.

Đà Nẵng cuối tuần

"Chiếc phao" cho người nghèo

06:59, 27/11/2016 (GMT+7)

Các chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) mà Đà Nẵng triển khai dành cho đối tượng là hộ nghèo, cả số mới tiệm cận ở mức nghèo hay mới thoát nghèo, là nghĩ đến những chính sách lâu dài. Khi nào vòng luẩn quẩn “nghèo sinh bệnh” hay “bệnh sinh ra nghèo” được giải quyết, thì khi ấy người nghèo mới được hưởng một chính sách an sinh tốt, toàn diện.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ thẻ BHYT miễn phí vì đây là bệnh cần được chăm sóc, uống thuốc suốt đời. TRONG ẢNH: Chăm sóc bệnh nhân tại phòng Hồi sức, khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ thẻ BHYT miễn phí vì đây là bệnh cần được chăm sóc, uống thuốc suốt đời. TRONG ẢNH: Chăm sóc bệnh nhân tại phòng Hồi sức, khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.

Tấm thẻ cứu sinh

Mắc bệnh suy thận hơn một năm nay, chị L. vẫn bám vào sạp hàng rau củ ở chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, mong kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con và chữa bệnh. Hai tháng nay chị phải nhập viện điều trị, sạp hàng phải nhờ em ruột trông giúp. Chị bảo đang phải uống thuốc điều trị, chưa phải chạy thận, vậy mà cũng tốn kém nhiều, bao nhiêu tiền dành dụm được đổ vào việc mua thêm một số thuốc, ăn uống, tiền lãi từ sạp hàng rau củ cũng không bao nhiêu. “May có cái thẻ BHYT dành cho hộ nghèo chứ không thì tiền nào mà chịu thấu. Một mình chị nuôi hai đứa con, mấy năm trước con còn nhỏ, chị đi làm thuê, được đưa vô diện hộ nghèo. Từ ngày vay mượn của chị em soạn được sạp hàng ở chợ, chưa “nhỉnh” lên được chút mô thì mắc bệnh, nên mấy chị trên phường vẫn cho hưởng cái thẻ BHYT hộ nghèo. Đau ốm thế này không biết khi mô thoát nghèo”, chị L. lo âu.

Năm 2015, chị Trần Thị L. (quận Hải Châu) cũng một phen chới với khi bác sĩ xác nhận chị mắc bệnh ung thư vú. Bác sĩ yêu cầu chị nhập viện mổ sớm. Lên bàn mổ mà nước mắt vắn dài vì trong nhà không có lấy đồng dư, con còn nhỏ. Cũng may chi phí phẫu thuật, nằm viện của chị được miễn hoàn toàn, vì là hộ nghèo. Chuyện chị L. nghèo nhất xóm ai cũng biết, bởi thế nên khi bà tổ trưởng dân phố thông báo chị L. nhập viện phẫu thuật, bà con lối xóm vừa quyên góp, vừa kéo nhau đi thăm. Chị bảo “nhờ có thẻ BHYT hộ nghèo, chị được miễn phí điều trị, chứ không gánh nặng viện phí nhiều lắm”.

Hiện nay, chuẩn nghèo của Đà Nẵng được xác định với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Mức này cao hơn chuẩn nghèo của cả nước hiện nay. Với áp dụng mức chuẩn nghèo này, cuối năm 2015, thành phố xác nhận có 23.354 hộ nghèo, chiếm 9,18% dân số. Với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, 100% người nghèo ở Đà Nẵng được giải quyết vay vốn ưu đãi; được giải quyết trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được hỗ trợ tiền điện; trẻ em hộ nghèo đều được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập…

Đặc biệt, đối với những gia đình có người mắc bệnh nan y, phần lớn được chuyển vào diện người nghèo và được cấp thẻ BHYT. Những năm trước, từ mức hỗ trợ cho người nghèo khi tham gia BHYT là 80%, sau đó tăng lên 95% và nay là 100%, người nghèo được miễn phí hoàn toàn khi khám chữa bệnh. Theo giải thích của ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng, đây là cách để cộng đồng san sẻ giúp người nghèo, mong họ vượt qua bệnh tật. Bởi bệnh tật sinh ra nghèo túng; cơ hội chữa khỏi bệnh có thể giúp họ thoát nghèo. Và khi nâng mức quyền lợi (được miễn phí 100% từ năm 2015), sẽ giảm thiệt hại, chi phí cho gia đình người bệnh. Cũng như việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến quận, huyện từ năm 2016, sẽ giúp người nghèo là người lao động tự do chỉ cần có tấm thẻ BHYT là có thể khám chữa bệnh ở bất kỳ đâu, không phải đóng tiền trái tuyến.

Song hành với an sinh cho người nghèo

Người nghèo vào viện chữa bệnh được miễn hết chi phí khám chữa bệnh đã đành, họ còn được bệnh viện hỗ trợ tối đa những chi phí ngoài danh mục chi trả của BHYT (chi phí kỹ thuật cao hoặc thuốc ngoài danh mục). Bà Nguyễn Thị Tân, Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trên 80% bệnh nhân vào khoa là người nghèo (trong đó trẻ em chiếm khoảng 70%). Dù bệnh tim không phải nằm viện chữa bệnh nhiều như một số bệnh khác, nhưng chi phí chữa bệnh lớn. Ví dụ như bệnh nhân sau mổ thay van tim hoặc bắc cầu mạch vành, sau khi mổ phải uống thuốc suốt đời. Gia đình bởi thế không nghèo cũng thành nghèo.

Với bệnh phành bóc tách động mạch chủ ngực, bụng, ở trường hợp cấp cứu đặt stent graft (đặt 1 cái giá 320 triệu đồng, 2 cái giá 450 triệu đồng), thì không phải gia đình nào cũng chịu được chi phí kỹ thuật cao đó. Năm 2015 trở về trước, BHYT không thanh toán chi phí này, nhưng bắt đầu từ năm 2016, chi phí đặt stent graft được bảo hiểm thanh toán 40 tháng lương cơ bản. Đây cũng là một giải pháp để nhiều bệnh nhân BHYT sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao.  

Theo thông tin từ Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, giai đoạn từ 2010-2016, Hội tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh tim bẩm sinh cho hơn 97.000 em, phát hiện hơn 1.000 em nghi bị bệnh tim bẩm sinh và hỗ trợ phẫu thuật cho 458 em với số tiền trên 21 tỷ đồng. Hội đã miễn giảm viện phí cho 7.124 lượt bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Ung thư (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng; miễn giảm viện phí cho 9.634 lượt bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Phụ nữ với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng (trong đó bệnh nhân nghèo bị ung thư vú, tử cung được miễn 100%).

Trong số các địa phương ở Đà Nẵng thì người nghèo ở huyện Hòa Vang vẫn chiếm số đông nhất, và số thẻ BHYT cấp cho người nghèo ở đây lên đến 15.319 thẻ (trong đó số người thuộc hộ nghèo: 12.034 người, số đã thoát nghèo: 2.559 người và số cận nghèo: 726 người).

Ông Phạm Quốc Khánh cho rằng, khi thành phố hỗ trợ thẻ BHYT cho nhiều đối tượng người nghèo, cả số mới tiệm cận ở mức nghèo hay mới thoát nghèo, là nghĩ đến những chính sách lâu dài. Bởi thoát được vấn đề “bệnh sinh ra nghèo” và cơ sở khám chữa bệnh như nhau, dịch vụ y tế tốt thì người nghèo ở đó có cơ hội được hưởng nhiều dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, sử dụng được nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Khi nào vòng luẩn quẩn “nghèo sinh bệnh” hay “bệnh sinh ra nghèo” được giải quyết, thì khi ấy người nghèo mới được hưởng một chính sách an sinh tốt, toàn diện.

Tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Đà Nẵng quyết định thành lập Phòng Công tác xã hội, nhằm mục đích hỗ trợ bệnh nhân ở mức cao nhất. BS CKII Lê Hồng Hải, Trưởng phòng cho biết, Phòng Công tác xã hội sẽ kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội giúp bệnh nhân nghèo có điều kiện chữa trị, hỗ trợ từ tiền ăn uống đến thuốc men, chi phí khám chữa bệnh ngoài danh mục BHYT chi. Nếu như trước đây một số y, bác sĩ làm cầu nối với các mạnh thường quân nhờ họ giúp đỡ bệnh nhân trong khoa, phòng mình, thì nay công tác này sẽ được làm một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Như vậy là cùng với tấm thẻ BHYT miễn phí, người bệnh sẽ bớt nặng gánh hơn, tinh thần nhờ đó cũng phấn chấn hơn, không còn lo nghĩ nhiều đến chi phí điều trị khi buộc phải nằm viện.

Tính đến cuối tháng 9-2016, có 94,6% người dân Đà Nẵng tham gia BHYT. Trong đó, số người nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí của năm 2014 là 80.756 người, chi phí BHYT trên 98,6 tỷ đồng; năm 2015 là 78.358 người, chi phí BHYT là 202,7 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2016 là 98.382 người, chi phí BHYT là 131,2 tỷ đồng.

(Nguồn: Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng)

HOÀNG NHUNG

.