Đà Nẵng cuối tuần
Chăm bệnh là một nghề?
Người hành nghề giúp việc, trông trẻ vài năm trở lại đây có thêm sự lựa chọn mới cho mình: nghề chăm sóc bệnh nhân nặng. Công việc ấy mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhưng cũng lấy đi của họ sức lực, thời gian và làm đầy thêm ký ức buồn vì sự - ra - đi của gia chủ.
Các cơ sở y tế tư nhân hiện nay mạnh dạn đầu tư máy móc chất lượng cao. TRONG ẢNH: Máy nội soi tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa chất lượng cao Thiện Nhân tại Đà Nẵng. |
Ăn cơm bệnh nhân, ngủ hành lang bệnh viện
Vừa bước vào khoa Nội lão khoa, Bệnh viện C Đà Nẵng, chúng tôi suýt đụng phải người phụ nữ với mái đầu bù rối, dáng vẻ tất tả, bước thấp bước cao đang đi vội về hướng cầu thang. Vị bác sĩ đi cùng nói nhỏ: “Chị ấy tên Sáu, quê Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đang chăm giúp cụ ông tên T.V.N trong này. Không biết lương tháng nhà chủ trả cho bao nhiêu chứ suốt 10 ngày qua tôi chưa thấy chỉ (chị ấy) ngủ yên giấc. Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đều tranh thủ làm lúc người bệnh ngủ. Chỉ cần chủ dậy là chỉ phải vứt tất cả để xoa bóp tay chân, động viên, trò chuyện cùng. Người già bệnh nặng hay chướng tính, khó chiều nên nom chị vất vả lắm”.
Khi chúng tôi còn đang trò chuyện, đã thoáng thấy dáng chị Sáu quay trở lại giường bệnh cùng hộp cơm trên tay. Chờ chị ăn xong, tôi khẽ hỏi: “Chị làm nghề này lâu chưa?”, chị mỉm cười, đưa tay lên miệng “suỵt” một cái rồi đứng dậy ngoắc tôi ra ngồi ngoài hành lang. Chị bảo, rất khó khăn cụ ông mới chợp mắt nên ra ngoài nói chuyện cho ông ngủ. Vào nghề năm 42 tuổi, sau gần 5 năm, chị Sáu nhẩm tính mình chăm chừng 9 ca bệnh nặng. Có người chăm cả năm trời, nhưng cũng có người chị chỉ chăm vài ba tuần vì bệnh tình quá nặng. Người này mất, chị được giới thiệu đến một gia đình bệnh nhân mới. Cứ thế, công việc cứ cuốn chị đi và chuyện vào – ra bệnh viện, ăn cơm bệnh nhân, ngủ hành lang bệnh viện đối với chị giờ đây trở nên vô cùng quen thuộc.
Từ cửa sổ, thỉnh thoảng chị Sáu nhìn vào giường người bệnh để chắc chắn rằng ông N. vẫn đang ngủ. Chị cho biết, chị nhận chăm sóc ông N. từ 3 tháng trước, ông bị tai biến nằm một chỗ, mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải có người giúp. Người nhà hằng ngày đến thăm ông, nhưng công việc bận bịu, nên mọi chuyện theo dõi nhiệt độ, cho ông N. uống thuốc đúng giờ, vệ sinh cơ thể, thay quần áo, giặt giũ, chăm sóc bữa ăn, đẩy ông đi dạo quanh sân, xoa bóp, lật trở cơ thể chống lở loét, trò chuyện cùng ông… đều trông vào chị. 10 ngày trước, thời tiết không tốt, bệnh ông trở nặng, chị Sáu túc trực ngày đêm. Thỉnh thoảng ông N. lên cơn khó thở, chị lại ào đi gọi bác sĩ rồi vội trở về nắm chặt bàn tay người chủ của mình.
Chăm riết thành thương, thành quen, nhiều người không xem đây là nghề mưu sinh, mà xem là duyên nợ của mình với người bệnh.
Hơn 5 năm nay, chị Lê Thị Hồng (quê Quế Sơn, Quảng Nam) vẫn gắn bó với công việc này bởi mỗi lần chăm bệnh, chị nhớ lại khoảng thời gian mình chăm mẹ già ở quê. Mẹ chị là thương binh, từng bị tù đày, vết thương do kẻ thù gây ra cứ âm ỉ trong cơ thể mẹ năm này qua năm khác rồi đánh gục bà vào một chiều cuối đông. Từ đó, bà nằm liệt giường, là con gái duy nhất trong nhà, chị Hồng nhận phần chăm mẹ. Cứ thế, bằng tình thương, chị lo từng miếng cơm chén thuốc, lau rửa, vệ sinh thân thể mẹ. Bà ở với chị được 3 năm thì đi. Kể đến đây, chị Hồng xúc động nói: “Thương lắm em ơi, mỗi khi chăm bệnh, thấy ai đó có vết lở loét vùng lưng, mông vì phải nằm lâu, chị lại nhớ mẹ, lại thương và càng tỉ mẩn lau rửa, sát trùng vết thương. Chị nghĩ, chính mẹ là người đưa chị đến với công việc này và giúp chị gắn bó với nó nhiều năm nay”.
Qua chia sẻ của người nhà bệnh nhân, chúng tôi được biết giá một ngày công của người chăm sóc dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng, chưa tính tiền ăn uống. Như vậy, nếu có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập cứng của những người như chị Sáu, chị Hồng ít nhất cũng tầm 6 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức thu nhập tương đối hấp dẫn với phụ nữ nông thôn hay những ai muốn tìm kiếm một công việc ổn định trong thời gian nuôi con ăn học.
Sống được với nghề, không dễ
Công việc mang lại mức thu nhập tương đối ổn, nhưng không phải ai cũng sống chết với nghề. Tốt nghiệp ngành Điều dưỡng, hệ Trung cấp (Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng) năm 2015, N.T.T.H xin vào làm việc tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Tuấn Hoàng (Đà Nẵng). Ngay ca bệnh đầu tiên, Trung tâm giao cho H. chăm sóc một cụ bà 75 tuổi mắc bệnh tiêu hóa. Khi H. đến, bệnh nhân đang ôm bụng khóc lóc vì mấy ngày rồi không thể đi vệ sinh. Vận dụng hết kiến thức đã học, H. tiến hành thụt, xịt thuốc vào hậu môn giúp làm mềm phân và kê hẳn một bảng thực đơn ăn uống giàu chất xơ, tinh bột, cho người bệnh uống nhiều nước, hỗ trợ vận động đi lại… Làm được vài ngày, H. thường xuyên bị ám ảnh bởi công việc đến nỗi không thể nuốt trôi thức ăn nên xin thôi việc và chấp nhận vào làm tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận Liên Chiểu, với mức lương chưa bằng một nửa.
Tương tự H., chị Nguyễn Thị Th. ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn mới mon men vào nghề đã gặp ngay ca bệnh khó. Bệnh nhân đầu tiên của chị vừa bị tai biến, vừa mắc bệnh thần kinh nhẹ. Suốt ngày, chị luôn bên cạnh giúp ông vận động, nghe ông huyên thuyên đủ chuyện dây cà qua dây muống. Chỉ cần nhìn thấy chị lơ đãng không nghe, ông lại nhéo chị đau điếng, cằn nhằn rằng người lớn đang nói chuyện thì người nhỏ hơn phải biết lắng nghe, không nghe là hỗn, là không tôn trọng. Hay có những đêm ông đau đầu không ngủ được, lại gọi chị vô phòng ngồi nghe ông kể chuyện chiến tranh, dẫn ông đi vệ sinh, hít thở khí trời. Làm được một thời gian, chị mất ngủ, người căng thẳng, gầy rộc nên quyết định xin nghỉ, dù gia đình chủ hứa sẽ tăng lương.
BS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng cho rằng, để làm được nghề này, người chăm sóc phải thành thạo những kỹ năng cơ bản của một điều dưỡng, đồng thời phải biết phối hợp tốt với bác sĩ, y tá trong khâu chăm sóc, thuốc thang cho bệnh nhân. Nếu được đào tạo tốt, những người chăm sóc bệnh sẽ là đội ngũ hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị của bệnh viện thông qua việc vệ sinh vết thương, chống lở loét, cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống đúng giờ, giúp vận động và đặc biệt là thường xuyên trò chuyện, nâng đỡ tinh thần cho người bệnh. Ngược lại, nếu chỉ làm việc theo cảm tính, thì vô tình, họ sẽ cản trở sự phục hồi của người bệnh.
Dịch vụ y tế hiện nay đã đến từng cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác khám chữa bệnh. TRONG ẢNH: Chụp tại Vietcombank, Chi nhánh Đà Nẵng. |
Dịch vụ dành cho người khá giả
Trước nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường, thời gian gần đây, dịch vụ chăm sóc người bệnh có xu hướng nở rộ tại Đà Nẵng. Ngoài Công ty TNHH Dịch vụ Nhân Ái hoạt động từ năm 2008, nay có thêm Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Tuấn Hoàng, Công ty TNHH MTV Nam Hợp Phát… Ông Phùng Thế Luân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nhân Ái (Chi nhánh Đà Nẵng) cho biết, so với nghề trông trẻ, giúp việc nhà thì công việc chăm sóc bệnh nhân nặng mang đến cho người lao động mức thu nhập cao hơn hẳn. Cụ thể, hiện nay mức giá dịch vụ công ty đưa ra là 330.000 đồng (bao gồm 80.000 đồng tiền ăn)/ngày cho hợp đồng 15 ngày đầu tiên. Hợp đồng từ ngày thứ 16 trở đi, phí dịch vụ giảm còn 300.000 đồng. Ông Luân khẳng định, do công việc này khá vất vả, thường xuyên thức khuya, dậy sớm, vào ra bệnh viện, lại đòi hỏi sự cẩn trọng, chu đáo, sạch sẽ và có tâm với người bệnh nên mức giá công ty đưa ra xứng đáng với công sức người lao động bỏ ra.
Bên cạnh gói dịch vụ cung cấp người chăm bệnh theo tháng, hiện các cơ sở trên có thêm các gói dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân với mức giá công khai để khách hàng lựa chọn. Đơn cử, có trung tâm đưa ra bảng giá dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà (đã bao gồm thuốc) như thay băng vết thương nhiễm trùng, vết loét (70.000 đồng), đặt sonde dạ dày (100.000 đồng), đặt sonde tiểu (150.000 đồng), truyền đạm, nước trái cây loại 500ml (250.000 đồng)…
Tuy nhiên, với mức giá này, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sử dụng hằng ngày bởi gánh nặng viện phí, thuốc thang đã là quá sức với họ. Anh Lê Trí, nhà ở quận Sơn Trà cho biết, do công việc thường xuyên phải đi xa, không có ai chăm sóc mẹ già đang sống một mình, không đủ tiền thuê mướn dịch vụ vì giá cả quá sức với một người làm công ăn lương thuần túy như anh, nên đã chọn cách tìm một nữ sinh viên đang theo học ngành điều dưỡng, cho ở trọ, ăn uống miễn phí trong nhà, bù lại sẽ giúp anh chăm sóc mẹ già những khi trái gió trở trời.
Nhiều người chia sẻ rằng, nghề chăm sóc bệnh nhân nặng cũng giống như nghề “làm dâu trăm họ” nên những gian nan, vất vả, lắm khi là nỗi oan ức là điều khó tránh khỏi. Nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, trước mức thu nhập hấp dẫn và hơn hết là sự đồng cảm với nỗi đau người bệnh, họ cứ thế, tiếp tục “bám” nghề.
TIỂU YẾN