Đà Nẵng cuối tuần
Khởi động đầu tuần đầy hứng thú
“Tuần này có sinh hoạt đầu tuần không cô? Nếu mưa thì sinh hoạt trong nhà đa năng cũng được cô nha”, một học sinh hỏi cô Nguyễn Thị Trà Mân – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (quận Ngũ Hành Sơn). Đã 2 năm nay, giờ chào cờ - sinh hoạt đầu tuần ở ngôi trường này luôn được trông mong và rộn ràng như ngày hội...
Cô Nguyễn Thị Trà Mân trao đổi với học sinh các bài báo hữu ích, chuẩn bị cho cuộc thi Chia sẻ lời hay ý đẹp dưới cờ. Ảnh: M.M |
Từ “Chinh phục thử thách” đến “Chia sẻ lời hay ý đẹp”
Sáng đầu tuần, sân Trường THCS Huỳnh Bá Chánh “thức dậy” sớm hơn thường lệ. Không đợi nhắc nhở, phân công, mấy bạn nam nhanh chóng khiêng bàn, xếp ghế, khăn trải bàn và hoa lên bàn ban giám khảo. Khi trống vừa vang lên những tiếng đầu tiên, học sinh í ới gọi nhau, túa ra như bầy ong vỡ tổ.
Việc đánh giá tình hình hoạt động của trường trong tuần qua được diễn ra ngắn gọn để nhường thời gian cho chương trình trò chơi (game show) Chinh phục thử thách của hai khối lớp 7 và 8.
Hơn 1.200 học sinh và hàng chục thầy, cô giáo hướng ánh mắt trông đợi về phía sân khấu. Trong tiếng nhạc vui nhộn, “ông vua” oai nghiêm trình diễn màn chào hỏi về “vương quốc” của mình, tiếp đến là màn chào sân cực dễ thương của nàng Thị Mầu,… Chương trình gồm 3 phần: chào hỏi, thi kiến thức và thi thuyết trình.
Để có những giờ phút hào hứng ngắn ngủi này, cô giáo Trà Mân và học sinh hai khối lớp 7 và 8 phải lên kế hoạch từ tháng 8. Mỗi đội gồm 5 thành viên. Mỗi lớp là một đội, mỗi chủ đề, thể hiện theo từng tuần. Tùy theo khối học mà độ khó của chủ đề khác nhau. Học sinh khối lớp 8 thì đòi hỏi kiến thức xã hội rộng hơn, đầu tư kịch bản hơn so với các em khối 7 nhưng tất cả đều phải bảo đảm khi thể hiện thì ai cũng hiểu được thông điệp muốn nhắn gửi.
Song song với chương trình trò chơi Chinh phục thử thách là cuộc thi Chia sẻ lời hay ý đẹp của hai khối lớp 6 và 9. Theo đó, các đội sẽ đứng trên sân khấu thuyết trình, chia sẻ nội dung, ý nghĩa, cảm nhận của bản thân về một cuốn sách nào đó. Cô giáo Trà Mân nhớ lại: đợt em Nguyễn Thị Oanh Quốc (học sinh lớp 7/3) giới thiệu bút ký Trong giông gió Trường Sa (NXB Kim Đồng) của các nhà văn Duy Khán, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đình Tú, Sương Nguyệt Minh,… xúc động đến độ khiến thầy trò đều rưng rưng. “Nghe em ấy chia sẻ xong mình tò mò lắm, phải tức tốc mua sách về đọc ngay”, cô Mân nói.
Nhiều quyển sách sau khi được học trò giới thiệu, thư viện nhà trường phải tức tốc đặt hàng để theo kịp xu hướng đọc của học sinh, cũng là tạo động lực để các em tìm đến với thư viện nhiều hơn.
Với cuộc thi Chia sẻ lời hay ý đẹp, ngoài việc trao thưởng tại sân khấu, các bài thuyết trình sẽ được đưa lên trang tin điện tử của trường và tiếp tục nhận được quà thưởng dựa vào bình chọn của học sinh, giáo viên.
Thêm vui, thêm bổ ích
Từ một cậu bé nhút nhát, “đông cứng” khi đứng trước đám đông, nhờ có chương trình trò chơi Chinh phục thử thách mà em Huỳnh Phước Trường Sinh (học sinh lớp 8/1) đã trở nên dạn dĩ hơn. Em tự nhận: “Hồi trước em cạy nửa lời không ra, sượng trân, run cầm cập khi phải đứng nói trước mọi người. Bây giờ thì em tự tin hơn nhiều rồi”. Theo Sinh, chương trình còn giúp em ôn lại nhiều kiến thức bổ ích mà mình đã quên, biết thêm nhiều điều hay bên ngoài trang sách. “Trống đánh hết giờ chào cờ là học sinh cả trường ồ lên, ai cũng nấn ná vì tiếc”, Sinh nói thêm.
Với cô học trò lém lỉnh Mai Nguyễn Triều Châu (học sinh lớp 8/1), chương trình lại là cơ hội thể hiện tài năng trước mọi người. Châu vốn là một học sinh khá, lanh lợi và có năng khiếu hát, múa. Đợt đại diện cho lớp thi, phần chào sân giới thiệu lớp mình trên nền nhạc Xúc xắc, xúc xẻ của em được cả trường nồng nhiệt đón nhận khiến cô bé càng hào hứng. Triều Châu chia sẻ: “Các bạn trước đây vốn e dè, hay xa rời với tập thể thì giờ đã đoàn kết và luôn động viên tụi em đi thi”.
Xuất phát từ thực tế học sinh phải học quá nhiều và giờ chào cờ lâu nay thường nặng nề, không mấy ai yêu thích nên cô giáo Trà Mân đã nghĩ ra cách này để “mềm hóa” 45 phút sinh hoạt đầu tuần. “Mình chẳng mong sẽ đem lại thông điệp gì lớn lao, hay nghĩ các em sẽ giỏi lên bởi mỗi học sinh đều có sở trường, sở đoản riêng. Mình cứ nghĩ là mưa dầm thấm lâu, những điều bổ ích sẽ dần dần được các em cảm thụ và biến thành những hành động đẹp”, cô Mân nói.
“Chương trình trò chơi trong giờ sinh hoạt đầu tuần duy trì hơn hai năm mà vẫn giữ được “sức nóng” như ban đầu. Đây thực sự là một tiết học vui vẻ, không áp lực, không nặng nề, tạo không khí hứng khởi cho một tuần học tập. Mặc dù nhà trường sẽ có tốn kinh phí hơn nhưng làm được gì cho học sinh vui, học sinh thấy lý thú thì chúng tôi cứ làm”, thầy Đặng Phước Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh nói. |
MỘC MIÊN