Đà Nẵng cuối tuần

Chúng tôi là người giao hàng

07:32, 13/11/2016 (GMT+7)

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ kinh doanh trực tuyến, vai trò của những người giao hàng (shipper) được đẩy lên tầm cao mới khi họ chính là cầu nối giữa đơn vị kinh doanh với khách hàng.

Minh Nghị (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trong công ty của mình.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Minh Nghị (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trong công ty của mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giao hàng là công việc đang khá hấp dẫn nhiều người, đặc biệt là những người trẻ bởi dịch vụ bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến, người giao hàng không lo thiếu việc. Nhật Nam (sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng) vào nghề giao hàng được 1 năm, cho biết, mỗi một đơn hàng, bạn nhận được từ chủ cửa hàng 10.000-20.000 đồng tùy cự ly xa hay gần. Trong ngày, Nam thường để dồn nhiều đơn hàng rồi đi giao một lần, trừ tiền xăng ra thì mỗi ngày cũng kiếm được gần 100.000 đồng. “Đó là với những cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ, chỉ khi nào có đơn hàng mới gọi mình đi. Những cửa hàng có quy mô lớn thì thường thuê riêng 1-2 người và trả lương theo tháng. Công việc này cũng nhẹ nhàng, được vi vu khắp nơi chứ không tù túng như làm phục vụ nhà hàng, cà-phê nên được sinh viên nam rất thích”, Nam nói.

Anh Vũ (bạn cùng làm với Nam), chia sẻ: “Nghề này không khác gì “xe ôm” nhưng tụi mình có thể sắp xếp để cuối giờ trưa hoặc cuối giờ chiều (lúc vừa hết tiết trên trường) để tranh thủ đi giao hàng. Tất nhiên cũng phải uy tín về giờ giấc thì chủ cửa hàng mới tin tưởng mà thuê mình lâu dài”.

Theo Minh Nghị (nhân viên tại Công ty Giao hàng nhanh) thì kỹ năng cần thiết của một shipper là thông thạo đường phố, giao tiếp và cách ứng xử khi gặp chuyện… không có trong kịch bản. Nhiều khách hàng khi nhận hàng thường xem xét, thử tới lui mất cả tiếng đồng hồ mới xong nên rất mất thời gian. Lúc đó, việc giao hàng sẽ trì trệ không đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, Vũ chưa bao giờ hối thúc khách hàng, phải luôn tươi cười với khách dù có gặp bất cứ chuyện gì đi nữa. “Công việc giao hàng tôi luyện cho mình sức chịu đựng rất giỏi. Nhờ gặp những khách hàng khó tính như vậy mà giờ mình kiềm chế tốt và rất ít khi nổi nóng”, Nghị hài hước nói.

Trên một số trang mạng tuyển dụng, nghề giao hàng được tuyển thường xuyên với yêu cầu khá đơn giản: cần người tính tình vui vẻ, giao tiếp tốt, thông thuộc đường sá tại khu vực ứng tuyển, có xe máy và điện thoại. Chính những yêu cầu nhẹ nhàng này mà đa phần các bạn sinh viên là nam giới sẵn sàng ứng tuyển. Trong thời điểm kinh doanh trực tuyến phát triển như hiện nay thì đội ngũ giao hàng cũng ngày càng đông đúc. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn lấy đội ngũ người giao hàng làm điểm cộng cho sản phẩm cửa hàng mình. Anh Nguyễn Đức Huy (nhân viên quản lý Công ty Giao hàng nhanh), thừa nhận, nhân viên giao hàng là mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng dịch vụ đến khách hàng, góp phần giúp đơn vị bán hàng bán được nhiều hàng hơn, là người đại diện hình ảnh công ty đi khắp nơi gặp gỡ khách hàng, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Nhờ sự tiện lợi của việc giao hàng tận nhà, hầu hết các đơn vị kinh doanh hiện nay đều liên kết với các công ty chuyên nhận giao hàng để hàng hóa đến tay khách hàng một cách nhanh chóng và suôn sẻ nhất. Đây có lẽ cũng là mảnh đất màu mỡ cho những ai muốn tham gia vào thị trường kinh doanh giao nhận này. Đa số, những bạn đến với nghề giao hàng đều là thời vụ, nhưng không ít người có ý định sẽ đi lên từ công việc này. Hiện, một số công ty về giao hàng như bưu điện, viễn thông hay các trang bán hàng lớn đều có chính sách tuyển nhân viên xử lý hàng hóa tại kho từ những người giao hàng.

Hình ảnh những người giao hàng với chiếc xe máy chở đầy hàng hóa, nhẫn nại đến từng nhà giao hàng gợi nhớ lại hình ảnh bác bưu tá ngày xưa. Công việc của họ tuy không lớn lao nhưng là cầu nối giữa thế giới online với cuộc sống đời thực.

HẢI ÂU

.