Đà Nẵng cuối tuần
Làm nhiều, thu nhập ít?
Người Việt Nam ngày càng giàu hơn, thế nhưng, có vẻ như thu nhập của nông dân ngày một giảm đi, công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao?
Ông Nguyễn Lương Bảy chăm sóc đậu bắp cho vụ Tết tới. Ảnh: V.T.L |
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát cho rằng hệ quả nói trên một phần là do lịch sử để lại, xuất phát từ cách làm, cách nghĩ của nông dân. Lâu nay nông dân chỉ mong có lúa gạo để ăn chứ không bán, làm nông theo kiểu tự cung tự cấp chứ không theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Qua chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước hỗ trợ nông dân nhiều mô hình chuyển đổi đất màu (trồng mía, đậu phộng, đậu xanh…) cho thu nhập bấp bênh sang trồng các loại rau củ quả cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần hơn.
Ông Đỗ Thanh Hải ở thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn, có 3 sào đất lúc trước trồng mía, cả năm chỉ thu được 12 triệu đồng. Đó là loại mía “chất lượng cao”, được thu hoạch đúng mùa, chứ mía bị ngã rạp không tới giá đó. Mấy năm nay, ông chuyển sang trồng dưa leo, khổ qua, bí đao, mỗi mùa chỉ 3 tháng.
Năm ngoái giá dưa thấp, 1 sào dưa thu được 6 triệu, trừ chi phí còn cũng được 4,5 triệu đồng. Nếu giá bình thường 6.000 đồng/kg thì trừ chi phí xong lãi được 8 triệu đồng/sào. Chi phí ở đây chỉ tính phân và giống, chứ công cán không tính, bởi nông dân chủ yếu lấy công làm lời.
Thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, có ông Nguyễn Lương Bảy, người đã chuyển 9 sào đất trồng sắn, bắp (mỗi năm chỉ thu được 1,5 triệu đồng/sào) sang trồng rau sạch được 2 năm nay. Trồng rau củ quả các loại, ông thu được 7,5 – 9 triệu đồng/sào, trừ chi phí rồi lận lưng cũng kha khá. Nếu được giá thì thu nhập sẽ cao hơn. Như bầu chẳng hạn, đang được giá với 12.000 đồng/kg; chứ ra giêng, ra hai chỉ còn 2.500 – 3.000 đồng/kg.
Kinh nghiệm cho thấy thổ nhưỡng, thời tiết, dịch bệnh quyết định thành bại của nghề nông. Ông Hải, ông Bảy đều nhắc đến những trận mưa xối xả bất ngờ khiến rau đang tươi xanh mơn mởn bỗng trở nên tan nát. Có trà lúa mới nở rộ bông cả đồng chờ ngày chín sữa, bất ngờ trời “xáng” xuống một trận mưa là các loại nấm, vi khuẩn được dịp xâm nhập làm cho hạt lúa có vỏ trấu sậm màu biến đổi từ màu nâu đến đen, gọi là bệnh “lem lép hạt lúa”.
Nhiều khi bỏ công sức như nhau, nhưng thu nhập lại khác nhau, một phần do chất đất. Xã Hòa Nhơn có 3 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp, điều kiện nước tưới ở cả 3 HTX có thể nói là như nhau (HTX 1 có trạm bơm Túy Loan; HTX 2 có trạm bơm Thái Lai; HTX 3 có hồ Trước Đông, ba-ra Phước Hưng), thế nhưng, theo ông Phát, năng suất lúa của 3 đơn vị này khác nhau. HTX 3 có địa hình và thổ nhưỡng như vùng trung du nên năng suất thấp nhất. HTX 2 là vùng đất pha cát nên năng suất cũng không cao, chỉ có HTX 1 có đất tốt lại chủ động được hơn nguồn nước tưới nên lúa luôn cho năng suất cao.
Làm nông như đánh bạc với trời, thế nhưng nông dân không ai bỏ đất, bỏ nghề. Bởi có sào ruộng là có được chén cơm hằng ngày, không phải lo lắng. Lúa gạo cho người, các phụ phẩm dùng cho chăn nuôi. Túng bấn lắm mới đem lúa đi bán. Có nhiều người bán bớt lúa để lo đám ở nhà hoặc đi đám trong họ tộc.
Trong cái nhìn của ông Nguyễn Lương Danh, nguyên Chủ tịch Mặt trận xã Hòa Khương, năng suất lúa có tăng, giá lúa cũng tăng, nhưng không sao đuổi kịp nhu cầu đời sống nông dân: “Trước, tiền mừng đám cưới chỉ 50.000 đồng, giá bằng vài ang lúa. Nay đã lên 200.000 – 300.000 đồng tùy đám, giá gần 10 ang lúa”.
Cùng nhận định với ông Phát, ông Danh cho rằng muốn thoát khỏi cảnh làm nhiều mà thu nhập ít thì nông dân phải chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi. Nếu chí thú làm ăn, không đứng núi này trông núi nọ, chịu khó, biết vận dụng khoa học – kỹ thuật qua các mô hình sản xuất hiệu quả thì nông dân sẽ khấm khá.
Trong các năm qua, trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có gần 50 mô hình được triển khai hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất với tổng giá trị trên 240 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 142 tỷ đồng, nông dân đóng góp trên 98 tỷ đồng).
Nhiều mô hình đã góp phần tạo việc làm, mang lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho người dân, điển hình như: Vùng sản xuất rau, vùng sản xuất dưa hấu; mô hình trồng hoa, làm nấm, sản xuất lúa giống; mô hình nuôi trồng thủy sản; mô hình chăn nuôi dê thâm canh, nuôi thỏ, trồng cỏ nuôi bò.
Trưởng phòng NN&PTNT Hòa Vang Nguyễn Văn Lý cho biết, các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả này góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2015 đạt 27,24 triệu đồng/người/năm, tăng 12,07% so với giai đoạn 2010 – 2015.
Nhiều địa phương, từ những kết quả khả quan mang lại từ các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, sẽ tiếp tục khai thác các tiềm năng sẵn có để góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn. Xã Hòa Nhơn, ngoài 393,1ha đất trồng lúa và 204,7ha đất trồng màu còn có 40ha đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả, năng suất thấp.
Lãnh đạo xã Hòa Nhơn cho hay, sắp tới, xã sẽ xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các hoạt động sản xuất để sử dụng đất hiệu quả hơn. Vừa rồi Sở NN&PTNT về làm việc với xã, hai bên sẽ hướng đến việc vận động nông dân chuyển đổi từ tự cung tự cấp sang mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sở sẽ tư vấn đưa cây trồng, con vật nuôi thích hợp để cho năng suất cao hơn.
Vậy là, không hẳn làm nhiều mà thu nhập ít. Nếu nông dân biết vận dụng khoa học – kỹ thuật để vượt qua sự khắt khe của thổ nhưỡng, thời tiết, dịch bệnh thì cho dù có “làm chơi” cũng “ăn thiệt”. Năm rồi, ông Đỗ Thanh Hải dành 1,5 sào đất trồng nửa dưa leo, nửa khổ qua, tới Tết là “ôm gọn” 15 triệu đồng.
Năm nay, cả ông Hải, ông Bảy đều xuống giống trồng khổ qua, dưa leo. Mong cho mưa thuận gió hòa, để Tết này lại hy vọng bội thu...
VĂN THÀNH LÊ