Đà Nẵng cuối tuần
Độc đáo đồ thủ công
Du khách khi đến Đà Nẵng, ngoài việc chọn mua những mặt hàng lưu niệm làm sẵn còn có thể đặt những món hàng tự làm bằng tay (handmade) để làm kỷ niệm.
Những món đồ lưu niệm nho nhỏ như thiệp, hoa giấy mang giá trị về tinh thần nhiều hơn giá trị vật chất. (Ảnh chụp tại Tiki House) Ảnh: Q.T |
Dành cho khách hàng thích sự sáng tạo
Với những ai ưa thích sự mới lạ, độc đáo và sáng tạo, những cửa hàng handmade với các sản phẩm túi xách, ví da và các loại vải bành luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Cửa hàng bán đồ da Anton Leather của Nguyễn An Tôn (sinh năm 1987) nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh trưng bày khá nhiều mẫu túi xách, ví nam, nữ… Nhằm vào đối tượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích đồ thủ công nên phương thức kinh doanh của Anton Leather không quảng cáo tràn lan mà tập trung vào việc mua bán tại cửa hàng. An Tôn chia sẻ: “Hầu hết du khách hiện nay khi đi du lịch đều có sự chia sẻ trải nghiệm của mình với những người đi sau thông qua các trang kinh nghiệm du lịch. Họ luôn muốn có trải nghiệm tốt tại mỗi quốc gia đi qua, cho nên, cũng muốn những người đồng hương của mình nhận được trải nghiệm tương tự”. Chính vì lý do đó, nếu du khách mua được một sản phẩm tốt của nước bản địa, họ sẽ chia sẻ lại. Đó là lý do mà tôi vẫn duy trì hình thức kinh doanh tập trung vào chất lượng, “hữu xạ tự nhiên hương”. Đa số những sản phẩm trưng bày tại Anton Leather đều là sản phẩm mộc; cạnh của các túi, ví không qua xử lý nhưng đường may rất đều, đẹp và tinh xảo. Hiện tại, một sản phẩm túi da có kích cỡ trung bình tại đây có mức giá dao động từ 800.000 - 2.000.000 đồng. Mức giá này nếu so với các sản phẩm túi xách da handmade từ Hội An thì cao hơn.
Chị Hồ Thị Thắng (du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, đều đặn 2 năm một lần, gia đình chị về Đà Nẵng thăm nhà kết hợp nghỉ dưỡng nên ngoài các địa điểm nổi tiếng của Đà Nẵng, chị cũng thường vào Hội An thăm thú, uống cà-phê. Thấy sản phẩm túi da tại phố cổ hay hay, chị cũng đặt mua vì chỉ phải đợi “xong một cữ cà-phê” là có. Theo chị, những chiếc túi da ngang nhau về chất liệu nhưng về phụ kiện, độ trau chuốt và tỉ mỉ, thì túi da may tại Đà Nẵng nhỉnh hơn. Để đặt túi ở đây, chị phải đợi từ 4-5 ngày, chỉ so sánh về mức độ tỉ mỉ đã có thể nói lên chất lượng.
Một trong những điểm nổi bật của đồ làm thủ công chính là có thể làm theo yêu cầu của khách hàng. Do đó, hầu hết sản phẩm có tính độc đáo và không đụng hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ở Đà Nẵng có hơn 10 cửa hàng làm đồ da chuyên nghiệp (Lee. Hleather (đường Bắc Đẩu), Sosatha handmade (đường Trần Nhật Duật), Cloudy Store (đường Huỳnh Thúc Kháng))…. Trong đó, một số cửa hàng bên cạnh chú trọng vào từng đường kim mũi chỉ còn tìm tòi, sáng tạo đục, chạm, khâu trên chất liệu da để cho ra đời những chiếc túi xách phiên bản giới hạn. Với những kiểu dáng độc đáo này, khách hàng buộc phải cung cấp cho chủ shop kích thước, mẫu mã cụ thể trên giấy chứ không… nói miệng. Giá thành của những sản phẩm này có khi lên đến hơn chục triệu đồng.
Cũng đi theo con đường kinh doanh đồ handmade nhưng Lê Thị Phương (sinh năm 1991, giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám) lại lựa chọn may túi xách, ví nữ bằng chất liệu vải bành. Phương cùng những người chị của mình rong ruổi khắp trong nam ngoài bắc để lựa chọn loại vải độc đáo như canvas, linen, thô bố và đưa lên mạng xã hội facebook (Kebu’Craft-Thế giới handmade), khách hàng sẽ chọn vải, kiểu túi và đặt may. Một chiếc túi có kích cỡ trung bình (bằng khổ giấy A4) có giá 420.000 đồng. Phương bày tỏ, dù đây mới chỉ là sản phẩm lưu niệm thủ công chứ chưa phải là sản phẩm truyền thống nhưng nếu ai yêu thích hàng độc, đẹp, rẻ thì khó bỏ qua. Bởi ai cũng biết, điều làm nên sự khác biệt của một sản phẩm handmade đó chính là tính độc quyền trong mỗi sản phẩm. Có thể nói, mỗi sản phẩm handmade là một bản duy nhất bởi chúng được làm bằng tay và phụ thuộc nhiều vào yếu tố cảm xúc của con người. Cho nên, dù là cùng một mẫu mã thì nó cũng không hoàn toàn giống nhau.
Đong đầy tình yêu
Bên cạnh dòng sản phẩm handmade là đồ dùng hằng ngày, còn có một dòng handmade để trang trí. Đó là những sản phẩm được thực hiện trên những chất liệu như giấy, bìa, len, sợi, vải, gỗ cho đến lông vũ, hạt cườm… với các loại mẫu mã, kích thước phong phú và đa dạng.
Tuy nhiên, nếu chỉ cần làm một tấm thiệp để tặng mẹ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 mà phải mua đủ phụ liệu từ: giấy bìa, giấy màu, giấy kiếng, bút lông vũ, nến, cườm… thì khá tốn kém. Từ lý do đó, cô bạn Nguyễn Phan Thy (sinh năm 1990) đã cho ra đời Tiki House (109, đường Hải Phòng), mô hình quán cà-phê kết hợp đồ handmade.
Tại không gian này, Thy cùng những người bạn của mình đã tự làm và bày bán các mặt hàng lưu niệm như hoa để bàn, khung ảnh 3D, túi điện thoại, bịt mặt du lịch, thiệp tay, bookmark, móc khóa, móc cặp. Những món quà lưu niệm đơn giản nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của những người yêu sự sáng tạo đã được “tân trang” đẹp đẽ và cá tính, mang nhiều dấu ấn cá nhân. Thy trải lòng, ban đầu khi mở quán hướng đến bán các sản phẩm lưu niệm thủ công này, bạn chưa định hướng đến đối tượng khách du lịch nhưng sắp tới sẽ chuyển dần sang một số mặt hàng có liên quan đến du lịch Đà Nẵng hiện có của quán mới chỉ là bookmark và khung ảnh.
Nhiều năm nay, cô và trò ở cơ sở 1, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (tại tổ 49 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) tự làm rất nhiều sản phẩm lưu niệm để bán trong mỗi dịp hội chợ do thành phố tổ chức cũng như bày bán tại trung tâm. Các sản phẩm tại đây khá đa dạng như tranh thêu, hoa đất sét, hoa cườm, hạt gỗ đeo tay… Nhìn các cháu khó nhọc xâu cườm, nặn đất sét để các cô kết cườm, bẻ hoa mới thấy mỗi sản phẩm lưu niệm tại đây được làm ra khó khăn biết chừng nào. Cô Phan Thị Thanh (giáo viên tại trung tâm) chia sẻ, để làm ra một chậu hoa cườm nho nhỏ được bán với giá 35.000 đồng, các em phải mày mò xâu kết trong thời gian từ 3-4 tiếng đồng hồ. Những sản phẩm của “cô và cháu” tuy còn đơn giản nhưng chứa đựng sự nỗ lực rất lớn và đong đầy tình yêu.
Với những ai yêu thích cá tính riêng biệt, sự độc đáo, mới lạ thì đồ lưu niệm handmade luôn nằm trong danh mục “phải mua” mỗi khi đặt chân đến vùng đất mới. Tiếc là, những người hướng đến làm và bán đồ lưu niệm handmade đa số là người trẻ. Đôi khi vốn ít, kén người mua nên nhiều cửa hàng bán đồ handmade một thời gian rồi không thể duy trì. Nếu được sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, chắc chắn họ sẽ tham gia rõ nét hơn trên con đường quảng bá sản phẩm du lịch cho thành phố.
QUỲNH TRANG