.

Nguyễn Trọng Tạo với "Khúc hát sông quê"

.

Người làm bài hát bao giờ cũng mong ước có nhiều người hát.  Khúc hát sông quê của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là một minh chứng. Quá nửa đời phiêu dạt/ con lại về úp mặt vào sông… Âm nhạc đã dắt lời thơ đi vào lòng người và ở lại đó, lay động xao xuyến.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm 2003, vợ chồng tôi xây nhà. Đêm tôi ngủ ở công trường. Khuya mở đài, tôi nghe ca sĩ Anh Thơ hát như ma gọi :“Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ / vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng… tôi bật ngay dậy như thằng điên, chạy ùa về gọi vợ: “Tâm ơi Tâm, lên mà nghe bài hát mới của bác Tạo, hay lắm”. Vì Nguyễn Trọng Tạo là chỗ rất thân thiết của gia đình tôi. Ngực tôi bỗng chạm phải thanh gỗ ngáng đau điếng. Mới hay mình đang ở trên tầng thượng tầng ba chưa xây lan can, chỉ ngáng tạm thanh gỗ để đề phòng. Hú vía, tí nữa thì phi xuống đất ở độ cao ba tầng nhà!

Một lần khác, Tạo vô Huế. Họa sĩ Trương Bé mời anh Tạo, tôi và nhà báo Thanh Tú sang anh uống rượu. Sau khi đi xem tranh siêu thực mới của gia chủ, chạm nhau dăm ba chén rượu quê, Nguyễn Trọng Tạo đứng lên, tay cầm chén rượu: “Tạo xin hát một bài hát mới tên là  Khúc hát sông quê, phổ thơ Lê Huy Mậu”. Rồi Tạo hát. Nguyễn Trọng Tạo có giọng hát hay và ấm. Càng say, cầm đũa gõ đĩa gõ bát, Tạo hát càng hay. Tạo hát xong, Thanh Tú bật dậy: “Để em hát lại bài này”. Không ngờ cậu  phóng viên báo Thế giới Điện ảnh, tính nóng như Trương Phi, nói năng bỗ bã thế mà hát hay thật. Tiếng hát của Tú vang lên khiến hàng xóm họa sĩ cũng lẻn sang nép cửa đứng nghe. Rồi tất cả hát đồng ca. Tôi cũng hát theo. Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn /Một dòng trong xanh chảy mãi tới vô cùng…

Khuya hôm đó, xong cuộc rượu, tôi phóng xe ra đường,  miệng hát Khúc hát sông quê, tay phải cầm tay ga lái xe máy, tay trái thì cứ vung xị nhặng lên trời bắt nhịp theo bài hát. Tôi phóng nhanh đến độ Thanh Tú chở Nguyễn Trọng Tạo đuổi theo vì sợ tai nạn mà không kịp! May mà đã khuya, dân Huế lại ngủ sớm, nên đường phố rất thưa người! Tạo về Huế, vợ tôi bắt anh Tạo tập cả tiếng đồng hồ hát Khúc hát sông quê. Tập được rồi, vợ tôi đi chợ Bến Ngự cũng quá nửa đời phiêu dạt…, đứng bếp làm cơm cũng con cá dưới sông cây trồng trên bãi…  

Nhưng chuyện mê hát Khúc hát sông quê của vợ chồng tôi không nhằm nhò gì so với bà mẹ và cậu em vợ. Bà mẹ vợ tôi năm đó 78 tuổi (nay bà đã 86). Dịp Tết năm 2005, bà điện vào: “Con nói anh Tạo cho mẹ một đĩa Khúc hát sông quê để mẹ hát theo. Tôi điện thoại, mấy ngày sau anh Tạo gửi đĩa vào ngay. Thế là từ đó bà mở  Khúc hát sông quê  cả buổi.  Đi làm cỏ rau, trồng ngô ngoài vườn cũng Khúc hát sông quê.   

Cậu em kế vợ tôi là Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục chính trị huyện. Ở nhà cậu có cái máy đĩa. Cậu tua thế nào đó, mà suốt ngày máy toàn hát Khúc hát sông quê, hát hết bài lại quay lại từ đầu. Có lần đi  họp các  trường Đảng Nghệ An, cậu cũng lên diễn đàn hát Khúc hát sông quê. Đi dạy chính trị cậu bao giờ cũng dành mấy phút cuối giờ để hát Khúc hát sông quê cho học trò nghe. Dạy lớp bồi dưỡng bí thư, chủ tịch các xã ở trường, hay về các xã nói chuyện thời sự, cậu lúc nào cũng hát Khúc hát sông quê.  

Năm 2004, tôi dự trại sáng tác văn học ở Nhà sáng tác Vũng Tàu, mới biết không chỉ gia đình tôi mà cả nước ai cũng thích và say bài hát Khúc hát sông quê. Tôi quen nhà thơ Lê Huy Mậu  từ lâu. Không ngờ hắn lại có bài thơ hay thế. Mậu kể, năm 2002, Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu dự trại sáng tác âm nhạc, Mậu gửi  cho Tạo một chương trong trường ca Thời gian khắc khoải để in báo Thơ. Vì Tạo lúc này đang làm báo Thơ. Nguyễn Trọng Tạo đã lọc lấy những câu hay trong đó để phổ nhạc. Mậu bảo: “Nhờ bác Tạo phổ nhạc thơ mà có thêm rất nhiều người biết Mậu. Đó là mình được thơm lây”. Ấy là Mậu khiêm tốn thế. Không có bột làm sao gột nên hồ! Sự đồng cảm của hai tâm hồn xứ Nghệ tha hương đã làm nên một ca khúc tuyệt vời. Nhưng nổi tiếng nhiều người biết cũng khổ. Thế là từ khi bài hát được ca sĩ Anh Thơ hát trên VTV, Lê Huy Mậu phải suốt ngày nghe điện thoại chúc mừng. Có khi nửa đêm về sáng vẫn còn phải nhấc máy trả lời điện thoại. Và suốt ngày tiếp khách nhậu. Vô vàn cuộc nhậu. Nhiều doanh nhân đánh xe con từ thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu, từ Gia Lai xuống mang theo rượu ngon, đồ mồi xịn, tìm cho được nhà “ông khúc hát sông quê”.  Nhậu rồi  hát Khúc hát sông quê. Chưa say thì hát còn nghe được. Khi rượu ngấm rồi  thì  khoác vai nhau nghiêng ngả,  hát nức nở như khóc: Quá nửa đời phiêu dạt / Con lại về úp mặt vào sông quê…

Hôm tổng kết trại sáng tác, đến tiết mục giao lưu, nhà thơ Tùng Bách lên  giành micro nói nghiêm trang: “Phía Hội Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu xin giới thiệu một nhà thơ nổi tiếng có bài thơ Khúc hát sông quê mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc. Mời anh lên đọc lại bài thơ trước, rồi tôi sẽ hát  phục vụ nhân dân sau”. Lê Huy Mậu  bẽn lẽn như con gái mới về nhà chồng, đỏ mặt lên sân khấu đọc thơ. Tùng Bách hát sông quê khá chuẩn. Nổi máu thi sĩ, dù trước đó đã đọc thơ rồi, tôi vọt lên sân khấu. Thế là hai thằng quàng vai nhau hét: “Ơi con sông quê con sông quê…Không khí bốc đến độ cả hội trường năm sáu chục người cùng đứng lên đồng ca. Người ngả bên này, kẻ nghiêng bên khác, ngất ngưỡng, nồng nàn, dan díu…

Tưởng dân Nghệ, dân miền Trung, miền Nam mê Khúc hát sông quê. Mới đây tôi mới biết dân miền Bắc cũng mê Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo kể có một ông lãnh đạo thị xã Tam Điệp, đêm thứ  bảy đang ở xa thị xã mấy chục cây số. Thế mà khi nghe  đệ tử điện thoại báo cáo có anh Nguyễn Trọng Tạo  từ Hà Nội ghé qua, liền bỏ hết mọi sự, ra lệnh lái xe phóng xe về ngay. Về chỉ để bắt tay, ôm hôn Nguyễn Trọng Tạo và xin phép được “hát cho tác giả nghe” bài hát Khúc hát sông quê. Đêm ấy, đến mãi gần  hai giờ sáng, cuộc hát mới tàn. Có lần, tôi ra chơi Nam Định, trong một cuộc bù khú bạn bè, thấy tôi có việc phải gọi điện cho Nguyễn Trọng Tạo, thế là doanh nhân Cúp Vàng Nguyễn Ngọc Đạt và ba bốn anh em Nam Định níu lấy điện thoại, “hát “Khúc hát sông quê cho anh Tạo nghe cho sướng!”.

Tôi biết anh Tạo có nhiều bài hát hay như Đôi mắt đò ngang, Con dế buồn... nhưng  nhắc đến Nguyễn Trọng Tạo, người hâm mộ đều thuộc và nhớ  hai “bài tủ” của anh: Làng quan họ quê tôi Khúc hát sông quê. Đây chính là hồn vía của Tạo. Nó sẽ sống mãi với đất nước này.

NGÔ MINH

;
.
.
.
.
.