển cây thuốc Việt Nam”, Lạc tiên có vị ngọt và đắng, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Quả có tác dụng an thần, giảm đau. Nhân dân ta thường hái ngọn non Lạc tiên làm rau ăn sống, luộc hay nấu canh. Quả chín vàng ăn được (chú ý không ăn quả xanh vì có alcaloid độc!). Lạc tiên được dùng trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, ngủ hay mơ, phụ nữ hành kinh sớm. Còn dùng trị ho, phù thũng, viêm mủ da, lở ngứa, loét ở chân. Ngày dùng 3-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài đun nước rửa và giã cành lá tươi để đắp.
Ở Ấn Ðộ, nước sắc lá dùng để trị bệnh thiếu mật và hen suyễn, quả dùng gây nôn; lá dùng đắp và điều trị choáng váng và đau đầu.
Ở Trung Quốc (TQ), trong sách “Dược vật chí thành phố Nam Ninh”, lần đầu ghi nhận toàn cây Long châu quả (Lạc tiên) có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy. Dùng chữa phế nhiệt khái thấu (ho do phế nóng), phù thũng, bạch trọc, giã đắp chữa ung nhọt lở loét.
Theo “Danh lục cây thuốc Quảng Tây”, TQ, quả lạc tiên có tác dụng nhuận phế, giảm đau, trị mụt nhọt lở loét, vô danh thũng độc.
Theo “Trung Hoa bản thảo”, Lạc tiên có vị ngọt, chua, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát phổi, chữa ho, đái đục, ung nhọt, viêm kết mạc do ngoại thương, viêm hạch lymphô.
Ðơn thuốc:
1. Suy nhược thần kinh, mất ngủ: Lạc tiên 8-16g sắc uống. Hoặc dùng phối hợp: Lạc tiên 150g, Lá vông 120g, Lá dâu 100g, Tâm sen 20g, Đường 90g, nấu thành 100ml cao lỏng, mỗi ngày dùng 2-4 muổng canh, uống trước khi đi ngủ.
2. Bài thuốc an thần, có tác dụng trợ tim, ngủ được, êm dịu thần kinh: Hạt sen 12g, lá Tre 10g. Cỏ mực 15g, Lá dâu 10g, Lạc tiên 20g, Vông nem 12g, Cam thảo 6g, Xương bồ 6g, Táo nhân sao 10g. Ðổ 600ml nước sắc còn 200ml nước, uống ngày 1 thang.
3. Trị ho: Lạc tiên quả (khô) 10-15g sắc uống. Hoặc dùng Dây lá lạc tiên 20g, Bạc thau 15g, Sả 10g, sắc uống ngày 1 thang.
4. Viêm mủ da, ghẻ lở, ngứa, loét ở chân: Dùng dây lá lạc tiên lượng vừa đủ nấu nước tắm rửa và giã cành lá tươi để đắp.
PHAN CÔNG TUẤN