Đà Nẵng cuối tuần
Gốm người, gốm ta
Đường vào làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) không rộng, có lẽ cũng vì những bức tường nhà nối nhau san sát ở làng quê thuần Bắc đã phân vùng không gian. Thi thoảng có vài đoạn hơi dốc. Nhưng điều khác biệt ở đây là có khi những bức tường này được xếp bằng những cái tiểu sành men lươn đã nung, và có rất nhiều củi được xếp men theo các bức tường ấy, dù tôi không nghe mùi khói. Thi thoảng, xe chúng tôi phải nép mình qua một bên nhường đường cho những chiếc xe tải chở gốm vượt qua và có khi là tránh chỗ cho xe xuống củi cho xưởng.
Có mấy gian hàng giới thiệu sản phẩm được dựng ở phía ngoài bằng tranh tre, như một kiểu decor khá quen thuộc. Rất nhiều sản phẩm gốm các kiểu được trưng bày ở đây, từ nho nhỏ xinh xinh như chuông gió, các kiểu chậu hoa gốm loại nhỏ có hình loe, chữ nhật hay hình vuông đến bình rượu hồ lô, bình hoa, những món đồ trang trí đơn giản bày trên các kệ nhưng mảng và khối tạo được ấn tượng nhiều nhất ở đây vẫn là mảng tranh gốm. Cái được treo trên tường, cái được bày trên mặt sàn. Bằng sắc màu, họa tiết và những đường nét của mình, các bức tranh dường như muốn kể cho khách những câu chuyện khác nhau về cuộc sống xung quanh. Có khi chỉ là những sắc thái của hoa sen mùa hè; vẻ bình yên của một làng quê thanh bình, vẻ tinh nghịch rất đỗi hòa thuận của một đôi vợ chồng trẻ sau buổi làm đồng trở về... Những câu chuyện của gốm làm bước chân chúng tôi phải khẽ khàng và thận trọng hơn trong không gian lao xao.
Thăm mấy gian trưng bày và vào mấy xưởng gốm ở Phù Lãng, có thể dễ dàng nhận ra nhóm nâu chủ đạo trên các sản phẩm, cho dù đó là nâu đỏ, nâu vàng hay nâu đen. Không biết tôi có chủ quan không nhưng những gam màu này gần như đã được mặc định cho nhóm sản phẩm theo kiểu cũ, như vại sành, chum ngâm rượu, tiểu quách, niêu cơm, lẩu đất... Nâu chín thường hiện diện trên tranh gốm, làm nền cho những sắc màu tươi tắn hơn của lá, của hoa hay những chấm phá biểu cảm nào đó trong các hoạt cảnh được người thợ làng nghề tái hiện lại, thông qua những mảnh ghép được đánh số cẩn trọng ở phía sau. Nhóm gốm khác như tiểu cảnh nước, bình hoa các loại thường được trang trí với những đường nét cầu kỳ hơn. Có lẽ đó cũng là một cách để bắt nhịp với thị trường.
Hoa – cô chủ của xưởng gốm mà chúng tôi ghé thăm lâu nhất hôm ấy nói rằng, tranh gốm của xưởng cô hầu hết là từ các đơn đặt hàng của các tỉnh, gần thì có Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa; xa thì có Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Đặt hàng nhiều đến nỗi đủ để các tay thợ và vợ chồng cô cắm cúi với nghề...
Tôi đã đến Phù Lãng bởi sự “ám thị” đã lâu từ những gì mà mình đọc và xem được về làng gốm này. Thế nhưng khi dừng chân ở đây, điều làm tôi chú mục nhất chưa hẳn là những bàn tay thợ thuần thục khi xoay đất, nặn vóc; cũng không phải là những nhóm tranh gốm được mã hóa bởi những ký tự phía sau lưng để dễ dàng hơn khi lắp ghép chúng lại, cũng chưa hẳn là một nhóm gốm tinh xảo hơn cả về họa tiết, đường nét và sự khác lạ của màu men trắng, xanh, xanh lam, vàng đỏ... được trưng bày ở phòng khách của gia chủ như một cách giới thiệu về tay nghề, tính ứng dụng của gốm Phù Lãng với xu hướng hiện đại mà lại ở một dáng vẻ sinh động khác. Lúc ấy, trong một góc xưởng – nơi chiếc quạt tường đã chạy hết công suất nhưng mồ hôi vẫn nhỏ giọt trên người hai cậu nhỏ đang lúi húi nặn bình, vẽ màu lên những sản phẩm mà chúng vừa làm xong. Có mấy vệt đất trên đôi má bầu bĩnh và bàn tay của chúng thì lem nhem những màu. Bố chúng cười xòa khi thấy con ngẩng đầu lên chào khách rồi lại nhìn xuống cắm cúi: “Chúng mê gốm lắm chị ạ. Hôm nào không phải đi học là hai anh em lại ngồi mãi ở góc này. Nhiều hôm đến bữa phải gọi mãi chúng mới đứng dậy...”.
Hình ảnh ấy, tôi chưa nhìn thấy ở làng gốm nhỏ ở Phước Tích (Thừa Thiên Huế) quê nhà, dẫu chẳng thể nào mà so sánh được về tính truyền thống, quy mô của làng nghề. Lại cũng cứ bần thần khi nghĩ, cũng là nâu, nhưng bên cạnh sự lan tỏa cũng như sự đón nhận của gốm Phù Lãng, sự cố gắng trở lại của làng gốm nhỏ bé bên dòng sông Ô Lâu – dù chỉ để phục vụ du lịch thôi cũng nhọc nhằn đến bao nhiêu. Mà có khi cũng là đương nhiên thôi, khi gốm Phù Lãng được trao truyền và tiếp nối bởi những
người trẻ, bởi sức sống mà nó gây dựng và được đón nhận thì gốm quê mình vẫn lận đận với chừng mươi mẫu mã. Lò gốm cũng chẳng mấy khi được đốt và nếu có, cũng chỉ mang tính trình diễn. Thợ gốm bên sông Ô Lâu vì thế cũng đâu lấy đó làm nghề chính, và cũng không mấy người trẻ đủ thiết tha để loay hoay với vóc gốm, dù đã có không ít những động viên, khích lệ bằng nhiều cách khác nhau để làm ấm hơn cái xưởng gốm nhỏ.
Cũng biết, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng trong trường suy tưởng của mình khi đã đến làng gốm Chu Đậu (Hải Dương), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và tận mắt thấy những gam nâu ở Phù Lãng, tôi cứ nghĩ về một hình dung khác để tự an ủi mình rằng, người ta đã có đội hình để hát đồng ca và có thể là hợp xướng, thôi thì gốm Phước Tích xem như là đang hát đồng dao và chơi trò ô ăn quan vậy. Biết đâu trong nhịp sống đương đại, điều ấy lại đem đến cho gốm Phước Tích một màu nâu khác khi nghĩ về...
HẠNH NHI