Đà Nẵng cuối tuần

Mùa thơ

07:39, 12/02/2017 (GMT+7)

Những thế hệ nhà văn, nhà thơ đất Quảng nối tiếp nhau qua từng thời kỳ đều để lại những tác phẩm mang dấu ấn khó phai và đặc biệt. Ngày thơ Nguyên tiêu rằm tháng Giêng năm nay đến vào dịp thành phố Đà Nẵng vừa tròn 20 năm trực thuộc Trung ương, giữa mùa xuân dạt dào cảm xúc,  thơ vẫn luôn là niềm đam mê bất tận với những người “rút ruột nhả tơ”.

Tuyển tập tác phẩm Đà Nẵng điều còn lại kỷ niệm 20 năm Thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của Đà Nẵng.
Tuyển tập tác phẩm Đà Nẵng điều còn lại kỷ niệm 20 năm Thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của Đà Nẵng.

Nối tiếp những mùa thơ

Ngày thơ Nguyên tiêu năm nay không bó gọn trong một đêm thơ như những năm trước mà được “rải” đều từ ngày mồng 5 Tết cho đến rằm tháng Giêng. Khởi đầu là đêm thơ Tình xuân quy tụ hơn 20 nhà thơ được tổ chức ở công viên 29-3.

Tiếp đến là một chương trình thơ dành cho các em thiếu nhi với chủ đề Trang sách hồng tại sân đền thờ Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vào ngày 11 tháng Giêng (7-2-2017). Đây là lần đầu tiên có một đêm thơ Nguyên tiêu cho thiếu nhi với những bài thơ viết về các em.

Ngày Thơ Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng năm nay có chủ đề “Đà Nẵng mùa xuân – Hành trình 20 năm phát triển”, giới thiệu một số bài thơ, thơ phổ nhạc tiêu biểu viết về vẻ đẹp của thành phố, về biển đảo để phục vụ rộng rãi công chúng.

Chương trình biểu diễn tại sân Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Thanh Khê vào tối 12 tháng Giêng (ngày 8-2-2017), dự kiến phục vụ khoảng 1.500 người nghe thơ.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng cho rằng, thành tựu thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung của Đà Nẵng được nối dài từ dòng thơ yêu nước cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 của các chí sĩ; thơ giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ; thơ yêu nước ở miền Nam trước 1975 và thơ từ 1975 đến nay.

Nhìn rộng ra như vậy để thấy rằng vùng đất xứ Quảng, với Đà Nẵng một phần máu thịt là một vùng đất đầy - chất - thơ, nơi đây sinh thành nhiều tác giả, tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét trong dòng chảy văn học chung của nước nhà. Trong số những nhà thơ tiêu biểu có thể kể đến Phan Khôi, Phạm Hầu, Tường Linh, Thu Bồn, Trinh Đường...

Từ năm 1997 đến nay “Thơ Đà Nẵng” tiếp tục phát triển khá đa dạng, đa phong cách, luôn cách tân và đổi mới. Các tác phẩm của các nhà thơ Đông Trình, Ngân Vịnh, Thanh Quế, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Tuấn, Võ Kim Ngân, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Hữu Hồng Minh... có nhiều tác phẩm tạo nên diện mạo mới của thơ Đà Nẵng, đặc biệt thơ trong giai đoạn này có sự cách tân về thi pháp, đồng hành cùng sự phát triển chung của xã hội.

Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia với sức viết khá dồi dào. Đang từng bước tạo được nét riêng và có nhiều cách tân trong thơ. “Mỗi thế hệ đều có cách nhìn khác nhau về thực tế cuộc sống do đó phong cách thơ cũng khác nhau. Tôi tin các tác giả trẻ của Đà Nẵng sẽ có những bước đi vững vàng trên con đường sáng tạo của mình”, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm nhấn mạnh.

Mỗi năm, khó mà đếm được có bao nhiêu tập thơ mới ra đời, và cũng khó để trả lời được câu hỏi các tập thơ có được bạn đọc đón nhận nhiệt thành, đổ xô đi mua hay không. Theo nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Tổng biên tập NXB Đà Nẵng, đó là mặt mạnh để thơ phổ biến, phát triển, đồng thời lại cũng là điểm rất yếu để thơ bị lạm phát, dễ dẫn đến tình trạng loạn thơ (thơ hay bị chìm lỉm trong núi thơ... không được hay). Rốt cuộc, nhiều quá hóa nhàm, bạn đọc đâm ra chán thơ.

“Là người làm công tác xuất bản, tôi thật sự thấm thía với điều này và nhiều khi muốn kêu lên: “Yêu thơ như thế bằng mười hại thơ”. Tôi tôn trọng yêu mến tất cả những ai đến với thơ, làm thơ, nhưng đôi khi phải thốt lên: Giá mà họ bớt đam mê đi, viết ít lại, in ít lại... thì có khi điều đó mới là tốt cho thơ.

Và đó mới là tình yêu đích thực đối với Thơ ca! Xin thứ lỗi vì đã nói điều rất... chủ quan như vậy, nhưng đó là suy nghĩ thật của tôi mỗi khi cầm trên tay một bản thảo thơ hay một tập thơ mới được tặng, tất nhiên là trừ ra những nhà thơ tài năng thì... nên viết nhiều lên, in nhiều lên để... cứu thơ!”, nhà thơ Nguyễn Kim Huy bày tỏ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nguyên vẹn nỗi đam mê

“Văn thơ đối với tôi vừa là duyên, vừa là nghiệp. Tôi nghĩ, thơ trước hết phải ghi dấu được tiếng nói của tâm hồn mình, những người thân yêu quanh mình, xóm làng phố phường, quê hương đất nước mình... Nếu có tài năng, đó cũng đã là tiếng nói của con người và thời đại mình đang sống, để tác phẩm có hy vọng được chia sẻ và còn lại với cuộc đời. Và đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ về thơ và việc làm thơ của mình như vậy và cũng chỉ sáng tác thơ với... mong muốn có những bài thơ như vậy”, nhà thơ Nguyễn Kim Huy trải lòng.

Mấy chục năm qua, Nguyễn Kim Huy vẫn giữ nguyên nỗi đam mê ấy với thơ và đã có nhiều thay đổi, trầm lắng hơn, ít ồn ào hơn nhưng... sâu nặng hơn. Ông thú thật,  làm thơ chỉ là để... thư giãn, có cảm xúc thì viết, không thì thôi, chứ chẳng có chuyện “vật vã chữ nghĩa” gì, dù nhiều khi cũng rất là “tâm trạng”.

Với người làm thơ, chỉ có nỗi đam mê mới giúp họ “nhả tơ” để có những bài thơ hay, sâu lắng và có thể đi trọn đời mình với thơ. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đã xuất bản được 3 tập thơ: Khói tỏa về trời (1994), Bên ngoài cánh đồng (2003) Nắng trên đồi (2011).

Riêng tập Nắng trên đồi được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng của UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng. Dự định trong năm mới của ông là sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc sáng tác.

“Tôi muốn viết nhiều về thành phố, về biển đảo quê hương và viết cho những người tôi yêu thương. Thơ luôn đỏng đảnh ở phía trước, nhưng tôi tin với tình yêu thật thà của mình sẽ có ngày tôi chộp bắt được những tứ thơ hay, những bài thơ hay...”.

Hội nhà văn Đà Nẵng trong những năm qua vẫn thường xuyên mở những trại sáng tác dành cho các tác giả có đề cương tốt; tổ chức đi thực tế sáng tác tại các địa phương trong và ngoài thành phố; hỗ trợ kinh phí cho nhà văn sáng tác và in tác phẩm; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về thơ để nắm bắt thêm những vấn đề mới về nội dung, phong cách sáng tác, tạo điều kiện tốt nhất cho các hội viên sinh thành các tác phẩm mới. Nhờ đó, các nhà thơ Đà Nẵng vẫn đều đặn giới thiệu với bạn đọc nhiều tập thơ mới, có chất lượng tốt.

Thêm một người Đà Nẵng cũng rất mê thơ, là Nguyễn Ngọc Hạnh. Thời gian qua, ông dành tâm huyết của mình chọn giới thiệu thơ của các nhà thơ, các bạn làm thơ trên báo Đà Nẵng cuối tuầnCông an Đà Nẵng được độc giả ghi nhận, giúp người đọc bớt nhàm chán thơ trong bối cảnh thơ đang lạm phát hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ: “Tôi nghĩ còn nhiều người làm việc này, có khi họ chọn và giới thiệu thơ còn tốt hơn tôi, nhưng có lẽ họ ngại vì mất nhiều thời gian để đọc, chọn lựa rồi còn viết cảm nhận cho từng tác giả. Đó là chưa nói đến việc chọn lựa, khen chê cũng dễ làm mích lòng các nhà thơ và các bạn làm thơ trong cả nước.

Thực lòng mà nói, tôi thấy các trang thơ hiện nay ít quan tâm đến chất lượng mà nặng về tình cảm quen thân để đăng thơ. Ngay cả, những tờ báo xuân, đôi khi các báo đăng cả thơ không được hay của các nhà thơ tên tuổi, vì chỉ để làm sang trọng cho tờ báo của mình.

Lâu nay, tôi hay tìm đọc thơ từ nhiều nguồn, không chỉ thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng mà cả những tác giả vô danh, nhưng nếu thơ họ hay tôi bằng mọi cách liên hệ chọn và giới thiệu đến với bạn đọc. Thêm điều này, tôi vốn đọc và theo dõi nhiều tác giả trong nước, tôi muốn họ đến gần hơn với các bạn yêu thơ miền Trung kể cả các nhà thơ tôi chưa từng quen biết”.

Đầu năm nói chuyện về thơ, cũng không tránh khỏi chuyện thơ mới, thơ cách tân, hiện đại hay hậu hiện đại.  Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh khẳng định, có cách tân thơ đến mấy thì đọc cũng phải hiểu, phải cảm xúc và mang lại cho cuộc đời những giá trị nhân văn sâu sắc, đừng để thơ trở thành một trò cút bắt kiếm tìm mù mịt.

Và nhà thơ Nguyễn Kim Huy khẳng định lại chân giá trị đó: Thơ cũ, cách tân hay cổ điển không phải là điều quan trọng, miễn sao là... có thơ hay, và “loại hình” gì giúp mình viết được điều mình cảm, mình nghĩ đạt độ chân thực, xúc động…

Thơ thực chất làm gì có mùa! Nhưng tôi vẫn thích gọi mùa xuân, mùa khởi đầu của một năm, mùa của trăm hoa đua nở, của nảy lộc đâm chồi, là một mùa thơ với dạt dào cảm xúc. Và xin chúc các nhà thơ luôn có mùa thơ với 365 ngày trong năm nguyên vẹn yêu thương con người, cuộc sống, để có những vần thơ hay, thơ đẹp dâng cho đời.

HOÀNG NHUNG

.