Đà Nẵng cuối tuần

Đi chợ quê

08:11, 18/12/2016 (GMT+7)

Người ta nói, muốn biết đời sống người dân của một vùng miền bất kỳ: cứ ra chợ! Bởi, ở chợ, những thói quen, nếp sống, sự giàu nghèo, thư thái hay lo toan, túng bấn của các bà, các chị sẽ bộc lộ một cách sống động, tự nhiên nhất.

Bà Suyên (trái) mua chai mắm nêm nhỏ ở quầy tạp hóa cô Quyết, để dành ăn cả tuần.
Bà Suyên (trái) mua chai mắm nêm nhỏ ở quầy tạp hóa cô Quyết, để dành ăn cả tuần.

Có còn những “nhà quê” đi chợ?

Bàn về đời sống nông thôn, trong vô vàn góc nhìn, câu chuyện, có người sực nhớ, tâm đắc một vấn đề “rất nông thôn” là kiểu “nhà quê đi chợ” của các bà, các mẹ - manh mún, lo ăn từng bữa, tính từng đồng gia vị...

Chuyện tưởng chỉ nhắc để vui cười, để ôn lại một thuở cơ hàn đã qua với những ai đã sinh ra và lớn lên ở các làng quê, từng theo chân bà, chân mẹ đi chợ làng. Chị Lành, chủ tiệm tạp hóa cùng tên ở chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cười ngất khi nghe tôi hỏi mua ít dầu lẻ, đường đủ ăn vài ngày (vì không có tiền): “Ngày nay ai còn bán kiểu đó nữa em, bữa nay dân ở đây khá lắm, cũng chẳng ai mua mà bán!”.

Vậy mà, vẫn có người cả nhà 3-4 miệng ăn, già có, trẻ, dăm bữa nửa tháng mới dám mua 10.000 đồng thịt về kho nước, cải thiện bữa ăn. Đó là câu chuyện của mấy mẹ con nhà bà Huỳnh Thị Suyên, người thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn - cách huyện lỵ Hòa Vang không xa. Chúng tôi gặp bà Suyên tại sạp tạp hóa nhỏ của cô Đặng Thị Chiến, chợ Hòa Nhơn.

Trả xong 13.000 đồng tiền lẻ cho cô Chiến, bà Suyên đưa chai mắm nêm nhỏ xíu (chừng 1/10 lít) khoe với vẻ mặt rạng rỡ: “Chai mắm này về ăn được cả tuần”, tôi hỏi có mua gì để về ăn cùng mắm không, bà nói “không”. Thấy người đối diện ra chiều ngạc nhiên quá, bà Suyên tiếp: “Mắm này về hái đu đủ trong vườn nhà xuống trộn ăn hết cơm cô ạ”.

Bà Suyên (chồng đã mất) hiện ở cùng cô con gái (đã ly dị chồng) và hai cháu ngoại gần hai năm nay. Mẹ con, bà cháu no đói đùm bọc và vẫn thường qua bữa với món đu đủ trộn mắm nêm như thế. Con gái bà vừa đi làm công nhân lại chừng hai tháng nên lương bổng không bao nhiêu. Cuộc sống của 4 con người phải nhờ vào gánh rau từ vườn nhà mỗi sáng bà Suyên mang ra chợ. Những hôm rau bán được giá bà Suyên kiếm được chừng 40.000-50.000/ ngày và hôm đó, ngoài rau, bà sẽ “bấm bụng” mua thêm chừng 10.000 – 15.000 thịt về kho nước, chủ yếu cho mấy đứa nhỏ ăn.

Quầy tạp hóa của cô Chiến chừng 5-10 phút lại có một khách vào mua, người mua 1 lạng đường (2.000 đồng), người mua gói bột ngọt nhỏ (5.000 đồng), người mua bao thuốc… Mua lặt vặt là thế nhưng cô Chiến cứ phải đưa lên đặt xuống cuốn sổ ghi nợ liên tục. “Dân ở đây, người nghèo còn nhiều, kiểu đi chợ, ăn uống như nhà bà Suyên là không hiếm.

Với lại đều là người trong thôn, trong xã quen biết hết nên họ thường mua nợ, dăm bữa nửa tháng có tiền mới trả”. Cô Chiến cho biết, buôn bán cũng phải theo điều kiện, cô bán ở đây mỗi thứ chỉ tính lời rất ít và phải chấp nhận bán chịu. Đêm về, ngoài các món hàng như bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nhà sản xuất có đóng gói nhỏ sẵn, còn lại cô Quyết cứ phải lọ mọ cân từng lạng đường, tiêu, ớt đóng thành gói nhỏ để sáng đem ra bán.

Tại một số chợ quê, ngay cả những món tưởng rất quê kiểng như ít hạt tiêu, mấy trái bồ kết khô... thực tế cũng là hàng buôn đi bán lại. Ảnh: T.T
Tại một số chợ quê, ngay cả những món tưởng rất quê kiểng như ít hạt tiêu, mấy trái bồ kết khô... thực tế cũng là hàng buôn đi bán lại. Ảnh: T.T

Muôn kiểu chợ quê

Ngược lại với khung cảnh buôn bán ở chợ Hòa Nhơn, theo chị Lành và các tiểu thương khác ở chợ Túy Loan, chuyện mua lẻ, bán vụn  đã không còn tồn tại ở chợ này gần 10 năm rồi. Một mặt do đời sống đi lên, mặt khác, vì sự giám sát gắt gao của các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, buộc các mặt hàng phải được bán với bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên có muốn, các tiểu thương cũng khó lòng xé lẻ hàng hóa để bán như trước.

Dạo một vòng quanh chợ Túy Loan, muốn hỏi mua ít rau nhà nhưng đành chịu. Hỏi quầy nào, bất kỳ món hàng gì, người quê ở đây cũng thật thà trả lời là đồ họ mua lại. Ngay cả rá bồ kết đen bóng của một bà cụ già bán kèm một vài món gia vị tiêu ớt lặt vặt khác cũng là “hàng buôn”.

Chị Trần Kim Oanh (33 tuổi, người thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến) vừa chọn mua mấy quả bồ kết để gội đầu vừa nói, bữa nay chợ quê khác xưa nhiều. Có ra chợ quê cũng không dễ tìm những thứ “cây nhà lá vườn” như trước. Ngày còn nhỏ, chị rất thích thú được theo chân mẹ ra chợ để ngửi mùi hành ngò, rau dưa sực nức mùi của vườn nhà vừa hái, ra chợ để gặp người làng, bà con cô bác thân quen, còn giờ ra chợ “chỉ thấy người buôn đâu đâu về”, chị Oanh chia sẻ.

Niềm an ủi đối với những người mê nét chợ quê mộc mạc như chị Oanh có chăng chỉ là những ngày giáp Tết. Khi đó, thời tiết thuận lợi công thêm nhu cầu mua bán nhiều hơn ngày thường, người dân quê mới gói ghém những thức sẵn quê nhà ra chợ trao đổi, mua bán. Hoặc chịu khó tìm đến những ngôi chợ nhỏ, được nhóm khuất trong các thôn làng như chợ Hòa Nhơn, chợ Hòa Liên, Hòa Phú, chợ thôn Yến Nê, thôn Thạch Bồ… thì may ra còn vương chút quê kiểng như trong trí nhớ của những người hoài niệm.  

Ngày nay, các ngôi chợ lớn như chợ huyện Túy Loan nay đã trở thành “chợ đầu mối” cho người buôn kẻ bán, đem hàng hóa về các chợ nhỏ khắp các xã trên địa bàn huyện. Ngay như chợ Lệ Sơn (xã Hòa Tiến) vốn là chợ xã nhưng nay cũng không khác gì chợ phố, bởi đây không chỉ là nơi buôn bán của các thôn trong xã Hòa Tiến, mà còn nơi đi về của các thương lái Điện Hòa, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) giáp ranh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, có một sự phân hóa rõ rệt các loại chợ lớn, nhỏ ngay trên cùng địa bàn nông thôn Hòa Vang. Tuy theo nhu cầu mà người mua kẻ bán tìm đến nơi phù hợp. Chẳng hạn, với không ít phận người vẫn bị cái nghèo đeo đẳng như mẹ con bà Suyền thì họ chẳng có lý do gì để đến những chợ lớn. Khi đó, dù đời sống có phát triển như thế nào, những chợ nhỏ gần nhà, khuất trong các khu dân cư trở thành nhu cầu không thể thiếu của một bộ phận bà con nơi thôn quê.

T.T

.