Đà Nẵng cuối tuần
Tấm gương người chí sĩ yêu nước bất khuất
Thực dân Pháp và Nam triều đã thẳng tay đàn áp những người tham gia - và cả những người không trực tiếp tham gia Trung Kỳ dân biến năm 1908 - cuộc biểu tình kháng thuế cự sưu khởi đầu từ Quảng Nam rồi lan rộng khắp Trung Kỳ, khiến phong trào yêu nước và cách mạng đất Quảng - theo cả hai xu hướng Minh xã/phong trào Duy tân/bất bạo động và Ám xã/Duy tân hội/bạo động - tổn thất quá nặng nề. Các sĩ phu đất Quảng, nếu không phải thụ hình án chém như Trần Quý Cáp hay như Ông Ích Đường - người ra pháp trường với câu nói nổi tiếng: Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác, bao giờ hết mía mới hết Đường! - thì cũng phải chịu cảnh giam cầm đày ải, rất ít người tránh khỏi liên lụy.
Huỳnh Thúc Kháng (1876 -1947) |
Trong cuộc thoái trào đau đớn ấy, với tư cách là một thành viên của “Bộ ba Quảng Nam” đang có mặt ở đất Quảng, Huỳnh Thúc Kháng lập tức bị bắt giam tại Nhà lao Hội An trước khi bị đày ra Côn Đảo. Nhưng đúng như lời một ca khúc mà nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng viết trong nhà tù của chế độ Sài Gòn thời chống Mỹ, “chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/ đây cũng là chiến trường mà ta không cầm vũ khí”, nhà lao Hội An hay ngục tù Côn Đảo chỉ có thể làm ngời sáng tấm gương yêu nước bất khuất của Huỳnh Thúc Kháng và các bạn tù chính trị của Cụ. Trong thư gửi đồng bào cả nước viết ngày 29-4-1947 về việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Huỳnh Thúc Kháng từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết”. Bài viết này đi sâu phân tích chân dung của Huỳnh Thúc Kháng trong những ngày sống và chiến đấu trên hai chiến-trường-không-cầm-vũ-khí ấy.
Trước hết không thể không kể đến sự kiện Huỳnh Thúc Kháng viết tác phẩm chữ Hán Thi tù tùng thoại ở Côn Đảo, trong khoảng thời gian từ năm 1908 - là năm Cụ vào tù, cho đến năm 1921 - là năm Cụ ra tù. Huỳnh Thúc Kháng là người đầu tiên bị bắt giam ở nhà lao Hội An sau khi Trung Kỳ dân biến bùng nổ. Qua Thi tù tùng thoại, chính Huỳnh Thúc Kháng đã giúp hậu thế hình dung tình cảnh của Cụ trong khoảng ba tháng sống và chiến đấu trên chiến-trường-không-cầm-vũ-khí ở Hội An: “Tháng Hai năm Mậu Thân 1908 (tức tháng 3 dương lịch - BVT), tôi (tức Huỳnh Thúc Kháng - BVT) bị bắt giam ở nhà ngục Faifo, giam riêng trong một phòng. Cách hai ngày sau, có hai em học trò đem mền áo và quà bánh trình với quan Chef Ngục, xin đưa vào cho tôi. Lính gác xét trong số đồ gửi đó có bức thư của người bạn gửi cho tôi, thư viết bằng chữ Hán, thư chỉ hỏi thăm tôi nhưng Ngục quan nghi là có gì quan hệ, hai em học trò bị bắt, bị giải giao lên quan tỉnh giam cứu. Từ đó thân nhân và bạn hữu không ai dám tới thăm, gửi đồ. Mà cách giam phòng càng nghiêm ngặt hơn trước, người ở ngoài đều lo cho tôi mà không ai dám đến hỏi thăm...”.
Tuy nhiên, phần lớn nội dung Thi tù tùng thoại được Huỳnh Thúc Kháng dành kể chuyện ở nhà tù Côn Đảo. Thời gian ở tù dài như vậy nên Huỳnh Thúc Kháng tai nghe mắt thấy nhiều chuyện liên quan đến đời sống của chính trị phạm/quốc sự phạm ngoài Côn Đảo nói chung và chính trị phạm/quốc sự phạm người Quảng nói riêng, và cuốn Thi tù tùng thoại của Cụ có thể được xem là cuốn lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng của người Quảng trong giai đoạn từ cuối thập niên thứ nhất đến hết thập niên thứ hai của thế kỷ XX, qua góc nhìn và giọng kể của Huỳnh Thúc Kháng. Khi Huỳnh Thúc Kháng được trả tự do, Thi tù tùng thoại bản chữ Hán bị nhà cầm quyền Pháp tịch thu và đốt. Về đến Huế làm báo, Huỳnh Thúc Kháng chép lại Thi tù tùng thoại theo trí nhớ và dịch ra tiếng Việt, đăng nhiều kỳ trên Tiếng Dân - từ số 1106 đến số 1196, sau đó Thi tù tùng thoại được Nhà in Báo Tiếng Dân in thành sách phát hành ở Huế vào năm 1939, rồi được Nhà sách Nam Cường tái bản và phát hành ở Sài Gòn vào năm 1952.
Sống và chiến đấu trên chiến-trường-không-cầm-vũ-khí ngoài Côn Đảo, trong cuốn sách quan trọng nhất đời mình, Huỳnh Thúc Kháng đã tái hiện những tấm gương yêu nước trước hết là của các sĩ phu đất Quảng, chẳng hạn như của Châu Thượng Văn. Năm 1908, Trung Kỳ dân biến khởi đầu từ Đại Lộc nhưng lại bùng phát ở ngay Faifo/Hội An quê Châu Thượng Văn, thực dân Pháp và Nam triều lập tức liệt ông vào danh sách những người chủ mưu, bắt giam ông và kết án chung thân đày ra Lao Bảo. Và vì muốn bảo toàn lực lượng cho phong trào nên chính ông đã nhận toàn bộ trách nhiệm về phần mình: Người nước Nam sang Nhật Bản và hạt dân xin thuế, chính tôi là người chủ mưu, không ai dám dự vào cả! Rồi trên đường đi đày, Châu Thượng Văn tuyệt thực mà chết ở nhà lao Phủ Thừa - một sự lựa chọn được ông cho là việc dễ so với việc khó là sống để tiếp tục cuộc đấu tranh. Điều này được Huỳnh Thúc Kháng kể lại một cách trân trọng trong Thi tù tùng thoại: Tôi gọi thử: - Châu tiên sinh! Châu tiên sinh! Còn nhìn biết tôi là ai không? Khi ấy Châu quân mở hai mắt nhìn tôi một chốc lâu rồi nói nho nhỏ trong cổ: - Mính Viên quân, tôi làm cái dễ, còn anh em gắng gánh lấy sự khó.
Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng còn xúc động nhắc đến Dương Thạc - tác giả của câu ngục trung thi nổi tiếng viết về Côn Đảo: Hòn đảo mồ côi giữa cõi cùng - được xem là người đầu tiên của phong trào Trung Kỳ dân biến hy sinh tại Côn Đảo. Do vậy, cái chết vào năm 1909 của Dương Thạc gây xúc động mạnh trong các bạn tù, và ngôi mộ ông còn được các chính trị phạm/quốc sự phạm thuê người dựng bia khắc tên: Việt Nam chí sĩ Dương Trường Đình chi mộ, và cả 40 chính trị phạm/quốc sự phạm ở đây đều có câu đối viếng ông - các câu đối ấy về sau được tập hợp lại thành một tập, Huỳnh Thúc Kháng đề tựa và được truyền về trong nước, truyền tụng khắp nơi, cho đến mấy anh em du học bên Nhựt Bản cũng nhiều người đọc thuộc...
Tuy nhiên dũng khí của Huỳnh Thúc Kháng bộc lộ rõ nhất khi Cụ viết Mậu Thân dân biến ký - tức là viết về chính cái nguyên nhân mà kẻ thù đã dùng để tuyên ông án chung thân - ngay trong bagne/trại giam Côn Đảo. Đương nhiên Mậu Thân dân biến ký cũng cùng chung số phận với Thi tù tùng thoại: tác giả không được mang theo khi rời Côn Đảo, cho nên về đất liền Huỳnh Thúc Kháng lại phải viết Trung Kỳ cự sưu ký rồi tự dịch ra quốc ngữ như đã xử lý đối với trường hợp Thi tù tùng thoại.
Với quan niệm nghệ thuật Thi dĩ ngôn chí/Thơ để nói chí, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ tập hợp trong Thi tù tùng thoại những bài thơ của các bạn tù mà còn đưa vào không ít bài thơ do chính mình sáng tác, tiêu biểu nhất có thể kể đến bài Cảm tác nhân gặp cụ Tây Hồ ở Côn Lôn: Khả liên câu thị đáo Côn Lôn/ Bỉ thử Sâm Thương kỷ hiểu hôn/ Ngã phát thương thương quân xỉ lạc/ Tương phùng nhất tiếu lưỡng vô ngôn (Tự dịch: Kiếp tù chung một cõi ven trời/ Hai ngã Sâm Thương cách mỗi nơi/ Tóc tớ phơ phơ răng bác rụng/ Gặp nhau không nói ngó nhau cười). Bộ-ba-Quảng-Nam vào năm 1908 có một người bị án chém ngang lưng là Trần Quý Cáp và hai người bị án đày Côn Đảo là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Sống và chiến đấu trên chiến-trường-không-cầm-vũ-khí ngoài Côn Đảo, chắc chắn hai cụ rất mong được gặp nhau, nhưng suốt ba tháng trời, Huỳnh Thúc Kháng chỉ nhận được một bức thư của Phan Châu Trinh gửi động viên chung các bạn tù, chính vì thế mà cuộc gặp ngắn ngủi và bị giám sát chặt chẽ này là cơ hội hiếm hoi để Cặp-đôi-Quảng-Nam trao đổi bao nhiêu điều muốn nói. Thế nhưng kết quả họ gặp nhau và chỉ nhìn nhau cười chứ không hề nói chuyện. Điều này cho thấy mối thâm giao giữa Cụ Huỳnh và Cụ Phan, bởi nụ cười đã nói thay tất cả.
Cũng tại Côn Đảo, Huỳnh Thúc Kháng đã tích cực chuẩn bị cho sự nghiệp báo chí của mình - dẫu có thể lúc ấy Cụ cũng chưa nghĩ đến ngày mình có thể ra tù, càng chưa nghĩ đến ngày mình làm báo. Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng Dân không chỉ với tư cách một người viết báo, thậm chí không chỉ với tư cách một tổng biên tập, mà còn là và chủ yếu là với tư cách một nhà quản lý tờ báo. Thời gian tham gia lãnh đạo Phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX, chắc Huỳnh Thúc Kháng cũng tích lũy được những kiến thức quản trị kinh doanh cơ bản khi tiếp cận với mô hình lấy hội buôn nuôi nghĩa thục, điển hình như trường Diên Phong gắn với Hợp thương Diên Phong, nhưng chính thời gian Huỳnh Thúc Kháng được vào làm việc phòng giấy Giám ngục/Gardien Chef ngoài Côn Đảo mới là cơ hội để tự chuẩn bị kiến thức và kỹ năng quản lý. Nhờ quá trình năm năm - từ năm 1912 đến năm 1917 - làm việc ở phòng giấy Giám ngục/Gardien Chef mà ông trở nên quen thuộc với những con số kế toán thống kê, những lịch làm việc hằng tuần hằng tháng của quản trị học hiện đại so với đương thời.
Trước khi bị đày ra Côn Đảo, Huỳnh Thúc Kháng đương nhiên rất giỏi chữ Hán - không chỉ vì Cụ đỗ giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900 và đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân kỳ thi Đình năm Giáp Thìn 1904 mà còn vì Cụ đã nổi tiếng văn hay chữ tốt từ khi còn rất trẻ. Nhưng đúng như cố Giáo sư Vĩnh Sính nhận xét: “Trước khi bị đày, cụ Huỳnh vì theo lối học cử nghiệp ngày trước nên không biết tiếng Pháp. (Cho nên) khi ra đảo, cụ “mang theo một quyển Pháp Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecture - langage, và một quyển mẹo (Grammaire)... Sau lại mua thêm một ít sách Lecture và sách mẹo, cùng một bản “L’histoire nationale Française” cùng nhau nghiên cứu” (Vĩnh Sính trích dẫn Thi tù tùng thoại - BVT). Các cụ “học bằng con mắt với cái não, nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái” (Vĩnh Sính trích dẫn Thi tù tùng thoại - BVT). Khả kính thay chí tiến thủ, tinh thần hiếu học, và thái độ lạc quan yêu đời của Huỳnh Thúc Kháng cùng các nhà nho duy tân vào đầu thế kỷ XX!” (1). Đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái Tiếng Pháp như vậy đã là một lợi thế vô cùng lớn của người làm báo thời Pháp thuộc - ngay trên manchette của Báo Tiếng Dân, ngoài tên báo được in bằng chữ quốc ngữ còn có thêm phụ ngữ bằng chữ Pháp “La Voix du Peuple” và chữ Hán “Dân Thanh”.
Tích cực chuẩn bị cho sự nghiệp báo chí của mình, ngay khi viết Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng cũng đã tỏ rõ quan điểm thượng tôn sự thực khi cầm bút trước tác: “Song vào khoảng sử cận đại ta, ít kẻ ghi chép, phần thì việc kỵ húy, phần thì nghe được điều này mất điều khác, mà những người đứng vai chính trong tấn kịch, kẻ chết người đày, người ngoài nghe mà chép cũng hay sai với sự thực. Huống là cái thế giới của đảo tù, người ngoài không mấy hiểu. Vì thế nhân chuyện thi văn mà gửi một ít sử liệu ở trong. Giấy vụn bìa tan, biết đâu sau này không trở nên món tài liệu chân xác cho nhà làm sử” (Bài Tựa sau). Chính xuất phát từ quan điểm thượng tôn sự thật như vậy nên khi làm báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã bộc lộ rõ bản lĩnh khẳng khái của người làm báo yêu nước và cách mạng qua những câu hừng hực khí tiết mang tính tuyên ngôn: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói” (2), hoặc rành rọt hơn: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói” (3).
Trong điếu văn đọc tại Lễ tang Cụ Huỳnh, Cụ Phạm Văn Đồng đã khái quát cả cuộc đời Cụ Huỳnh: “Thưa Cụ, người đời có mấy ai sống đến 70 tuổi. Nhưng dẫu sống 70 cũng mấy ai làm được sự nghiệp. Nhưng lạ lùng thay, đời người như đời của Cụ sao mà đầy đủ đến thế, vẹn toàn đến thế, tốt đẹp đến thế. 50 năm lịch sử kháng Pháp của dân tộc, còn sót mấy trang không in dấu tích của Cụ. Bao nhiêu phong trào oanh oanh liệt liệt kế tiếp lôi cuốn nhân dân Việt Nam trên con đường độc lập và dân chủ, hôm qua đây Cụ còn là kẻ hiện thân sinh động” (4). Sở dĩ Cụ Phạm Văn Đồng có thể khẳng định Cụ Huỳnh là kẻ hiện thân sinh động cho nhân dân Việt Nam trên con đường độc lập và dân chủ là vì Cụ đã tỏ rõ tấm gương yêu nước bất khuất trong chốn lao tù thực dân phong kiến.
"Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập" (Hồ Chí Minh) |
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Dẫn theo Vĩnh Sính: Thăm Côn Đảo và suy ngẫm về cuốn Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, Erct.com, 2010.
(2) Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân số ra ngày 10-8-1927
(3) Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân số ra ngày 1-5-1929
(4) Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 1634