Số liệu thống kê hoạt động sản xuất ở các nền kinh tế lớn châu Á nhìn chung khả quan. Ngoại trừ Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á yếu và tình trạng kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhật Bản thì các nền kinh tế khác tạo được ấn tượng mạnh trong tháng 10. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong hơn hai năm qua khiến cho mọi người hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà ổn định nhờ tín dụng và bất động sản. Hoạt động sản xuất của Ấn Độ tăng mạnh nhất kể từ tháng 12-2014 nhờ vào sản lượng và nhiều đơn đặt hàng mới. Khu vực sản xuất của Đài Loan tăng mạnh nhất trong 2 năm qua với sản lượng đầu ra tăng suốt 5 tháng gần đây…
Khu vực sản xuất ở Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng lo ngại không bền vững. |
Những dấu hiệu lạc quan đó không đủ thuyết phục các nhà đầu tư vì không có dấu hiệu bền vững. Mọi người lo ngại tình hình khả quan ở Trung Quốc không kéo dài vì tín dụng sẽ tăng chậm lại và giá nhà sẽ giảm xuống. Chi phí đầu vào ở Ấn Độ có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao có thể buộc chính phủ phải giảm lãi suất. Điều cốt yếu là các nhà đầu tư giữ sự thận trọng vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất trong tháng 12 tới dù kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt qua dự báo 2,9%. Nếu FED quyết định tăng lãi suất thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các nền kinh tế mới nổi cho dù đang có những dấu hiệu tích cực ở đây. “Châu Á rất dễ bị tác động nếu như FED tăng lãi suất bởi vì chi phí huy động USD tăng cao nhưng lại không có được mức xuất khẩu tăng mạnh hơn để bù đắp”, Frederic Neumann - nhà nghiên cứu kinh tế châu Á hàng đầu ở HSBC - nhận định.
Nguy cơ FED tăng lãi suất do đâu? Đó là do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trang tin CNBC cho biết có tới 86% số người được hỏi là các nhà kinh tế, các nhà quản lý quỹ và các nhà xây dựng chiến lược tin FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào hai ngày 13 và 14-12 tới. Và mức tăng khoảng 1/4 điểm. Nguyên nhân là do áp lực giá hàng hóa giảm và tăng trưởng chậm lại sau bầu cử mà hơn một nửa số người được hỏi cho rằng chiến dịch bầu cử hiện tại tạo hiệu ứng xấu cho nền kinh tế Mỹ. Giới đầu tư thị trường chứng khoán Phố Wall mong muốn ứng cử viên Hillary Clinton thắng cuộc bầu cử với tỷ lệ phiếu là 82%, tăng mạnh so với 51% hồi tháng 9. Ngược lại, niềm tin vào ứng cử viên Donald Trump giảm từ 46% xuống còn 39%. Các nhà đầu tư tin chính sách của bà Clinton tốt hơn cho thị trường chứng khoán so với ông Trump.
ANH THƯ (Theo CNBC, Globe and Mail)